Doanh nghiệp
Lương nhân viên Xi măng Cẩm Phả cao nhất ngành xi măng
Tú Ân - 13/05/2015 14:53
Theo đánh giá của các cổ đông tại Đại hội Cổ đông thường niên diễn ra đầu tháng 5/2015 vừa qua ở Công ty Cổ phần xi măng Cẩm Phả, lương của người lao động tại Công ty này đang dẫn đầu trong số các doanh nghiệp xi măng trên cả nước.

 Năm 2014, lương bình quân của mỗi nhân viên Công ty Cổ phần XMCP tăng 25,4 % so với thời điểm chưa sáp nhập vào Tập đoàn Viettel. Con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng 25% trong năm 2015. Tính đến thời điểm hiện tại, Công ty Xi măng Cẩm Phả đang là nơi làm việc của gần 750  người lao động.

Năm 2014 được đánh giá là một năm đặc biệt khó khăn với thị trường bất động sản Việt Nam, hoạt động sản xuất và tiêu thụ của ngành xi măng bị ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Tập đoàn Viettel, công ty vẫn đạt được doanh thu thuần 2.471 tỷ đồng, tăng 261 tỷ so với năm 2013. Dòng tiền tạo ra trong kỳ là 500,6 tỷ đồng, tăng 127% so với năm 2013.

Được biết, tháng 10/2013, Tập đoàn Viettel đã mua lại 70% vốn cổ phần của nhà máy Xi măng Cẩm Phả (công suất 2,3 triệu tấn/năm) từ tay Vinaconex. Kèm theo việc bán cổ phần này sẽ là bán cả phần nợ của Xi măng Cẩm Phả do Vinaconex bảo lãnh.

Sau thương vụ mua bán sát nhập này, Viettel bắt tay vào công cuộc tái cấu trúc tài chính giúp Xi măng Cẩm Phả giảm bớt áp lực tài chính, có thêm vốn đầu tư. Theo đó, Tập đoàn Viettel đầu tư vốn nâng cấp máy móc, thiết bị, nhà xưởng, mở rộng sản xuất - kinh doanh, nâng cấp cầu cảng để tiếp nhận tàu lớn cho nhà máy Xi măng Cẩm Phả. Chủ động xây thêm si-lô chứa xi măng nhằm đa dạng hóa sản phẩm.

Ngay sau đó, Công ty đã thay đổi cách thức quản trị, điều hành, đầu tư xây dựng hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý sản xuất kinh doanh, tập trung đẩy mạnh sản xuất, nâng cao công suất, giảm giá thành sản phẩm phấn đấu không để hàng hóa tồn kho.

Anh Đỗ Quang Đạt, Trưởng ca điện – Phòng Điện Công ty Xi măng Cẩm Phả:

"Mức thu nhập tăng 50% so với trước đây"

Trước khi có quyết định sáp nhập về Viettel, bản thân tôi cũng có sự lo lắng về việc thay đổi quản lý và vấn đề thu nhập.

Là nhân viên công ty từ những ngày đầu hoạt động (2007), tâm lý khó đón nhận cái mới chắc mọi người cũng có thể thông cảm. Tuy nhiên, với mô hình tổ chức mới, anh em chúng tôi được thường xuyên thử thách, có cơ hội để phát triển chuyên môn nhờ được giao nhiều việc hơn.

Bản thân tôi hiện giờ có thể làm chủ được phần lớn hệ thống thiết bị nhà máy,  việc mà trước đó tôi nghĩ chỉ có các chuyên gia nước ngoài mới làm được. Chúng tôi được tham gia vào các chương trình đào tạo và huấn luyện từ các chuyên gia đầu ngành. Mức thu nhập của tôi cũng đã tăng 50% so với trước đây”.

Anh Nguyễn Văn Tuyến – Phó phòng Cơ khí Công ty Xi măng Cẩm Phả:

"Môi trường mới thúc đẩy người lao động làm việc tích cực hơn"

Tôi cho rằng, môi trường làm việc tại công ty hiện nay luôn thúc đẩy người lao động làm việc. Với cách quản lý mới, đặt nặng trách nhiệm cho người đứng đầu, người chỉ huy hoàn toàn chịu trách nhiệm và có toàn quyền trong việc xử lý công việc.

Cụ thể, trong những sự cố của nhà máy, người quản lý hoàn toàn có thể chủ động điều động nhân lực, máy móc hỗ trợ để giải quyết sự cố kịp thời.

Trước đây, với cách thức cũ, mỗi khi xảy ra sự cố, chúng tôi đều phải báo cáo qua các cấp để xin chỉ đạo, đôi khi việc đó khiến cho tiến độ bị trì trệ, hiệu quả công việc không cao.

Bên cạnh đó, công ty áp dụng phương pháp giao việc cụ thể cho từng người nên mỗi cá nhân đều cảm thấy mình sẽ đóng góp và có trách nhiệm với tập thể hơn.

Tin liên quan
Tin khác