Doanh nghiệp
Lotte Mart lên tiếng về thông tin lỗ ngàn tỷ đồng
Hồng Sơn - 28/05/2018 08:26
Trước những luồng thông tin về việc dù có doanh thu “đẹp như mơ”, nhưng suốt 11 năm kinh doanh tại Việt Nam lại thua lỗ ngàn tỷ đồng, đại diện Công ty cổ phần Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam (Lotte Mart), doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Hàn Quốc, đã chính thức lên tiếng.
TIN LIÊN QUAN

Xác nhận lỗ gần 800 tỷ đồng

“Theo Báo cáo tài chính đã được kiểm toán bởi Công ty kiểm toán độc lập PwC Việt Nam, tính đến cuối năm 2017, lỗ lũy kế của Lotte Mart là gần 800 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của Công ty là 1.600 tỷ đồng”, ông Jeong Seong Won, Giám đốc tài chính của Lotte Mart thông tin chính thức. 

Cũng theo ông Jeong Seong Won, doanh thu của Lotte Mart trong năm 2015 đạt trên 4.191 tỷ đồng và trong năm 2016 là trên 5.009 tỷ đồng, năm 2017 là 5.269 tỷ đồng.

Lotte hiện có 13 trung tâm thương mại tại Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh

Lotte Mart hiện diện tại Việt Nam từ cuối năm 2006, đến nay có 13 trung tâm thương mại hoạt động tại các tỉnh, thành trên cả nước (trụ sở chính đặt tại quận 7, TP.HCM). 

Theo lý giải của đại diện Lotte Mart, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ trong suốt thời gian hoạt động tại Việt Nam.

Thứ nhất, đầu tư xây dựng liên tục các trung tâm thương mại với chi phí lớn. Cụ thể, sau trung tâm thương mại đầu tiên năm 2008, trong giai đoạn 2009 - 2016, Lotte Mart liên tiếp khai trương các trung tâm thương mại mới. Trong đó, riêng năm 2014, Công ty mở thêm 4 trung tâm.

Theo đó, Lotte Mart đã chi hơn 8.913 tỷ đồng đầu tư hạ tầng, vị trí mặt bằng chiến lược, trang thiết bị hiện đại cho 13 trung tâm thương mại, cùng hàng loạt chi phí kinh doanh như chi phí hoạt động tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp… 

“Đây là những chi phí đầu tư ban đầu không hề nhỏ mà doanh nghiệp phải chi cho các hoạt động đầu tư tại Việt Nam”, đại diện Lotte Mart nói.

Đại diện này cho biết, trong thực tế, mỗi trung tâm mới khi đi vào hoạt động cần 5 - 8 năm kể từ ngày khai trương để đạt được điểm hòa vốn. Do đó, một số dự án chưa đạt được hiệu quả (chưa có lợi nhuận) theo kế hoạch.

Thứ hai, một yếu tố khách quan dẫn đến thua lỗ là hiệu quả kinh doanh chưa được như kế hoạch đề ra tại thời thời điểm lập dự án đầu tư. Đó là, vị trí địa lý, yếu tố thị trường, thói quen tiêu dùng của khách hàng ở nhiều vùng miền khác nhau, dẫn đến hiệu quả kinh doanh của các trung tâm cũng khác nhau, nơi có lãi, nơi lại lỗ.

Chẳng hạn, một số trung tâm thương mại tại Đồng Nai; Bình Dương; Tân Bình, quận 11 (TP.HCM), Phan Thiết (Bình Thuận), Đống Đa (Hà Nội) có kết quả kinh doanh chưa như mong đợi. Ngược lại, một số trung tâm đã hoạt động hiệu quả và có lãi như tại quận 7 và Gò Vấp (TP.HCM), Đà Nẵng, Ba Đình (Hà Nội), Nha Trang (Khánh Hòa), Vũng Tàu, Cần Thơ. 

“Tuy nhiên, xét về tổng thể thì các trung tâm hoạt động hiệu quả vẫn chưa thể bù đắp được các trung tâm còn lại”, đại diện Lotte Mart cho biết.

Dự kiến từ năm 2020 sẽ bắt đầu có lãi

Theo ông Jeong Seong Won, do đang trong giai đoạn đầu tư ban đầu, nên hoạt động kinh doanh của Lotte Mart chưa được như kỳ vọng, dẫn đến thua lỗ. 

Tuy nhiên, đại diện của Lotte Mart cũng nhận định, Việt Nam là thị trường tiềm năng nhất tại châu Á trong ngành công nghiệp bán lẻ, bởi nhiều lý do, như lao động trẻ chiếm tỷ lệ rất lớn, sự phát triển đô thị hóa ngày càng cao, việc mở rộng các ngành sản xuất công nghiệp và thương mại - dịch vụ, chính sách phát triển kinh tế của các địa phương đã thu hút được nhiều nhà đầu tư…

Theo Báo cáo tài chính đã được kiểm toán, tính đến cuối năm 2017, lỗ lũy kế của Lotte Mart là gần 800 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của Công ty là 1.600 tỷ đồng.

“Chúng tôi cam kết đầu tư lâu dài cũng như tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Dự kiến đến năm 2020, chúng tôi sẽ bắt đầu có lợi nhuận từ hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam”, đại diện Lotte Mart cho biết.

Trước những thông tin chính thức từ phía Lotte Mart, để rộng đường dư luận, phóng viên Báo Đầu tư đã liên hệ với ông Nguyễn Nam Bình, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, người phát ngôn và cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí. Tuy nhiên, đại diện Cục Thuế TP.HCM đã từ chối trả lời vì… bận họp.

Trước đó, từ tháng 5/2017, Tổng cục Thuế đã có văn bản yêu cầu cục thuế các địa phương làm việc với sở kế hoạch và đầu tư, sở công thương để rà soát, xác định các thương hiệu bán lẻ trên địa bàn và xác định chủ sở hữu. Trên cơ sở thông tin có được, các cục thuế phân tích, đánh giá rủi ro về thuế để lựa chọn, bổ sung vào kế hoạch thanh tra của cơ quan thuế.

Theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế, cơ quan thuế sẽ thực hiện thanh tra một số nội dung như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế nhà thầu liên quan đến các doanh nghiệp bán lẻ trong giai đoạn 2012 - 2016 và sẽ thực hiện thanh tra các năm chưa được thanh tra, kiểm tra thuế.

Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các cục thuế rà soát chi phí dịch vụ mà các doanh nghiệp này trả cho công ty mẹ ở nước ngoài mà không chứng minh được đó dịch vụ tư vấn, hoặc dịch vụ không phục vụ sản xuất của doanh nghiệp tại Việt Nam…

Tin liên quan
Tin khác