Đà tích cực được duy trì, nhưng đã manh nha yếu tố rủi ro
Một quan điểm thống nhất từ không chỉ các thành viên Chính phủ, mà cả các chuyên gia kinh tế, đó là nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tiếp tục đà tích cực trong 5 tháng đầu năm 2018. Có rất nhiều con số - được đưa ra trong báo cáo mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2018 - có thể chứng minh điều này.
Dễ thấy nhất là mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 5 tháng đầu năm, Chỉ số Sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tăng 9,7% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 6,6% của cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao nhất, đạt 11,8%, cao hơn so với mức tăng 9,4% của cùng kỳ.
5 tháng đầu năm, Chỉ số Sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 9,7% so với cùng kỳ. Trong ảnh: Dây chuyền tạo mẫu khuôn đồ chơi của Nhà máy GTFV |
Các minh chứng khác, đó là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 5 tháng đầu năm tiếp tục đạt khá, tăng 10,1% so với cùng kỳ; nếu loại trừ yếu tố giá còn tăng 8,3%, vẫn cao hơn mức tăng 7,5% của cùng kỳ. Trong khi đó, xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, ước đạt 93,1 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ; xuất siêu vẫn ở mức cao, ước đạt 3,4 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 6,75 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 96.100 tỷ đồng, tăng 8,8%...
Phát biểu tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã khẳng định nhiều điểm tiến triển tích cực, đáng mừng của nền kinh tế. Tuy vậy, người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh những yếu tố rủi ro, những thách thức đã bắt đầu manh nha.
Một trong số đó chính là áp lực về lạm phát, khi mà báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, CPI bình quân 5 tháng ước đã tăng 3,01% so với bình quân cùng kỳ, còn CPI tháng 5 tăng tới 0,55% so với tháng trước đó, cao nhất trong các tháng 5 của 6 năm trở lại đây.
“Với xu thế CPI tăng dần sau các tháng kể từ đầu năm, dư địa để điều hành giá cả trong các tháng cuối năm khá hạn chế, cần đảm bảo mức tăng CPI ở mức hợp lý, đảm bảo mục tiêu dưới 4% cả năm”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cảnh báo.
Một yếu tố khác, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đó là sản xuất công nghiệp đang tăng trưởng chậm lại, nhập siêu đang quay trở lại trong tháng 5/2018, xu hướng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng…
Không thể lơ là trong điều hành
Không thể lơ là trong điều hành là điều luôn được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, ngay cả sau khi nền kinh tế đã đạt được nhiều kỳ tích trong năm 2017. Song điều này một lần nữa được khẳng định một cách rốt ráo, quyết liệt hơn, khi mà các thách thức phía trước của nền kinh tế đang ngày một lớn dần.
Vấn đề không chỉ nằm ở nguy cơ về lạm phát, những rủi ro về tài chính, mà như Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, là “cần được theo dõi chặt chẽ và có những đối sách phù hợp”, do giá dầu đang có xu hướng tăng cao, nguy cơ về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, xu hướng bảo hộ mậu dịch..., điều quan trọng là nếu sản xuất tiếp tục tăng chậm lại, sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.
Liên quan đến vấn đề này, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội trên nghị trường Quốc hội, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đã thẳng thắn rằng, nhân tố tạo nên bứt phá tăng trưởng năm 2017 không được duy trì một cách bền vững, do đó chỉ tạo đà cho quý I/2018 đạt ở mức cao 7,38%, còn các quý sau dự báo sẽ giảm dần.
Trên thực tế, điều này cũng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lường trước và dự báo, ngay sau khi số liệu tăng trưởng GDP quý I/2018 được công bố. Khi đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh rằng, kinh tế Việt Nam năm nay sẽ không diễn biến theo mô hình “quý sau cao hơn quý trước”.
Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội mới đây tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng một lần nữa chỉ rõ điều này và cho rằng, tăng trưởng GDP các quý sau sẽ có xu hướng giảm dần. “Quý I tăng cao một phần do được so sánh với mức thấp của quý I năm 2017, trong đó các quý còn lại của 2018 chưa định hình yếu tố bứt phá rõ ràng như năm 2017 và lại phải so sánh với mức tăng khá cao của các quý cuối năm 2017”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói. Theo Bộ trưởng, điều này dễ dẫn tới tâm lý sớm hài lòng thỏa mãn và đang làm mất đi động lực và niềm tin, thiếu kiên trì quyết liệt trong triển khai nhiệm vụ giải pháp đề ra.
Nói thêm về vấn đề này, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Bộ cũng đã cảnh báo, kết quả tích cực của năm 2017 và quý I/2018 có thể sẽ tạo ra tâm lý chủ quan, tâm lý xả hơi, chùng xuống trong các hoạt động kinh tế.
Cũng theo ông Phương, việc các quý cuối năm tăng trưởng GDP chùng xuống là do các yếu tố khách quan, chẳng hạn chuyện so sánh với mức tăng trưởng cao của cùng kỳ, hay sản xuất của Formosa và Samsung sẽ khó tăng trưởng đột biến…, chứ không thể nói là “năng lực kinh tế yếu đi nên phần tăng trưởng năm nay không bằng năm ngoái”.
“Để khắc phục điều này, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành kiên định thực hiện nhiệm vụ giải pháp đề ra tại Nghị quyết 01. Đồng thời, yêu cầu các ngành, các cấp tăng cường giải pháp bổ sung, đáp ứng diễn biến tình hình thực tế và chủ động, quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018 ở mức cao là 6,7%”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Điều này một lần nữa đã được Thủ tướng Chính phủ khẳng định tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2018. Rằng không thể lơ là trong điều hành, mà phải quyết tâm đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.