Nhưng ông Đinh Thế Cường, Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc Phòng) cho biết, nguy cơ mất an toàn thông tin cũng như khả năng xảy ra chiến tranh thông tin ở Việt Nam ngày càng hiện hữu.
| ||
Chỉ số An toàn thông tin của Việt Nam trong năm 2013 là 37,5%, thấp hơn rất nhiều so với của Hàn Quốc (62%) |
Điều này có thể thấy rõ qua các số liệu của Trung tâm Ứng cứu máy tính khẩn cấp (VNCERT) khi trong 9 tháng đầu năm 2013 đã có 1.428 trường hợp bị mã độc tấn công, khoảng 2.405 website của các cơ quan, doanh nghiệp của Việt Nam bị hacker xâm nhập.
Ông Vũ Quốc Thành, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VNISA đánh giá, vẫn còn nhiều tổ chức doanh nghiệp thờ ơ với việc đảm bảo an toàn thông tin.
Ngoài ra, khảo sát của VNISA cho thấy, khoảng 80% các website của Chính phủ Việt Nam (.gov.vn) dễ dàng bị đánh sập nếu các hacker tấn công.
Ông Thành cũng cho biết, tỷ lệ bị tấn công bởi mã độc, virus từ internet của Việt Nam luôn rất cao. Tỷ lệ này trong năm 2012 cao gấp 3 lần so với những quốc gia trung bình và đứng thứ 6 trên thế giới. Trong khi đó, các năm trước Việt Nam chưa bao giờ ra khỏi top 10 nước có nguy cơ tấn công an ninh mạng cao nhất thế giới.
Cũng tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết, thời gian qua đã phát hiện nhiều cuộc tấn công trên mạng ở các hình thức như từ chối dịch vụ, dùng mã độc từ các nước tấn công vào ngân hàng, trang web, cung cấp thông tin sai trái đến các máy chủ khác. Việc tấn công của các lực lượng bên ngoài qua Internet, bằng mã độc và Virus ảnh hưởng đến an ninh mạng của Việt Nam.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch phụ trách Nghiên cứu Phát triển của Bkav cho biết, phần lớn các tổ chức, doanh nghiệp ở Việt Nam đều bị hacker tấn công bằng các phần mềm gián điệp.
Theo ông Sơn, hacker thường sử dụng 2 phương thức tấn công phổ biến là gửi các thư điện tử (email) mạo danh để phát tán mã độc và đánh cắp tài khoản email...
Với phương thức này, đại diện Bkav cho rằng, dường như đã có chiến dịch mã độc hướng tới Việt Nam và hầu hết các tổ chức ở Việt Nam đều nhận được thư có tập tin chứa mã độc.
Để chống mã độc, theo Vũ Ngọc Sơn, phải dùng công nghệ để chống lại công nghệ, sử dụng một loạt các biện pháp tổng thể, nhiều tầng lớp bảo vệ ngăn chặn hacker…
Trên góc độ quản lý nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông quy định điều phối các hoạt động ứng cứu sự cố mạng Internet Việt Nam; đã thành lập Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) tổ chức ứng cứu khẩn cấp máy tính trong nước và tham gia ứng cứu khẩn cấp máy tính của quốc tế; tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ thông tin...
Các cấp, các ngành tham gia phòng, chống, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, tổ chức bộ phận phụ trách an toàn, an ninh mạng chuyên trách; tham gia ứng cứu thiết bị trong cơ quan; tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng phần mềm được cấp phép, có bản quyền, nâng cao trách nhiệm trong quá trình thực thi pháp luật, thực hiện tốt Nghị định 72 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Hữu Tuấn