Bài 1: “Nuốt” đất vàng với giá bèo bằng chiêu góp và thoái vốn
Việc Công an TP.HCM vừa khởi tố “đại gia” Đinh Trường Chinh liên quan Vinafood 2 “hô biến” hơn 6.200 m2 đất công sang tư nhân với giá bèo gây xôn xao dư luận.
Quyết chí… bán đất công
Theo hồ sơ, 4 cơ sở nhà đất công với tổng diện tích hơn 6.200 m2 đất thuộc sở hữu nhà nước có vị trí đắc địa nhất nhì TP.HCM hiện nay (tại số 33 - đường Nguyễn Du và 34, 36, 42 - đường Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1) được giao Vinafood 2 làm trụ sở và nhà ở tập thể cho cán bộ, nhân viên từ năm 1993.
Hơn 6.200 m2 đất vàng Vinafood 2 đã sang tay tư nhân. |
Thực hiện phương án sắp xếp lại nhà đất theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ và theo đề nghị của Vinafood 2, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 895 phê duyệt cho Vinafood 2 được chuyển hơn 6.200 m2 đất trên sang xây dựng khách sạn cao cấp, cao ốc văn phòng và trung tâm thương mại cho thuê.
Nhưng Vinafood 2 hoạt động ngày càng khó khăn, lỗ tăng, tài chính yếu kém, đồng thời không có lĩnh vực kinh doanh bất động sản, mà theo quy định của Chính phủ là cấm doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành, nên suốt 7 năm (2008 -2015), dự án trên không được triển khai.
Tới tháng 1/2015, Vinafood 2 có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính và UBND TP.HCM cho phép Tổng công ty được bán 4 cơ sở nhà đất để thu hồi vốn.
Dù chưa được chấp thuận, nhưng ngày 5/2/2015, Hội đồng Thành viên Vinafood 2 đã “quyết bán”, khi ban hành Nghị quyết 01/NQ-HĐTV, thống nhất liên kết với Công ty TNHH Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân (Công ty Việt Hân) của “đại gia” Đinh Trường Chinh thành lập công ty hai thành viên mang tên Công ty Việt Hân Sài Gòn để thực hiện dự án. Theo đó, Vinafood 2 góp 20% vốn bằng toàn bộ giá trị tài sản trên đất và một phần giá trị quyền sử dụng đất của 4 cơ sở nhà đất; Công ty Việt Hân góp 80% bằng tiền mặt; sau khi được cơ quan thẩm quyền cho phép, trong vòng 3 ngày, Công ty Việt Hân phải chuyển đủ 100% số tiền mua 4 cơ sở nhà đất; Vinafood 2 sẽ thoái 20% vốn góp ngay sau khi được cơ quan chức năng phê duyệt.
Nhưng khi làm Văn bản số 29/TCT-HĐTV ngày 11/2/2015 gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đề xuất việc liên kết, thay vì chỉ “góp một phần quyền sử dụng đất”, Vinafood 2 lại xin được “dùng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của 4 cơ sở nhà đất để góp vốn”.
Ngày 10/3/2015, Thứ trưởng Bộ NNPTNT lúc bấy giờ là ông Hà Công Tuấn ký Văn bản số 2039/BNN-QLDN gửi Thủ tướng Chính phủ, cho rằng việc liên kết trên để thực hiện dự án là phù hợp quy định hiện hành.
Ba ngày sau, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 1737/VPCP-KTN ngày 13/3/20145 đề nghị UBND TP.HCM, Bộ Tài chính cho ý kiến về đề nghị trên.
Từ các ý kiến của UBND TP.HCM và Bộ Tài chính, Thứ trưởng Hà Công Tuấn ký Văn bản số 5598/BNN-QLD ngày 14/7/2015 gửi Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải (hiện đã nghỉ hưu) với đề xuất cho phép Vinafood 2 góp 20% vốn bằng tài sản trên đất và “giá trị quyền sử dụng đất của dự án”.
Biến góp vốn từ đất sang tiền giúp đối tác… tiết kiệm ngàn tỷ đồng
Xét đề nghị trên của Bộ NNPTNT, ngày 15/9/2015, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có Văn bản số 1647/TTg-KTN đồng ý về mặt nguyên tắc, đồng thời chỉ đạo nhiều nội dung: thực hiện phương án sắp xếp lại cơ sở nhà, đất theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ đối với 4 cơ sở nhà, đất của Vinafood 2; Bộ NNPTNT chịu trách nhiệm toàn diện chỉ đạo Vinafood 2 trong việc lựa chọn đối tác đảm bảo đủ năng lực thực hiện dự án tại 4 cơ sở nhà đất này; thực hiện việc thoái vốn tại dự án nêu trên trong năm 2015, bảo đảm quản lý chặt chẽ, không để thất thoát tài sản nhà nước...
Trên cơ sở đó, Bộ NNPTNT có Văn bản số 7887/BNN-QLDN yêu cầu Vinafood 2 thực hiện chỉ đạo, nhưng Vinafood 2 không lập thủ tục liên kết vốn để trình Bộ NNPTNT và Bộ Tài chính thẩm định và trình Thủ tướng phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp này lại thuê Công ty cổ phần Thông tin và Thẩm định giá miền Nam lập chứng thư thẩm định giá để làm cơ sở bán tài sản. Theo chứng thư, tổng giá trị quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của 4 cơ sở nhà đất là hơn 704 tỷ đồng.
