Trước tình trạng lượng thép cán nóng nhập về lớn hơn sản lượng ngành thép trong nước sản xuất, Chính phủ cần vào cuộc làm rõ để bảo vệ sản xuất trong nước |
Nhập khẩu HRC tăng mạnh
Thống kê của Hải quan cho hay, trong 3 năm trở lại đây, nhập khẩu HRC vào Việt Nam gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt là từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Đơn cử, năm 2023, tổng lượng nhập khẩu HRC là 9,64 triệu tấn, trong đó riêng nhập từ Trung Quốc là 6,3 triệu tấn. Con số tương ứng của năm 2022 là 8,1 triệu tấn và 3,3 triệu tấn.
Trong quý I/2024, nhập khẩu thép HRC đạt 3 triệu tấn, gấp 1,5 lần so với lượng sản xuất trong nước, riêng lượng nhập từ Trung Quốc và Ấn Độ tăng đột biến, chiếm 75% tổng lượng nhập.
Trước thực trạng này, các doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất HRC tại Việt Nam quy mô lớn là Tập đoàn Hòa Phát và Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa đã nộp đơn đề nghị Bộ Công thương mở cuộc điều tra chống bán phá giá với hàng HRC nhập khẩu.
Cũng rất nhanh, có 9 doanh nghiệp đã lên tiếng yêu cầu không tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu. Đó là Tập đoàn Hoa Sen, Công ty cổ phần Thép TVP, Công ty cổ phần Tôn Đông Á, Công ty cổ phần Thép Nam Kim, Công ty Tôn Phương Nam, Công ty cổ phần Tôn Pomina, Công ty cổ phần Sản xuất Thép Vina One, Công ty cổ phần Sản xuất Kinh doanh Thép Việt Nhật và Công ty cổ phần Kim khí Nam Hưng.
Bác bỏ việc nhập khẩu HRC từ Trung Quốc gây thiệt hại cho ngành sản xuất HRC của Việt Nam, các doanh nghiệp này cho rằng, sản phẩm HRC từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam đang không bán phá giá, vì biên độ phá giá chỉ 1,26%. Trong khi đó, Luật Quản lý ngoại thương quy định không áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu có biên độ bán phá giá không vượt quá 2% giá xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam.
Đồng thời, theo 9 doanh nghiệp nói trên, hiện có 2 doanh nghiệp sản xuất được HRC tại Việt Nam với gần 80% ngành HRC nội địa. Một khi thuế chống bán phá giá HRC nhập khẩu từ Trung Quốc được áp dụng, 2 doanh nghiệp này sẽ độc quyền hoàn toàn nguồn cung, dẫn tới việc tăng giá bán khiến giá bán thành phẩm tăng tương ứng. Khi đó, giá nhập khẩu HRC cũng tăng cao. Nếu áp thuế chống bán phá giá, chắc chắn ngành sản xuất tôn mạ, ống thép tại Việt Nam sẽ gặp khó khăn. Đối tượng chịu thiệt là người tiêu dùng.
Tuy nhiên, số liệu thực tế cho thấy, thị phần của HRC nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nga cũng rất ổn định với mức 23 - 25% nhiều năm qua và sẽ gia tăng trong trường hợp các nhà sản xuất Trung Quốc, Ấn Độ bán phá giá có khả năng bị áp thuế. Do vậy, lo ngại doanh nghiệp trong nước độc quyền là điều không thực tế.
Điều tra chống bán phá giá là cần thiết
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay: “VSA cũng nhận thấy, có hiện tượng gia tăng nhập khẩu với sản phẩm HRC thời gian gần đây. Tôi cho rằng, mở cuộc điều tra chống bán phá giá là cần thiết. Quan điểm nhất quán của Hiệp hội là bảo vệ sản xuất trong nước, đặc biệt là các khâu thượng nguồn”.
Khi tiến hành điều tra, các bên sẽ cung cấp hồ sơ và giải trình để cơ quan quản lý nhà nước xem xét nhằm trả lời câu hỏi: “Có chuyện hàng nhập khẩu bán phá giá, nên gia tăng được lượng nhập khẩu vào Việt Nam không?”.
