Chia sẻ tại Tọa đàm “Cơ hội đầu tư bất động sản với Luật Đất đai sửa đổi” do VietnamFinance tổ chức, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, nêu một số điểm mới trong Luật Đất đai 2024 tạo cơ hội và hỗ trợ cho cả chủ đầu tư bất động sản và người sử dụng đất về mặt pháp lý.
Theo ông Hà, những điểm mới này bao gồm việc cấp phép chuyển nhượng đất thuê trả tiền hàng năm; mở rộng cơ hội cho vay thế chấp; cung cấp cơ chế xử lý các vấn đề đất đai liên doanh và người sử dụng đất góp vốn vào dự án khi dự án ngừng hoạt động hoặc doanh nghiệp phá sản; đưa ra cơ chế và thủ tục giải phóng mặt bằng.
Ông Hà cho biết, Luật Đất đai 2013 không cho phép chuyển nhượng đất thuê trả tiền hàng năm, nhưng trong Luật Đất đai 2024 đã có cơ chế cho phép chuyển nhượng.
“Đây là nội dung đột phá và nhiều nhà đầu tư quan tâm, tôi đánh giá đây là hướng xử lý tốt”, ông Hà nhận xét.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà kỳ vọng các văn bản pháp lý đất đai sẽ giải thích rõ khái niệm “thế nào là mục đích công cộng” trong trường hợp nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án. Từ thực tiễn tranh chấp pháp lý liên quan tới vấn đề này, ông Hà cho biết các phán quyết đưa ra thường bất lợi cho người dân, nên Nhà nước cần làm rõ để người dân thấy rằng quyền lợi của họ được đảm bảo.
Tọa đàm “Cơ hội đầu tư bất động sản với Luật Đất đai sửa đổi” do Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance tổ chức. |
Về phần mình, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) kỳ vọng, với Luật Đất đai mới sẽ kích hoạt được nguồn lực đất đai, tháo gỡ pháp lý cho các dự án đang gặp vướng mắc.
“Luật Đất đai có thể được thực hiện từ ngày 1/7/2024, nhưng sẽ có những điều khoản bị lùi lại. Trước mắt, điều quan trọng nhất trong việc thực thi và thể chế Luật Đất đai là tháo gỡ hàng ngàn dự án đang bị mắc kẹt. Để làm được điều này, các văn bản dưới Luật cần được xây dựng cẩn thận, cụ thể và lấy ý kiến toàn thể người dân”, ông Đính nói.
TS.Vũ Đình Ánh cho rằng, những thay đổi trong Luật Đất đai 2024 xuất phát từ thực tiễn, góp phần giải quyết vướng mắc về pháp lý liên quan đến bất động sản hiện nay.
“Ở góc độ cá nhân, tôi cho rằng, Luật Đất đai sửa đổi lần này mang đến nhiều cơ hội đầu tư. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những rủi ro pháp lý, những “cái bẫy” mà doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cần phải chú ý”, ông Ánh nhấn mạnh.
Theo ông Ánh, những vướng mắc chưa được giải quyết trong Luật Đất đai sửa đổi gồm: Quyền sở hữu cá nhân, đấu thầu, cho thuê đất, quy hoạch đất ở, thu hồi đất và tài chính đất đai.
Về quyền sở hữu đất đai, ông Ánh bày tỏ sự lo ngại về tư duy trong việc sử dụng quyền sở hữu đất đai (chuyển quyền sở hữu từ một người sang một nhóm người).
“Lấy ví dụ, khi tôi mua nhà, thay vì tự đứng tên, tôi lại phải ghi tên vợ mình. Điều đó cho rằng, chúng ta đang tư duy chưa đúng về quyền sở hữu đất, chuyển từ sở hữu của một cá nhân sang sở hữu của một nhóm người”, ông Ánh nói.
Về đấu thầu, theo TS. Vũ Đình Ánh, cần phải siết chặt thêm các quy định về đấu thầu và tiêu chuẩn doanh nghiệp tham gia đấu thầu, từ đó mới tạo ra thêm nguồn cung thật cho phân khúc nhà ở thương mại.
Liên quan đến cho thuê đất, ông Ánh nhận định: “Việc trả tiền thuê đất một lần không phải là quá tệ, nhưng lại bất cấp ở góc độ chúng ta định giá đất quá rẻ. Trong nhiều năm qua, gần như là cho không tiền thuê đất”. Nếu muốn cho thuê đất một cách hiệu quả, cần phải giải quyết 2 vấn đề, đó là định giá đất và điều chỉnh giá thuê đất.