Doanh nghiệp
Mai Thanh Thái, đồng sáng lập FoodMap: Đưa đặc sản lên “bản đồ thực phẩm”
Hồng Phúc - 29/07/2020 10:42
Mai Thanh Thái cùng đội ngũ FoodMap đang nỗ lực xây dựng một “bản đồ thực phẩm” với những thông tin minh bạch và trở thành cánh tay nối dài của người nông dân.

 Đồng thời giúp người nông dân thu được nhiều giá trị thông qua kết nối tiêu thụ nông sản.

Mai Thanh Thái, đồng sáng lập FoodMap

“Vị ngọt” từ đường thốt nốt

Để thu về 181 lít nước thốt nốt và sản xuất ra 30 kg đường, một người nông dân cần 56 giờ lao động, trèo lên 150 cây thốt nốt trong 3 ngày. Đây là số liệu mà đội ngũ FoodMap thống kê được khi đến Tịnh Biên (An Giang) để tìm hiểu quy trình sản xuất đường thốt nốt và bắt tay hợp tác với người nông dân.

Tại Tịnh Biên, đội ngũ FoodMap tìm đến gia đình ông Tuấn - một người An Giang chính gốc và là một trong số ít hộ vẫn giữ được quy trình làm đường thủ công từ những giọt nước thốt nốt hứng từ trên cây cao vút. Thái cho biết, ông Tuấn cùng những hộ dân này luôn mong muốn giữ nghề và không chạy theo lợi nhuận.

Sản phẩm đường chưa tách mật có dạng lỏng này được FoodMap đưa vào nhóm đặc sản, trở thành một trong 3 thương hiệu của FoodMap, cùng với Happy Nut và Maloca. Đường thốt nốt cũng là một trong 2 sản phẩm bán chạy nhất của FoodMap, với sản lượng 3 - 4 tấn/tháng.

“3 tháng trước, chú Tuấn mời chúng tôi xuống ăn tân gia. Năm ngoái, khi chúng tôi đặt vấn đề hợp tác, chú vẫn ở trong căn nhà cũ. Từ khi hợp tác với FoodMap tới nay, chú đã xây được nhà 2 lầu, có tiền lo cho con ăn học”, Thái tự hào chia sẻ. 

Cũng trong một năm qua, đội ngũ FoodMap đã đi khắp 20 tỉnh, thành phố để tìm hiểu về các sản phẩm đặc sản của từng địa phương và đưa những sản phẩm đó tới người tiêu dùng tại các thành phố lớn.

Có thể nói, đường thốt nốt chính là sản phẩm có ý nghĩa rất quan trọng đối với FoodMap. Đến bây giờ, Thái vẫn tin rằng, nếu FoodMap chọn sai sản phẩm ngay giai đoạn mới hình thành, thì có thể, sẽ không có được bước phát triển như hiện tại. Từ đường thốt nốt, Thái cùng đội ngũ FoodMap có nguồn vốn lưu động để tiếp tục phát triển các sản phẩm khác và đến nay đã đạt tới con số 2.000 sản phẩm, một nửa trong số đó là đặc sản từ các địa phương.

Tăng giá trị nhờ thông tin minh bạch

Để trở thành sợi dây gắn kết hộ nông dân, chủ trang trại, chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp sản xuất với người tiêu dùng tại khu vực thành thị, đội ngũ FoodMap phải đối mặt với bài toán khá nan giải. Đó là giá thành sản phẩm bị đẩy lên quá cao vì phải trải qua nhiều khâu trung gian trước khi đến tay người tiêu dùng, trong khi các hộ nông dân - những người tạo ra sản phẩm lại không hưởng được nhiều giá trị trong chuỗi này.