Hiện tại, thép cuộn cán nóng nhập khẩu vào Việt Nam phần lớn là loại Q195 (khoảng 45%, tùy thời điểm) với tiêu chuẩn kỹ thuật thấp hơn hàng sản xuất trong nước. Theo ông Đa, hai loại thép này có sự chênh nhau về chất lượng, nên khi điều tra sẽ có kết luận chính xác.
Nhìn tổng thể, Chủ tịch VSA cho biết, trước đây, ngành thép hoàn toàn nhập khẩu ròng, nhưng hiện tại đã thu hẹp về mức độ. Có những lúc, sản phẩm thép của Việt Nam xuất khẩu đạt kim ngạch 13 tỷ USD, cao hơn kim ngạch nhập khẩu thép, nghĩa là về giá trị đã xuất khẩu ròng.
Điều này có được nhờ sự nỗ lực của các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là những doanh nghiệp đã đầu tư vào khâu thượng nguồn với các sản phẩm đòi hỏi vốn lớn và công nghệ sâu hơn như sản phẩm HRC. Nhờ vậy, đã giúp giảm áp lực về cân đối ngoại tệ khi phải nhập khẩu hoàn toàn thép cuộn cán nóng như trước để đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhiều ngành phía sau.
Việt Nam đã có các khu liên hợp sản xuất thép cán nóng thượng nguồn quy mô lớn, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước |
Hiện Tập đoàn Hòa Phát và Công ty Formosa đã đầu tư khoảng 20 tỷ USD để sản xuất HRC tại Việt Nam, sử dụng hơn 30.000 người lao động và đóng góp lớn cho ngân sách. “Cả bên sản xuất HRC và bên sử dụng đều là thành viên của VSA, nhưng Hiệp hội không thuần tuý bênh bên nào, mà phải bảo vệ sự công bằng, thấy đúng thì phải bảo vệ. Dù là thượng nguồn hay hạ nguồn, thì khi có dấu hiệu tổn thương bởi hàng nhập khẩu, đều cần điều tra làm rõ”, ông Đa khẳng định.
Đồng thời, Chủ tịch VSA cũng kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất HRC trong nước chăm sóc tốt hơn nữa thị trường nội địa.
Đồng tình với quan điểm “rất cần mở cuộc điều tra chống bán phá giá với thép cuộn cán nóng nhập khẩu”, ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ cho hay, việc các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất HRC tại Việt Nam là tin mừng, vì đó cũng là nền tảng cho ngành cơ khí chế tạo, giúp phát triển công nghiệp hỗ trợ và nâng cao hàm lượng sản xuất tại Việt Nam trong các sản phẩm.
Nhiều năm theo dõi hoạt động sản xuất - thương mại, ông Tuất nhận xét, trước kia, Việt Nam chưa làm được HRC, thì hàng nhập khẩu tràn vào; nay tuy trong nước đã sản xuất được mặt hàng này, nhưng hàng nhập khẩu vẫn vào vì có sẵn các kênh phân phối và các bạn hàng cũ. Thêm vào đó, trên thực tế, cung vẫn lớn hơn cầu tại chỗ. Tuy nhiên, gần đây có dấu hiệu nhập khẩu ồ ạt HRC từ bên ngoài. Điều này có thể vì nhu cầu thép tại chỗ của Trung Quốc suy giảm do kinh tế chững lại thời gian qua và dòng vốn đầu tư có sự chuyển hướng sang các thị trường khác.
“Chuyện trong nước ế thừa nên đẩy sang thị trường Việt Nam sát bên cũng đã diễn ra với nhiều mặt hàng thép lâu nay. Là người đi trước, họ cũng đã có lãi ở giai đoạn trước đó, nên giờ đây, để chiếm lĩnh thị trường khác thì có thể bán giá thấp đi. Vì vậy, mở một cuộc điều tra chính là để minh bạch, rõ ràng mọi chuyện, nhất là khi hàng rào thuế quan với HRC bấy lâu không có”, ông Tuất nói.
Thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Global Trade Alerts cũng cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, các sản phẩm HRC của Trung Quốc và Ấn Độ đã bị khoảng 14 quốc gia/thị trường điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp (với trên 40 vụ việc điều tra).
