Doanh nghiệp
Masan hướng đến win-win trong M&A
Đ.T - 19/08/2013 13:48
Hàng tiêu dùng sẽ là một trong 3 thị trường thu hút sự quan tâm nhiều nhất trong lĩnh vực mua bán - sáp nhập (M&A) tại Việt Nam trong năm 2013.

Lý giải cho nhận định này, các chuyên gia Công ty Chứng khoán Bản Việt cho rằng, nhìn lại năm 2012, thị trường M&A Việt Nam trong lĩnh vực tiêu dùng vẫn tiếp tục nóng hơn bao giờ hết với trị giá hơn 1 tỷ USD.

Masan Group nổi lên là một trong những thương hiệu có sức hút mạnh
với nhà đầu tư ngoại

Theo báo cáo của Công ty Tài chính StoxPlus, với thị trường gần 90 triệu dân và dư địa tăng trưởng dồi dào, ngành hàng tiêu dùng tiếp tục là mục tiêu M&A hấp dẫn trong những năm tới.

M&A nền tảng cho phát triển chiến lược

Nếu xét về tổng giá trị thương vụ trên thị trường thì ngành hàng tiêu dùng được đánh giá là thu hút nhất với 25% tổng trị giá M&A tại Việt Nam trong năm 2012 với nhiều thương vụ khá đình đám như Unicharm-Diana; Marico-ICP; Carlsberg-Bia Huế…, trong đó không thể không kể đến Masan Group nổi lên là một trong những thương hiệu có sức hút mạnh với nhà đầu tư ngoại.

Đơn cử, ngay từ đầu năm 2013, trong bối cảnh dự báo kinh tế vĩ mô không khả quan, nhưng Kohlberg Kravis Roberts (KKR), một trong những công ty quản lý quỹ vốn tư nhân lớn nhất và danh tiếng nhất thế giới vẫn quyết định rót thêm 200 triệu USD đầu tư mới vào CTCP Hàng tiêu dùng Ma San (Masan Consumer), thuộc Tập đoàn Ma San (Masan Group). Khoản đầu tư này của KKR đã nâng tổng số huy động vốn trong một vài năm qua của Masan Group lên hơn 1,5 tỷ USD đã thật sự gây chấn động.

Cụ thể, kể từ sau khi niêm yết năm 2009, vốn hóa thị trường của Masan Group đã tăng hơn 4 lần. Khi so sánh lượng vốn mà Masan đã sử dụng cho các thương vụ M&A và cho việc đầu tư vào các doanh nghiệp thành viên chủ chốt như Masan Consumer và CTCP Tài nguyên Ma San (Masan Resources) thì thấy, phần lớn nguồn tiền huy động được, tập đoàn này đã đầu tư cho các doanh nghiệp thành viên hiện hữu, những nền tảng chính tạo ra sự tăng trưởng vượt bậc của Tập đoàn.

Trong vòng 4 năm qua, từ 2008 - 2011, Masan Consumer nằm trong số những doanh nghiệp hàng tiêu dùng tăng trưởng mạnh mẽ và có lợi nhuận cao nhất ở khu vực châu Á. Tốc độ tăng trưởng doanh thu của Masan Consumer trong giai đoạn này là gần 540%, từ hơn 1.920 tỷ đồng vào năm 2008 lên mức gần 10.389 tỷ đồng trong năm 2012. Lợi nhuận sau thuế tăng hơn 713%, từ hơn 400 tỷ đồng trong năm 2008 lên mức hơn 2.850 tỷ đồng trong năm 2012. Trong đó, mảng kinh doanh nước chấm và mì ăn liền đóng góp lớn vào sự tăng trưởng của Masan Consumer.

Với sự tăng trưởng ấn tượng này, Masan Consumer đã tạo ra được giá trị đáng kể cho cổ đông. Khi Mekong Capital đầu tư gần 10 triệu USD vào Masan Consumer trong năm 2009, định giá của Công ty được ước tính ở mức khoảng 300 triệu USD.

Năm 2010, KKR định giá Công ty ở mức 1,6 tỷ USD. Trong vòng chưa đầy 2 năm, KKR đầu tư tiếp vào Masan Consumer và định giá Công ty ở mức 2,3 tỷ USD. Để có được sự tăng trưởng ấn tượng trên, Masan Consumer đã đầu tư gần 2.290 tỷ đồng cho chi phí xây dựng tài sản cố định (CAPEX) trong những năm qua.

