- Bắt buộc giao dịch qua ngân hàng với mua bán, sáp nhập doanh nghiệp
- Nền tảng công nghệ M&A - giải pháp đột phá cho hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp
- Nhận diện sóng đầu tư mới trên thị trường mua bán sáp nhập - M&A
- Xu hướng mua bán sáp nhập (M&A): Cảnh báo các ngành công nghiệp trọng yếu rơi vào tay đối thủ
Khai thác cảng là một trong những lĩnh vực kinh doanh chính của Viconship. Ảnh: Đức Thanh |
Loạt thương vụ ngay đầu năm
Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông của Công ty cổ phần Container Việt Nam (Viconship) năm nay đến sớm hơn thường lệ. HĐQT Công ty đã quyết định tổ chức sự kiện này vào ngày 10/3, thay vì khoảng cuối tháng 3 như nhiều năm trước. Một trong các tờ trình được quan tâm nhất trong kỳ hợp lần này là kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ với tỷ lệ 1:1. Công ty dự kiến huy động thêm nguồn vốn mới từ các cổ đông lên tới 1.212,7 tỷ đồng.
Đây là khoản tiền lớn, nhất là khi Viconship vừa hoàn tất huy động từ cổ đông tăng gấp đôi vốn vào đầu năm 2022. Tuy nhiên, điều này không lạ khi trước đó công ty đã lên một loạt phương án M&A tham vọng đề ra ở nửa cuối năm 2022.
Theo cập nhật tại báo cáo tài chính quý IV/2022, cả hai phương án M&A từng được Viconship đề ra gồm mua 49% vốn Công ty cổ phần Vận tải biển Vinaship và chi 2.250 tỷ đồng mua lại cổ phần chi phối tại một doanh nghiệp cảng biển đều chưa hoàn tất. Tuy nhiên, động thái đáng chú ý của Vicoship trong quý này là chi 825 tỷ đồng để thực hiện đặt cọc, ký cược. Đích đến nhắm tới, theo dự đoán của giới đầu tư, là Dự án Cảng Nam Hải Đình Vũ.
Nằm ngay sát cảng Xanh VIP của Viconship, cảng Nam Hải Đình Vũ thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Cảng Nam Hải Đình Vũ - công ty con do Gemadept sở hữu 84,66% vốn và đang tìm “chủ” mới sau quyết định thoái toàn bộ vốn của Gemadept. Chưa có tuyên bố chính thức từ hai bên, nhưng một thương vụ làm thay đổi đáng kể cụm cảng Hải Phòng được kỳ vọng sẽ diễn ra tới đây, khi trong quý IV/2022, Gemadept ghi nhận dòng tiền vào hơn ngàn tỷ đồng từ nhận đặt cọc.
Không riêng ngành cảng biển, các thương vụ M&A đã “nóng” ngay từ đầu năm trên nhiều lĩnh vực. Tập đoàn Hóa chất Đức Giang đã duyệt phương án mua hơn 3,44 triệu cổ phiếu TSB, tương đương 51% vốn điều lệ Công ty cổ phần Ắc quy Tia Sáng. Với giá mua không quá 39.200 đồng/cổ phiếu, Hóa chất Đức Giang dự kiến chi ra xấp xỉ 135 tỷ đồng. Giá trị đầu tư để sở hữu chi phối Công ty Ắc quy Tia Sáng chỉ tương đương hơn 1% tổng tài sản của một trong những doanh nghiệp ngành hóa chất có quy mô lớn nhất trên sàn.
Ở ngành nước, một “ông lớn” của ngành là Công ty cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) cũng vừa thông qua chủ trương mua cổ phần của 5 công ty trong lĩnh vực nước và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Long An và Quảng Bình. Trong đó, 2/5 công ty mục tiêu thuộc sở hữu của DNP Water - công ty con của Nhựa Đồng Nai (mã DNP) và cũng là công ty ngành nước ráo riết M&A các năm gần đây.
Năm 2022, Biwase chi tổng cộng 294 tỷ đồng mua cổ phần 2 công ty gồm Công ty Cấp thoát nước Cần Thơ và Công ty Cấp nước Cần Thơ 2, nâng số lượng công ty cùng ngành nắm giữ cổ phần lên 4 đơn vị. Giá trị đầu tư tại đây hiện đạt 768 tỷ đồng, chiếm gần 8% quy mô tài sản công ty mẹ Biwase. Tỷ lệ sở hữu ở cả 4 công ty trên đều dưới mức chi phối. Chủ trương M&A ở mức chi phối được đề ra ngay đầu năm càng thể hiện quyết tâm mở rộng quy mô qua M&A của Biwase.
