Du lịch
Mạng xã hội tác động mạnh đến xu hướng du lịch của giới trẻ
Phương Linh - 06/02/2024 09:10
Các trang mạng xã hội là nguồn cảm hứng quan trọng, tác động tới xu hướng du lịch của thế hệ gen Z (sinh năm 1997 - 2012) và thế hệ Millennials (sinh năm 1981 - 1996).
Giới trẻ tìm kiếm địa điểm du lịch thông qua các fanpage trên mạng xã hội

Thời đại mới, xu hướng mới

Công nghệ 4.0 mở ra nhiều cánh cửa để kết nối con người và thế giới. Với ngành du lịch, đây được xem là mảnh đất màu mỡ, giàu tiềm năng. Không giống các thế hệ trước, từ cảm hứng du lịch cho đến đặt vé, chọn địa điểm xê dịch của giới trẻ giờ đây gần như phụ thuộc vào các nhóm, kênh, trang thông tin, giới thiệu, chia sẻ về du lịch trên nền tảng Facebook, TikTok, Twitter, Instagram, YouTube… 

Theo thống kê, hơn 90% khách du lịch tích cực đăng và chia sẻ chuyến phiêu lưu của họ lên mạng xã hội, đa phần để lưu lại những kỷ niệm đáng nhớ. Những thông tin đăng tải về hành trình, trải nghiệm của họ lên mạng xã hội đã trở thành nguồn tham khảo cho những du khách khác.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc điều hành Klook Việt Nam nhận xét, thông tin chia sẻ du lịch trên mạng xã hội không chỉ là khoảnh khắc, kỷ niệm với gia đình, bạn bè, người thân của họ, mà còn được xem là sự đánh giá khách quan, tin cậy về các điểm du lịch.

“Hơn 90% khách du lịch châu Á - Thái Bình Dương và 91% khách du lịch Việt Nam đặt dịch vụ du lịch dựa trên các đề xuất và đánh giá từ người sáng tạo nội dung, trong đó định dạng phổ biến nhất với người Việt là video (63%) vì có sức hút trực quan mạnh mẽ”, ông Hoàng nói.

Thế hệ trẻ đang trở thành bộ phận khách hàng tiềm năng trong tương lai. Với đối tượng này, mạng xã hội và văn hóa đại chúng là những kênh truyền thông phù hợp nhất. Đôi khi chỉ cần một video hình ảnh đẹp và truyền cảm hứng cũng đủ để các bạn trẻ quyết định “xách ba lô lên và đi”. Vậy nên, công nghệ số và sáng tạo nghệ thuật đóng vai trò rất quan trọng trong việc thay đổi diện mạo ngành du lịch Việt Nam trong mắt những khách hàng trẻ trong và ngoài nước.

- Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam 

Tới Phú Quốc du lịch hồi tháng 7/2023, du khách Maja Moran (sinh năm 1997) đến từ Nhật Bản chia sẻ, thông qua các video trên TikTok và YouTube, hình ảnh các địa điểm du lịch sống động hơn. Bên cạnh đó, những trải nghiệm du lịch đến từ bạn bè, người thân thông qua các trang mạng xã hội cũng giúp Maja Moran lựa chọn Việt Nam là điểm đến cho mình và gia đình.

“Tôi đã đọc một bài viết về Việt Nam trên chuyến bay của Hãng hàng không quốc gia Nhật Bản và bị cuốn hút bởi văn hóa của đất nước các bạn. Tôi quyết định đến Việt Nam để du lịch và tìm niềm vui ở đây. Nếu có cơ hội, tôi muốn gắn bó lâu dài và tận hưởng cuộc sống mỗi ngày tại Việt Nam”, Maja Moran hào hứng nói.

Tác động từ văn hóa đại chúng

Bên cạnh mạng xã hội, văn hóa đại chúng cũng là nguồn cảm hứng lớn cho thế hệ trẻ. Trong đó, các chương trình truyền hình, phim ảnh hoặc tin tức đều góp phần tạo nên sự thích thú đi du lịch đối với thế hệ gen Z và thế hệ Millennials.

Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho rằng, sản phẩm nghệ thuật truyền thống là nét đặc trưng của mỗi quốc gia, là tài nguyên du lịch quý giá. Với sự phát triển của công nghệ, nhất là sự có mặt của các nền tảng giải trí qua video ngắn trên mạng xã hội, việc quảng bá du lịch qua văn hóa trở nên dễ dàng hơn.

“Đặc biệt, với giai điệu âm nhạc truyền thống, các bạn trẻ có những cách tìm hiểu và biểu đạt mới hơn, rộng hơn. Khi những người trẻ quảng bá quê hương trong các tác phẩm của mình, họ gửi gắm trong đó tình yêu đất nước và đem đến một góc nhìn chân thực, mộc mạc, gần gũi về thiên nhiên, con người Việt Nam. Điều này có sức truyền tải rất lớn, người xem sẽ dễ dàng đồng cảm hơn với những câu chuyện được kể từ góc độ cá nhân hơn là hình ảnh quảng cáo chau chuốt và các thông điệp mang tính đao to búa lớn”, ông Phúc nhận định.

Do đó, sức sáng tạo của người trẻ thông qua các video ngắn trên mạng xã hội với những nội dung gắn liền với văn hóa truyền thống sẽ là công cụ đắc lực trong việc lan tỏa cảnh đẹp, văn hóa của dân tộc, địa phương đến với bạn bè trong nước và quốc tế, trong bối cảnh quảng bá du lịch trực tuyến trở thành xu hướng tất yếu hiện nay.

Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong ngành du lịch, thời gian qua, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã xây dựng các nền tảng số hỗ trợ hoạt động du lịch như ứng dụng “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel”; nền tảng “Quản trị và kinh doanh du lịch”; hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam; hệ thống thẻ - vé điện tử; kênh truyền thông trên các nền tảng số; truyền thông trên nền tảng mạng xã hội lớn như Facebook, Instagram, YouTube, Twitter, TikTok...

Trước đó, năm 2019, Tổng cục Du lịch (nay là Cục Du lịch quốc gia Việt Nam) và TikTok đã hợp tác khởi động chương trình quảng bá du lịch Việt Nam bằng công cụ video với chương trình #HelloVietnam. Mặc dù bị ảnh hưởng của Covid-19, nhưng qua hơn 2 năm, các bên đã thực hiện được nhiều chiến dịch truyền thông cho các địa phương như #HelloDanang, #HelloNinhbinh, #HelloQuangnam… được rất nhiều bạn trẻ hưởng ứng.

Hiện tại, Việt Nam có trên 12 triệu người dùng hoạt động hàng tháng trên TikTok. Với ưu thế của TikTok cùng với việc tận dụng sự hiểu biết của thế hệ trẻ về công nghệ và sáng tạo sẽ là điều kiện thuận lợi để bổ sung một công cụ, giải pháp trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, lan tỏa hình ảnh Việt Nam. Đây cũng là điều kiện lý tưởng để giới thiệu điểm đến, góp phần thu hút du khách quốc tế ngày càng nhiều hơn, đem lại hiệu quả tích cực cho ngành kinh tế xanh.

Tin liên quan
Tin khác