Việc USD yếu đi và Fed ngừng tăng lãi suất sẽ đẩy mãi lực vàng tăng cao. |
Cầu vàng tăng
Theo thống kê của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), lượng vàng được mua vào bởi các ngân hàng trung ương, dẫn đầu là Nga và Trung Quốc, trong quý I/2019 cao nhất trong 6 năm qua, trong bối cảnh các nước muốn đa dạng hóa tài sản nắm giữ.
Dự trữ vàng toàn cầu tăng 145,5 tấn trong quý I/2019, tăng 68% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Nga vẫn là nước mua lớn nhất trong bối cảnh nước này giảm lượng trái phiếu chính phủ Mỹ đang nắm giữ. Đây là một phần của nỗ lực phi đô-la hóa của Nga.
Giá vàng tiếp tục đi theo xu hướng giảm khi Fed tuyên bố giữ nguyên lãi suất sau cuộc họp vừa kết thúc. Diễn biến tiêu cực của giá vàng phần nhiều do Fed vừa đưa ra thông báo chính sách tiền tệ và cho rằng, lãi suất có thể sẽ được giữ nguyên trong một thời gian dài, trái với kỳ vọng giảm lãi suất của một số thành phần tham gia thị trường.
Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell cho biết, các nhà hoạch định chính sách của Fed “không thấy có lý do gì để tăng hoặc giảm lãi suất”. Việc này cho thấy, họ tin rằng, lạm phát thấp và lực cầu cá nhân thấp trong quý I/2019 chỉ là yếu tố tạm thời. Tuy nhiên, bất ổn địa chính trị tại Trung Đông lan rộng đã thúc đẩy các ngân hàng trung ương trên thế giới đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại hối của mình, trong đó tập trung đầu tư vào tài sản an toàn và có tính thanh khoản cao như vàng.
WGC cũng cho hay, trong 3 tháng đầu năm 2019, nhu cầu tiêu thụ vàng trên thị trường thế giới gia tăng, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương tiến hành mua vào kim loại quý này khi lo ngại về tình hình bất ổn địa chính trị ở Trung Đông. Trong quý đầu năm nay, nhu cầu mua vàng tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 1.053,3 tấn. Đáng chú ý, lượng mua vàng của các ngân hàng trung ương đạt 145,5 tấn, tăng tới 68%, mức cao nhất trong quý I kể từ năm 2013.
Trong khi giá vàng được sự hỗ trợ từ việc Fed không tăng lãi suất, thì USD lại có dấu hiệu xuống giá. Những giờ đầu phiên giao dịch châu Âu ngày 6/5, USD diễn biến khá phức tạp, khi giảm so với các đồng tiền an toàn và tăng so với các đồng tiền gắn liền với khẩu vị rủi ro khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa sẽ tăng thuế với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Đồng bạc xanh trên thị trường tự do tiếp tục giảm thêm 20 - 35 VND/USD trong 2 ngày qua, thấp hơn giá USD của các ngân hàng 40 VND/USD. Tại một số ngân hàng, Vietcombank bán USD với giá 23.300 VND, giảm 10 VND/USD trong ngày 4/5; mua vào với giá 23.200 VND/USD. Eximbank bán USD với giá 23.290 VND, mua vào ở mức 23.190 VND/USD.
Các ngân hàng thương mại cũng mua bán USD trên thị trường liên ngân hàng quanh mức giá 23.250 VND/USD. Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua USD với giá 23.200 VND, thấp hơn giá giao dịch giữa các ngân hàng, nên khó có thể mua được USD từ các ngân hàng ở mức giá này để tăng dự trữ ngoại hối.
Hầm trú ẩn
Việc USD yếu đi và Fed ngừng tăng lãi suất sẽ đẩy mãi lực vàng tăng cao. WGC cho biết, đa dạng hóa kho dự trữ ngoại hối vẫn là động lực chính để các ngân hàng trung ương mua vàng trong bối cảnh bất ổn địa chính trị.
Động thái trên phù hợp với kết quả của cuộc khảo sát gần đây do WGC thực hiện. Theo đó, 76% ngân hàng trung ương coi vàng như là một tài sản trú ẩn an toàn cao; 59% cho rằng, hiệu suất của vàng là đa dạng hóa danh mục đầu tư, gần 20% số ngân hàng trung ương được hỏi có ý định tăng mua vàng trong 12 tháng tới.
Giới phân tích vàng cho rằng, nhu cầu của ngân hàng trung ương vẫn là một hỗ trợ thiết yếu đối với thị trường vàng và nhu cầu này không thể sớm bị loại bỏ. Đó là một điểm tựa vững chắc cho kim loại quý này trong bối cảnh các nhà đầu tư cá nhân đang có xu hướng quay lưng lại với vàng để tập trung vào giá cổ phiếu đang tăng kỷ lục. Giá vàng đã giảm 1% kể từ đầu năm.
Tại thị trường vàng trong nước, ngày 6/5, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) ở TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ giao dịch ở mức giá 36,2 triệu đồng/lượng (mua vào) – 36,38 triệu đồng/lượng (bán ra). Theo đó, giá bán ra tăng 30.000 đồng/lượng so với phiên giao dịch cuối tuần qua. Còn tại khu vực thị trường Hà Nội, giá vàng miếng SJC được niêm yết ở mức 36,25 triệu đồng/lượng (mua vào) - 36,35 triệu đồng/lượng (bán ra), với giá bán ra tăng 60.000 đồng/lượng.
Nguyên nhân giá vàng trong nước tăng mạnh là do ảnh hưởng bởi đà tăng của giá vàng thế giới. Trong ngày 6/5, chênh lệch giữa giá vàng thế giới và giá vàng trong nước ở mức 310.000 đồng/lượng, tính theo tỷ giá quy đổi tại Ngân hàng Vietcombank sáng 6/5 ở mức 23.300 VND/USD.
TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính - tiền tệ nhận định, giá vàng có khả năng tăng hơn, nhưng mức độ không nhiều và khó có đột biến như giai đoạn 2005 - 2007 (tăng 20 - 30%), hoặc năm 2009 - 2010 (tăng gần 30%).
Các chuyên gia dự báo giá vàng năm nay tăng 5 - 10% so với mức giá hiện tại. Ngân hàng Standard Chartered đánh giá lạc quan về giá vàng năm 2019 và 2020, nhờ chính sách lãi suất ôn hòa của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và nhu cầu tiêu thụ lớn.