Ngoài việc cắt giảm tối đa các khâu trung gian bằng cách đảm nhận toàn bộ quy trình, từ thu mua hàng hóa của nông dân/nhà cung cấp, tới khâu đóng gói, lưu kho, vận chuyển, phân phối… FoodMap còn chú trọng đầu tư xây dựng thương hiệu, minh bạch thông tin về nguồn gốc thực phẩm trên website, bao gồm cả bài viết, hình ảnh, video…

Đồng sáng lập FoodMap cho biết, mỗi sản phẩm đặc sản của các địa phương đều gắn với quá trình hình thành, phát triển được kết tinh hàng chục năm. Điều đó đòi hỏi đội ngũ thuộc thế hệ 9x của FoodMap phải tìm cách truyền tải thông tin rõ ràng để khách hàng hiểu hơn về sản phẩm. Khi khách hàng hiểu, tin tưởng và lựa chọn, số lượng và giá trị đơn hàng sẽ tăng 3 - 4 lần so với thời điểm ban đầu.

Trong những chuyến đi về các địa phương để tìm kiếm các đặc sản và kết nối tiêu thụ, Thái đã hiểu thêm về cuộc sống của người dân nông thôn. Anh từng chứng kiến nhiều gia đình phải dốc hết tiền của, công sức và vay mượn để làm ra sản phẩm, rồi lại lao đao vì công nợ cho các khoản phân bón, giống... Đó là chưa kể rủi ro vì dịch bệnh, được mùa, mất giá...

“FoodMap muốn tạo đầu ra ổn định cho người nông dân, trở thành cánh tay nối dài đưa sản phẩm tốt của họ đến với người tiêu dùng, giúp họ nâng cao thu nhập”, Thái chia sẻ.

Không dừng lại ở đó, đội ngũ FoodMap đặt niềm tin lớn vào nông nghiệp và quyết tâm “đánh đổi tất cả mọi thứ mình đang có để đi theo con đường này”. Cơ sở cho định hướng trên xuất phát từ kỳ vọng tăng giá trị xuất khẩu nông sản Việt Nam lên 200 tỷ USD/năm trong 10 năm tới cùng định hướng thu hút đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao. Thêm vào đó, nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm trở thành thông tin bắt buộc trên thị trường quốc tế và là lợi thế cạnh tranh của sản phẩm ở thị trường nội địa.

Đến nay, đội ngũ FoodMap đã kết nối với gần 100 nông hộ/nhà sản xuất. Các sản phẩm đang được FoodMap phân phối sỉ tại thị trường TP.HCM, qua website và kênh thương mại điện tử.

Thái vừa kết thúc chuyến làm việc với một số hộ nông dân cung cấp thuỷ hải sản tại Kiên Giang. Dự tính, số hộ liên kết với FoodMap có thể tăng thêm 60 doanh nghiệp nhờ việc ký kết hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) nhằm đưa hàng loạt sản phẩm đang có lên FoodMap. Theo kế hoạch, trong tháng 8 tới, FoodMap sẽ ra mắt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ tại Hà Nội.

Tăng gấp đôi lượng khách nhờ kênh thương mại điện tử

Doanh thu của Công ty đến từ những nguồn nào?
Từ sàn FoodMap, các sàn thương mại điện tử khác và các cửa hàng, nhà hàng,...Trong đó, 30% tổng doanh số đến từ bán lẻ..

Hiệu quả lớn nhất đối với FoodMap từ kênh thương mại điện tử?
Nhờ việc trở thành một trong những đối tác quan trọng đầu tiên của Tiki và Lazada trong mảng thực phẩm an toàn, mà trong giai đoạn phòng chống Covid-19 những tháng đầu năm, lượng khách của FoodMap tăng gấp đôi.

FoodMap thu được những kinh nghiệm gì khi bán hàng qua kênh này?
Trước đây, chúng tôi giao hàng trong vòng 3 - 4 ngày, kể từ khi nhận đơn của khách, nhưng khi bán hàng qua sàn thương mại điện tử, như Tiki chẳng hạn, thì phải giao hàng trong 2 - 3 giờ. Qua đó, chúng tôi có thêm nhiều kinh nghiệm về điều phối hàng hóa.

Tin liên quan
Tin khác