Tương tự Masan Consumer, Masan Group cũng đã đầu tư lớn cả về vốn và công sức để phát triển Dự án mỏ Núi Pháo. Sau khi mua lại Dự án từ Dragon Capital với giá trị được ước tính khoảng 250 - 300 triệu USD, Masan Group đã bơm thêm hơn 300 triệu USD trong vòng 2 năm qua để đẩy nhanh tiến độ Dự án và tạo ra giá trị cho các cổ đông. Những cam kết đầu tư với quy mô lớn như vậy cho thấy, Masan chú trọng trong việc xây dựng các doanh nghiệp trong dài hạn, thay vì đầu cơ mua bán tài sản ngắn hạn.

Như vậy, đối với các hoạt động M&A, Masan Group đã thực hiện 2 hình thức giao dịch là gia tăng sở hữu ở các doanh nghiệp hiện hữu và mua lại các doanh nghiệp mới. Chẳng hạn, khi Tập đoàn niêm yết năm 2009, Masan Group chỉ sở hữu 54,8% của Masan Consumer, nhưng hiện nay, Masan Group đã sở hữu 77,7% của Masan Consumer. Điều này thể hiện niềm tin của Masan Group vào các doanh nghiệp thành viên và đặc biệt là vào mảng tiêu dùng của Việt Nam.

Đối với các thương vụ mua lại các doanh nghiệp mới, Masan đã chi ra 151 triệu USD cho các thương vụ mua lại các công ty theo đúng định hướng phát triển mảng tiêu dùng của Masan, trong đó đáng chú ý là 2 thương vụ mua lại Vinacafe Biên Hòa và Proconco. Dù các thương vụ này được đánh giá không phải rẻ, nhưng nó giúp Masan Group hiện thực hóa được chiến lược phát triển của mình, đó là ngày càng đi sâu vào các lĩnh vực kế cận với lĩnh vực tiêu dùng. Số tiền mà Masan bỏ ra trong các thương vụ M&A trên chỉ chiếm 1 phần nhỏ trong tổng số vốn mà Tập đoàn này huy động được trong những năm vừa qua.

Masan - địa chỉ tin cậy của nhiều nhà đầu tư ngoại

Trong lịch sử tăng vốn của Masan Group, ngoài việc dùng phương thức phi tiền mặt trong các thương vụ vừa nêu, Tập đoàn này còn hút được nguồn tiền mặt thực sự từ nhiều định chế tài chính quốc tế.

Bắt đầu từ khoản đầu tư 9 triệu USD của Công ty Quản lý Quỹ Mekong Capital vào Masan Food (năm 2009), Masan Group sau đó liên tục nhận được các khoản đầu tư tăng dần trong giai đoạn 2009 - 2012 từ các định chế tài chính BankInvest (đầu tư 20 triệu USD), TPG (mua trái phiếu chuyển đổi 30 triệu USD), House Food (mua 20 triệu USD cổ phần), IFC (mua trái phiếu chuyển đổi 40 triệu USD), Goldman Sachs (mua trái phiếu chuyển đổi 30 triệu USD), KKR (đầu tư 359 triệu USD), Mount Kellett và R.F.Chandler (đầu tư qua công cụ tài chính chuyển đổi 130 triệu USD)…

Đặc biệt ở thương vụ Núi Pháo, khi Masan Group vừa “bắt” Núi Pháo từ Dragon Capital chỉ bằng các hợp đồng phát hành công cụ nợ thì lập tức tập đoàn này nhận được 100 triệu USD “tiền tươi” từ định chế tài chính Mount Kellett. Đổi lại, Mount Kellett sẽ sở hữu 20% cổ phần tại Masan Resources.