Lợi thế bên sẵn vốn
Giai đoạn tiền dễ đã không còn, khi các ngân hàng trung ương trên toàn cầu tập trung kiềm chế lạm phát thông qua tăng lãi suất, giảm cung tiền bơm ra nền kinh tế. Trong một báo cáo mới đây về xu hướng M&A toàn cầu, PwC nhận định, doanh nghiệp có bảng cân đối kế toán mạnh sẽ có nhiều cơ hội hơn trong bối cảnh thắt chặt tài chính. Tại Việt Nam, tỷ lệ tài trợ vốn cho mục đích M&A tại các ngân hàng thương mại đang được quy định chặt chẽ.
Thực tế, bên mua trong các thương vụ M&A đầu năm nay đều là những “ông lớn” sẵn nguồn tài chính hoặc có tỷ lệ nợ còn khá khiêm tốn. Chẳng hạn, tại Biwase, lượng tiền mặt và các khoản tiền gửi riêng ở công ty mẹ cuối năm 2022 vẫn xấp xỉ 1.110 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ của Biwase ở mức khá (55%), nhưng lợi nhuận tăng nhanh các năm qua giúp nâng cao năng lực tài chính của doanh nghiệp này. Đến cuối năm 2022, Công ty có quy mô vốn 1.929,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối gần 816 tỷ đồng, tương đương 42% vốn điều lệ.
Hóa chất Đức Giang cũng có năm 2022 kinh doanh thắng lợi lớn với mức lợi nhuận đạt được cao kỷ lục hơn 6.040 tỷ đồng, gấp 2,4 lần năm 2021. Khoản lợi nhuận tích lũy đến cuối năm 2022 đã tăng lên 5.084 tỷ đồng, gấp 1,34 lần quy mô vốn điều lệ. Cũng nhờ thu lãi lớn năm trước, Tập đoàn trả bớt nợ vay, giảm tỷ lệ nợ xuống còn chưa đến 19%. Lượng tiền mặt và tiền gửi kỳ hạn dưới 1 năm của Tập đoàn vượt 9.000 tỷ đồng, chiếm 68% tổng tài sản.
Hóa chất Đức Giang đã vạch ra nhiều kế hoạch đầu tư đòi hỏi huy động lượng vốn lớn. Tuy nhiên, bên cạnh tự đầu tư, M&A vẫn là phương thức được Tập đoàn sử dụng nhiều năm nay để tăng quy mô. Quyết định mua lại một doanh nghiệp ắc quy còn mở thêm một lĩnh vực hoạt động mới cho doanh nghiệp ngành hóa chất này.
Còn đối với Viconship, nguồn vốn tăng thêm trong quý IV/2022 giúp Công ty sớm giải ngân một khoản tiền lớn để đặt cọc, ký cược đến từ vốn vay. Công ty đã vay dài hạn 700 tỷ đồng ở quý trước. So với thời điểm cuối quý III, nợ phải trả của Công ty tăng thêm 858 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu giảm nhẹ.
Trước đó, 9 tháng đầu năm, Viconship đã thu hẹp đáng kể nợ vay, trong khi có thêm nguồn vốn từ đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông tỷ lệ 1:1 hoàn tất hồi đầu năm. Trong trường hợp các cổ đông tiếp tục góp thêm vốn khi Công ty trình kế hoạch tăng gấp đôi vốn điều lệ, Viconship sẽ có thêm nguồn tiền cho các hoạt động đầu tư của mình. Ở thời điểm hiện tại, dù vay nợ tăng thêm đáng kể trong 3 tháng cuối năm trước, tỷ lệ nợ vay của doanh nghiệp này vẫn chỉ ở mức 27%.
Năm 2022, hoạt động M&A ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có phần chững lại. Theo ông Ong Tiong Hooi, lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn giao dịch, PwC Việt Nam, hoạt động này năm 2023 tiếp tục phải đối mặt với nhiều áp lực như lạm phát và suy thoái kinh tế. Thị trường M&A Việt Nam cũng không là ngoại lệ, nhưng châu Á - Thái Bình Dương vẫn là “điểm tốt nhất” cho tăng trưởng toàn cầu.