CIC cảnh báo người dân cẩn thận khi cung cấp thông tin cá nhân |
Giả mạo cán bộ CIC mời dịch vụ vay vốn ưu đãi, xóa nợ xấu
Trung tâm thông tin tín dụng (NHNN) cho hay, thời gian gần đây có nhiều phản ánh từ khách hàng về việc bị một số đối tượng sử dụng hình ảnh của CIC để tư vấn cấp tín dụng, cung cấp báo cáo thông tin tín dụng (TTTD) giả mạo có thu phí qua đường bưu điện hoặc được chào mời sử dụng các dịch vụ sửa, xóa thông tin nợ xấu trên một số trang mạng xã hội.
Mặc dù CIC đã có nhiều cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên trang web, ứng dụng điện thoại thông minh… về hoạt động lừa đảo này, nhưng tình trạng trên vẫn xuất hiện. Đặc biệt thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều biến tướng lợi dụng danh nghĩa của CIC để thực hiện lừa đảo một cách tinh vi.
Trong đó, thường xảy ra một số tình huống như đối tượng lừa mạo danh cán bộ CIC (dùng điện thoại, hoặc gửi email, tin nhắn zalo…) thông báo khách hàng được vay vốn với lãi suất ưu đãi, yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân (chứng minh thư, sổ hộ khẩu) để được hỗ trợ cho vay, sau đó yêu cầu khách hàng trả phí để được vay vốn; đối tượng mạo danh CIC, thông báo khách hàng nhận được phần quà là 1 thẻ chi tiêu và một lọ nước hoa, yêu cầu khách hàng thanh toán tiền thuế để nhận được quà.
Không chỉ mạo danh cán bộ, một số đối tượng mạo danh CIC, gửi thư qua đường bưu điện cho khách hàng để cung cấp báo cáo tín dụng cá nhân và yêu cầu khách hàng thanh toán phí. Đơn cử như trường hợp, một vài khách hàng cá nhân phản ánh tình trạng được cung cấp “Phiếu chấm điểm tín dụng thể nhân, Phiếu đăng ký tín dụng…” qua đường bưu điện với mức phí 350.000 đồng.
Thông tin khách hàng nhận được là mẫu tờ rơi của CIC giới thiệu về sản phẩm chấm điểm tín dụng đang được CIC cung cấp miễn phí đến các khách hàng cá nhân & doanh nghiệp và kèm theo lời mời chào vay tại ngân hàng với hạn mức 10.000.000-30.000.000 đồng. Đặc biệt, để tạo sự tin tưởng cho khách hàng các đối tượng lừa đảo còn sử dụng tên, website công ty, địa chỉ email gần giống với CIC để thực hiện hành vi lừa đảo như: CYC, Trung tâm hỗ trợ CIC, Ngân hàng CIC, ứng dụng CIC Credit Conect (thiếu chữ “n” trong từ Connect trong ứng dụng của CIC)...
Có thể thấy, các đối tượng xấu sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi trong việc lợi dụng mạng xã hội, công nghệ, sử dụng danh nghĩa CIC một cách bất hợp pháp để lợi dụng lòng tin và lừa đảo người dân. Tuy nhiên, tất cả các hành vi sử dụng uy tín, logo hay các hình ảnh được đăng tải trên website của CIC để quảng cáo phục vụ mục đích lừa đảo đều được coi là vi phạm pháp luật.
Mặt khác, người dân cần tìm hiểu thông tin chính thống từ các cơ quan quản lý nhà nước hay hệ thống ngân hàng để tiếp cận nguồn vốn, cải thiện lịch sử quan hệ tín dụng thay vì tin vào các lời mời chào “nhanh gọn”, “hiệu quả”, “tối ưu”, chi phí rẻ... Vì tin vào những lời mời chào ấy, không chỉ người dân bị thiệt hại về kinh tế khi phải trả tiền cho các đối tượng lừa đảo nhưng không thể thay đổi được lịch sử TTTD hay cải thiện được khả năng tiếp cận tín dụng của chính mình, mà CIC cũng bị ảnh hưởng khi bị kẻ xấu lợi dụng hình ảnh, thương hiệu để gây hại cho xã hội và trục lợi bất hợp pháp.