Các quốc gia/thị trường này, bao gồm: Mỹ, EU, Australia, Brazil, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Mexico, Thái Lan, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia, Anh và Ấn Độ, đều có ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm HRC.
Hầu hết các vụ việc điều tra đều dẫn tới kết luận là có hành vi bán phá giá hoặc được trợ cấp đối với sản phẩm thép xuất khẩu của Trung Quốc và Ấn Độ với biên độ bán phá giá ở mức cao.
Chủ tịch VSA cũng cho hay, Thái Lan và Indonesia có công suất/sản lượng sản xuất HRC thấp hơn Việt Nam, thị trường trong nước của các nước này cầu lớn hơn cung nhưng họ cũng làm rất nghiêm việc chống bán phá giá để bảo vệ sản xuất trong nước.
Dữ liệu công khai cho thấy, Thái Lan đang có thuế nhập khẩu MFN đối với HRC là 5% và thuế chống bán phá giá cho các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài lên đến 42%. Để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, Indonesia, Malaysia, Mỹ… đã ban hành các quy định hàng rào kỹ thuật yêu cầu HRC nhập khẩu vào các quốc gia này phải trải qua quy trình đánh giá khắt khe.
Sử dụng nguyên liệu HRC trong nước là sự đảm bảo cho các sản phẩm thép xuất khẩu
Không chỉ “nên mở cuộc điều tra chống bán phá giá để bảo vệ sản xuất trong nước”, ông Nghiêm Xuân Đa cho rằng, điều này còn là để tránh tình trạng HRC Trung Quốc và Ấn Độ nhập khẩu vào Việt Nam chỉ gia công đơn giản, sau đó lại được xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ và châu Âu với mác hàng Việt Nam. Như vậy sẽ khiến các thị trường nhập khẩu tiến hành điều tra đánh thuế lẩn tránh với hàng Việt Nam xuất khẩu, gây ảnh hưởng đến uy tín và cán cân thương mại của Việt Nam.
Cách đây chưa lâu, vào tháng 12/2019, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã có thông báo chính thức quyết định áp thuế cao nhất là 456% lên một số sản phẩm thép được sản xuất tại Hàn Quốc hoặc Đài Loan (Trung Quốc), sau đó đưa sang Việt Nam để gia công đơn giản rồi xuất khẩu sang Mỹ.
Cụ thể, DOC phát hiện một số sản phẩm thép chống ăn mòn và thép cán nguội được sản xuất tại Việt Nam, sử dụng thép chất nền của Hàn Quốc hoặc Đài Loan vốn đã né thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ giá của Mỹ. DOC đã tiến hành áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế tạm thời với hai sản phẩm thép nói trên nhập khẩu từ Việt Nam thông qua việc thu tiền ký quỹ khi nhập khẩu.
Thép cuộn cán nguội và thép chống ăn mòn được sản xuất từ nguyên liệu của Việt Nam hoặc các nước, vùng lãnh thổ khác cũng đã không bị áp thuế trong vụ việc này.
Từ thực tiễn trên, ông Phan Đăng Tuất lo ngại nhập khẩu HRC giá rẻ để sản xuất tôn mạ, xuất khẩu sang các thị trường nhằm hưởng lợi từ các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và các nước sẽ khiến các thị trường nhập khẩu tôn mạ tiến hành điều tra lẩn tránh về thuế.
“Vì thế, càng nên điều tra rành mạch chống bán phá giá với HRC để Việt Nam không bị cuốn vào chuyện là nước trung chuyển để lấn tránh thuế cho hàng Trung Quốc vào Mỹ, EU”, ông Phan Đăng Tuất nhấn mạnh.
Không những vậy, vị chuyên gia này thẳng thắn khuyến cáo, với bất cứ quốc gia nào, nếu phụ thuộc cả vào nhập khẩu, thì sẽ khó tồn tại, nên phải có chính sách để doanh nghiệp tiếp tục mạnh dạn đầu tư, nhất là ở những ngành được coi là “bánh mì” của công nghiệp như thép.
“Về lâu dài, Chính phủ cần có các giải pháp rất thiết thực để ngành thép trong nước phát triển sâu ở khâu thượng nguồn”, ông Tuất nói.