Điều đáng nói hơn, chứng thư này không được trình lên Hội đồng Thẩm định giá của UBND TP.HCM để thẩm định lại. Thế nhưng, ngày 22/10/2015, căn cứ chứng thư, Vinafood 2 ban hành Nghị quyết 05/NQ-HĐTV phê duyệt việc bán sạch tài sản trên với giá 730 tỷ đồng cho Công ty Việt Hân và cam kết khi lập liên doanh thì Vinafood 2 sẽ góp 20% vốn điều lệ.
Một tháng sau, ngày 12/11/2015, Vinafood 2 và Công ty Việt Hân ký Hợp đồng hợp tác số 001/HĐHT-2015 thành lập công ty hai thành viên mang tên Công ty Việt Hân Sài Gòn. Hợp đồng này lại thể hiện, Vinafood 2 góp 20% vốn bằng tiền mặt, chứ không phải bằng một phần ‘sổ đỏ” của hơn 6.200 m2 và tài sản trên đất như đã trình và được Bộ NNPTNT báo cáo xin ý kiến được Phó thủ tướng đồng ý về mặt nguyên tắc.
Chứng lý Vinafood 2 chuyển từ góp vốn bằng quyền sử dụng đất sang tiền mặt còn thể hiện qua việc, ngày 15/11/2015, ông Đinh Trường Chinh đại diện pháp luật của Công ty Việt Hân nộp giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp với hình thức góp vốn điều lệ là Vinafood 2 góp vốn 20% bằng tiền mặt (160 tỷ đồng), phía Công ty Việt Hân góp vốn 80% bằng tiền mặt (640 tỷ đồng); tại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu số 0313539657 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp cho Công ty Việt Hân Sài Gòn cũng ghi rõ việc góp vốn bằng tiền mặt, không thể hiện phần vốn góp của Nhà nước là quyền sử dụng đất.
Đầu năm 2020, Báo Đầu tư đã có bài điều tra phản ánh bất thường này. Sau khi vào cuộc làm rõ thông tin báo chí, Thanh tra Chính phủ cho rằng, đáng lẽ, theo Nghị quyết HĐTV, Vinafood 2 góp 20% vốn bằng toàn bộ giá trị tài sản trên đất và một phần “sổ đỏ”, Công ty Việt Hân góp 80% bằng tiền mặt, thì Công ty Việt Hân phải góp số tiền mặt bằng 4 lần giá trị tài sản mà Vinafood 2 góp. Tức là, nếu thừa nhận Chứng thư thẩm định giá của Công ty cổ phần Thông tin và Thẩm định giá miền Nam thực hiện năm 2015 xác định mảnh đất và tài sản trên đất có giá trị hơn 704 tỷ đồng, được HĐTV Vinafood 2 phê duyệt là 740 tỷ đồng, thì số tiền mặt gấp 4 lần mà Công ty Việt Hân phải góp làm dự án là 2.960 tỷ đồng.
Tuy nhiên, với việc Vinafood 2 chuyển từ góp đất sang góp bằng tiền mặt là 160 tỷ đồng, thì bản chất sự việc đã thay đổi, giúp Công ty Việt Hân cũng góp gấp 4 lần, nhưng chỉ là… 640 tỷ đồng.
Hợp thức hóa việc tiền trảm hậu tấu
Theo Giấy báo có của Ngân hàng TMCP Hàng hải - Chi nhánh TP.HCM với nội dung: "Công ty Việt Hân Sài Gòn thanh toán tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại 33- Nguyễn Du và 34, 36, 42 - Chu Mạnh Trinh”, thì từ ngày 25/11/2015, Vinafood 2 đã thu tiền xong xuôi từ việc bán 4 cơ sở nhà đất này cho Công ty Việt Hân Sài Gòn với giá 570 tỷ đồng; đại diện pháp luật Công ty Việt Hân Sài Gòn cũng dùng chính số tiền góp vốn điều lệ trong Công ty để mua 4 cơ sở nhà đất này.
Nhưng gần 1 tháng sau đó, ngày 23/12/2015, Vinafood 2 mới cùng với đối tác ký Hợp đồng với nội dung: Vinafood 2 góp vốn chiếm tỷ lệ 20% bằng một phần quyền sử dụng đất và tài sản trên đất với giá vốn góp 160 tỷ đồng; Vinafood 2 chuyển nhượng cho Công ty Việt Hân Sài Gòn toàn bộ phần còn lại của 4 cơ sở nhà đất với giá 570 tỷ đồng, không bao gồm phần vốn góp 160 tỷ đồng.
10 ngày sau khi ký hợp đồng góp vốn trên, ngày 30/12/2015, Vinafood 2 ký hợp đồng bán nốt 20% vốn góp bằng tiền mặt 160 tỷ đồng của mình cho Công ty Việt Hân (tự gọi là thoái vốn). Việc thoái vốn này lại chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Tổng cộng cả bán đất lẫn thoái vốn, Vinafood “xóa sổ’ hơn 6.200 m2 đất công cùng tài sản trên đất với giá 730 tỷ đồng. Theo Thanh tra Chính phủ, tạm tính tiền sử dụng 4 cơ sở nhà đất này năm 2015, thì việc thực hiện chuyển hóa tài sản nhà nước sang tư nhân này đã gây thất thoát cho Nhà nước gần 2.000 tỷ đồng.
(Còn tiếp)