Có thể thấy, các cổ đông nước ngoài đầu tư vào Masan Group đều thuộc hàng danh tiếng thế giới và chất lượng của nhà đầu tư đều tăng dần qua từng giai đoạn tăng vốn của tập đoàn này. Với việc đầu tư cổ phần hoặc trái phiếu chuyển đổi sau 5 năm của Masan, các nhà đầu tư nước ngoài đã tạo ra một sự tin tưởng mãnh liệt rằng Masan Group sẽ sớm trở thành DN tư nhân Việt Nam hàng đầu với thế mạnh ở nền tảng ngành hàng tiêu dùng và quan trọng hơn, chữ tín trong kinh doanh được Masan duy trì và xây dựng một cách bền vững.

Theo đại diện Công ty Chứng khoán Bản Việt, nói chung hình thức M&A nào cũng hướng đến mục đích là đưa DN mục tiêu hoạt động kinh doanh phát triển nhanh hơn, tạo lợi thế cạnh tranh, tăng sức mạnh cho các sản phẩm đầu ra... tất cả các ý trên chỉ mang lại mục đích cuối cùng là lợi ích cho cả DN M&A và DN mục tiêu. Do đó, vấn đề quan trọng là, khi M&A, các bên phải giải quyết được sự đồng thuận về tư tưởng thực sự, để đưa DN tiến lên, giải quyết hài hòa về lợi ích của cổ đông và lãnh đạo DN đặc biệt trong môi trường kinh doanh ngày càng có tính cạnh tranh cao.

Cùng chia sẻ nhận định này, ông Quách Mạnh Hào, chuyên gia tư vấn, thành viên HĐQT MBS, hiện nay nhà đầu tư có xu hướng mua bán, thâu tóm nhiều hơn và họ thực hiện thâu tóm thân thiện. Nói cụ thể, phần lớn các nhà đầu tư đều quan tâm tới các tỷ lệ sở hữu quan trọng và câu hỏi thường trực là liệu họ có mua chi phối được không, hoặc tham gia Hội đồng quản trị như thế nào. Tuy nhiên, họ làm điều đó phần lớn trên cơ sở thân thiện và kỳ vọng phát triển công ty bền vững theo triết lý của họ, đây chính là tiền đề duy trì sự phát triển bền vững.

Theo Th.S Đỗ Thanh Năm, một trong những mấu chốt quyết định sự thành công hay thất bại của M&A chính là phải quan tâm đến giá trị con người, trong đó tìm sự hòa hợp về văn hóa là rất quan trọng vì đây là nền tảng hội tụ tầm nhìn, quy tụ nhân viên đây cũng được xem là một trong những nền tảng xây dựng văn hóa doanh nghiệp của Masan.

Thứ hai khi tiến hành M&A, công ty liên quan cần làm tốt công tác truyền thông, mức độ thông tin được truyền thông phải phù hợp theo từng giai đoạn để cán bộ, nhân viên hiểu rõ những gì đang xảy ra trong DN, giữ vững niềm tin, trấn an tinh thần cho CBCNV. Giai đoạn hậu M&A, những thay đổi mang tính chiến lược cần được công khai và truyền thông rõ ràng đến cán bộ nhân viên. Như thế, cán bộ, nhân viên sẽ an tâm hơn trong quá trình làm việc và giảm thiểu được tình trạng thông tin sai lệch, tránh tình trạng không phục tùng để gắn kết mọi người đến một mục tiêu chung.

Chia sẻ về chiến lược đầu tư M&A, đại diện Masan đã khẳng định, Masan vẫn không ngừng theo đuổi chiến lược đầu tư vào những lĩnh vực đóng góp chính cho sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, những lĩnh vực “xương sống” xuất phát từ lợi thế tiềm tàng của quốc gia như lĩnh vực hàng tiêu dùng, nông sản....

"Chúng tôi tin tưởng rằng, những khó khăn, thách thức hiện nay của nền kinh tế sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn và Chính phủ Việt Nam đã và đang có những quyết sách đúng đắn cải thiện hiện trạng. Thực tế các thương vụ M&A của Masan đã chứng minh với các thương vụ này không chỉ Masan mà những nhà đầu tư đồng hành cùng Masan đang có rất nhiều cơ hội tốt, điều kiện thuận lợi hơn để đầu tư vào các DN có lợi nhuận vững chắc, đây chính là tiền đề thuận lợi và tạo sức hút cho các thương vụ M&A của Masan trên thị trường", đại diện Masan khẳng định.

Tin liên quan
Tin khác