Ngân hàng - Bảo hiểm
Lừa đảo mạng tăng mạnh, nhà băng lo giải bài toán bảo vệ khách hàng
Trần Mạnh - 14/01/2024 08:21
Tình trạng lừa đảo trên không gian mạng tăng theo cấp số nhân đang đặt ngành ngân hàng trước nhiều thách thức mới, đặc biệt là trong xu thế ngân hàng mở (open banking) ngày càng phát triển.

Báo cáo mới nhất về tình trạng lừa đảo qua mạng tại Việt Nam năm 2023 của Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (GASA) vừa công bố cho thấy, tổng số tiền mà người Việt bị lừa đảo qua mạng lên tới 16 tỷ USD, chiếm gần 1/3 tổng số tiền bị lừa đảo trên toàn cầu. Do độ phủ Internet lớn, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh cao, trong khi nhận thức về an ninh mạng, an toàn thông tin còn hạn chế, nên Việt Nam hiện là mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng lừa đảo qua mạng.

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng cho biết, trong hàng chục ngàn phản ánh về các trường hợp lừa đảo trên mạng Internet trong năm 2023, có tới 91% liên quan đến giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng. Trước đây, tội phạm thường tấn công hệ thống của một số cổng nhất định, song từ khi xu hướng ngân hàng mở phát triển đồng nghĩa với việc có thêm nhiều cổng để các đối tượng tấn công, thâm nhập, gây hại cho hệ thống. 

Cũng bởi vậy, chưa bao giờ, vấn đề an ninh, an toàn, bảo mật trong hệ thống ngân hàng lại được đặc biệt coi trọng như hiện nay.

“Tất cả hoạt động của ngân hàng có làm tốt tới đâu, mà hoạt động thanh toán để xảy ra vấn đề rủi ro, khi người dân sử dụng dịch vụ của chúng ta và mất tiền mà chúng ta không bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của họ, thì niềm tin sẽ bị sụt giảm”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã nhấn mạnh như vậy trong một hội nghị về thanh toán được tổ chức đầu năm 2024.

Hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đang được số hóa mạnh, với 90 - 98% lượng giao dịch của ngân hàng đều qua kênh số. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đang tích cực dịch chuyển mô hình kinh doanh từ “đóng” sang “mở”. Kết nối được mở rộng, hệ sinh thái phức tạp hơn, khách hàng và lượng giao dịch gia tăng… đặt ra nhiều thách thức với hoạt động quản lý và đảm bảo an ninh, an toàn trong lĩnh vực thanh toán.

Niềm tin vào hệ thống ngân hàng rất quan trọng, do vậy, trong năm 2024, ngành ngân hàng đặt trọng tâm trong công tác thanh toán là đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống. Song đây là công việc không dễ và ngày càng phức tạp.

Bối cảnh trên đòi hỏi ngành ngân hàng phải thêm nhiều biện pháp trong bảo vệ hệ thống và bảo vệ khách hàng. Theo đó, trước mắt, các ngân hàng phải tăng cường triển khai các biện pháp, giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật dữ liệu thông tin, ngăn ngừa hành vi sử dụng, lợi dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng... cho mục đích bất hợp pháp. Bên cạnh đó, cần rà soát quy trình mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ ngân hàng, ví điện tử, ngăn ngừa nguy cơ lộ lọt thông tin, dữ liệu khách hàng. Sau nữa, cần tăng cường truyền thông tới khách hàng về các biện pháp bảo mật dữ liệu cá nhân, tránh rủi ro lộ lọt thông tin cá nhân khi thực hiện giao dịch trực tuyến.

Một việc không kém phần quan trọng là các ngân hàng phải đầu tư nhiều hơn nữa cho hạ tầng tài chính, đảm bảo giao dịch không bị gián đoạn và có khả năng phục hồi nhanh nhất ngay cả khi có sự cố xảy ra.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, cần tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán để phát hiện, xử lý kịp thời những vi phạm. Đồng thời, cần tăng tốc triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) giữa Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước, từ đó làm sạch dữ liệu khách hàng, khai thác hiệu quả dữ liệu căn cước công dân gắn chip trong xác minh thông tin nhận biết khách hàng… đối với hoạt động mở, sử dụng tài khoản thanh toán/thẻ ngân hàng.

Đặc biệt, các cơ quan nhà nước, ngân hàng và các đơn vị cần chung tay chia sẻ thông tin an toàn, từ đó hình thành mạng lưới tin cậy để cùng hợp lực đối phó với những thách thức mới phát sinh trong quá trình chuyển đổi số.

Tin liên quan
Tin khác