Cẩn trọng khi cung cấp thông tin cá nhân
Theo CIC, hiện cơ quan này đang cung cấp báo cáo tín dụng thể nhân hoàn toàn miễn phí qua web và ứng dụng CIC Credit Conect trên điện thoại thông minh. Vì vậy, CIC cảnh báo khách hàng không mua các báo cáo tín dụng từ các tổ chức khác, các nguồn tin không chính thống dưới danh nghĩa CIC.
Cơ quan này cũng khuyến nghị khách hàng không truy cập vào đường dẫn mạo danh CIC; không nộp tiền cho bất cứ đơn vị nào mạo danh CIC để cung cấp báo cáo tín dụng, đề nghị các khoản vay. Mọi hành vi mạo danh CIC để thu tiền khách hàng vay là vi phạm pháp luật; khách hàng cần cẩn trọng khi chia sẻ các thông tin định danh cá nhân như chứng minh nhân dân, căn cước công dân cho các bên cung cấp dịch vụ, chỉ chia sẻ thông tin với các nhà cung cấp dịch vụ thực sự uy tín và đáng tin cậy.
- Không truy cập vào đường dẫn mạo danh CIC.
- Không nộp tiền phí cho bất cứ đơn vị nào mạo danh CIC để cung cấp báo cáo tín dụng, đề nghị các khoản vay. Mọi hành vi mạo danh CIC để thu tiền khách hàng vay là vi phạm pháp luật.
- Khách hàng cẩn trọng khi chia sẻ các thông tin định danh cá nhân như CMND, CCCD cho các bên cung cấp dịch vụ, chỉ chia sẻ thông tin với các nhà cung cấp dịch vụ thực sự uy tín và đáng tin cậy.
- Khách hàng phát hiện bị lừa đảo hoặc nghi ngờ bị các đối tượng giả danh CIC lừa đảo hãy liên hệ tới CIC để xác thực và thông báo kịp thời các cơ quan chức năng theo quy định.
Trong trường hợp phát hiện bị lừa đảo hoặc nghi ngờ bị các đối tượng giả danh CIC lừa đảo, để đảm bảo an toàn, khách hàng cần thông báo cho CIC theo số tổng đài và thông báo kịp thời các cơ quan chức năng theo quy định. Để đảm bảo quyền lợi và tránh những thiệt hại đáng tiếc, CIC khuyến cáo các tổ chức, cá nhân chỉ khai thác các sản phẩm, dịch vụ thông tin tín dụng qua trang web https://cic.org.vn hoặc liên hệ với CIC để được hỗ trợ, tư vấn.
Hiện, CIC là một trong những đơn vị thuộc sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Theo nhận định của các chuyên gia tài chính, trong thời gian qua, CIC cũng đã khẳng định vai trò quan trọng giúp minh bạch hóa thông tin tín dụng của khách hàng, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động tín dụng của các ngân hàng, cũng như tăng hiệu quả cho vay.
Không chỉ về phía ngân hàng, việc đăng ký tín dụng tại CIC tự nguyện cũng giúp khách hàng vay biết được mức độ tín nhiệm và tình trạng tín dụng của bản thân để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, giảm thiểu thủ tục, hồ sơ, thời gian trong quá trình vay vốn…
Kho dữ liệu thông tin tín dụng của CIC hiện lưu giữ hơn 45,6 triệu thông tin khách hàng vay của hầu hết các tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân và các tổ chức tài chính vi mô. Những thông tin lưu trên hệ thống CIC sẽ có ảnh hưởng đến hoạt động phê duyệt hồ sơ vay vốn của các ngân hàng đối với khách hàng.