Sức khỏe doanh nghiệp
Masan MEATLife tái cơ cấu nhằm đẩy mạnh nền tảng Feed - Farm - Food
Đặng Khôi - 10/09/2021 14:15
Masan MEATLife (MML), công ty thành viên của Tập đoàn Masan hiện là một đơn vị đầu ngành, sở hữu nền tảng 3F (Feed - Farm - Food), mang đến các sản phẩm thịt tươi ngon cho người tiêu dùng.

Trong đó, các mảng kinh doanh chính là hoạt động sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản được quản lý tập trung bởi MNS Feed (hiện sở hữu 13 nhà máy thức ăn chăn nuôi khắp cả nước) và hoạt động chăn nuôi gia súc và gia cầm, chế biến và bảo quản thịt và sản phẩm từ thịt được quản lý tập trung bởi MNS Meat.

Mới đây, trong chiến lược phát triển của mình nhằm đưa từng mảng kinh doanh của mình tiếp tục gặt hái thêm được những bước phát triển vượt bậc, MML đã chia sẻ về kế hoạch tái cấu trúc của mình.

Theo đó, CTCP Việt – Pháp Sản xuất Thức ăn Gia súc (Proconco) là một phần trong chuỗi tích hợp các mảng kinh doanh gồm thức ăn chăn nuôi (Feed), hệ thống trang trại (Farm) và thịt (Food) của Masan MEATLife (MML) có kế hoạch tổ chức lại bộ phận kinh doanh thức ăn chăn nuôi.

Dây chuyền sản xuất cám Con Cò - sản phẩm của công ty Proconco

Việc tái cơ cấu này nhằm đơn giản hoá hệ thống phân phối và giúp các đơn vị kinh doanh vận hành độc lập để xây dựng các quan hệ đối tác chiến lược phù hợp với từng đơn vị. Các mảng kinh doanh sẽ có tính chủ động, độc lập hơn và vẫn là các thành tố trong chuỗi cung ứng tích hợp 3F (Feed – Farm – Food) của MML.

Việc tái cơ cấu nội bộ này không làm thay đổi các điều kiện thương mại đã ký kết với các đại lý/nhà phân phối và không ảnh hưởng đến quyền lợi của nhân viên, quyền lợi của các đối tác, cổ đông.

MML vẫn sẽ tập trung vào mục tiêu tạo ra giá trị để mang lại lợi ích cho toàn bộ chuỗi kinh doanh. Sứ mệnh của MML là mang đến các sản phẩm thịt tươi ngon, an toàn với giá cả hợp lý cho gần 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam.

Có thể thấy, việc tái cấu trúc này góp phần đưa MML phát triển theo đúng định hướng mà Masan Group đã công bố. Theo đó, Masan tìm kiếm và từng bước tiến hành hợp tác với đối tác chiến lược giàu tiềm lực và kinh nghiệm trong các lĩnh vực để phát huy tối đa thế mạnh, hiện thực hóa chiến lược Point of Life, phục vụ người tiêu dùng.

Tiềm năng ngành thức ăn chăn nuôi của MML

Sản lượng thức ăn chăn nuôi cả nước không ngừng tăng. Với sản lượng ước đạt 20,5 triệu tấn năm 2020, Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 10 trên thế giới và số 1 trong khu vực ASEAN về sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp, không chỉ đáp ứng được nhu cầu phát triển chăn nuôi trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước trong khu vực và trên thế giới. 

Theo dự báo của VIPA, nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam sẽ cần khoảng 28 - 30 triệu tấn/năm trong 5 năm tới, trị giá 12-13 tỷ USD với mức tăng trưởng trung bình 11 – 12%/năm.

Tuy nhiên, ngành thức ăn chăn nuôi công nghiệp nước ta vẫn phải phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cần tối đa hóa nguồn nguyên liệu trong nước và dần thay thế nguyên liệu nhập khẩu, giảm giá thành thức ăn chăn nuôi.

Hiện nay ở Việt Nam có khoảng 265 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó có 85 nhà máy thuộc doanh nghiệp nước ngoài (chiếm tỷ lệ 32%), 180 nhà máy thuộc doanh nghiệp trong nước (chiếm 68%). Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước đang yếu thế về năng lực cạnh tranh so với doanh nghiệp nước ngoài. Theo đó, các doanh nghiệp nước ngoài chiếm 65% thị phần, 35% thị phần còn lại do doanh nghiệp trong nước nắm giữ.

Với việc sở hữu 13 nhà máy thức ăn chăn nuôi với tổng công suất lên đến 3,78 triệu tấn thức ăn chăn nuôi, MML là một trong hai doanh nghiệp có quy mô lớn nhất ngành thức ăn chăn nuôi Việt Nam và là doanh nghiệp nội địa có quy mô lớn nhất. 

Đặc biệt, Proconco nằm trong danh sách 80 nhà sản xuất thức ăn gia súc tốt nhất thế giới của tạp chí Feed International Magazine. Thương hiệu nổi tiếng nhất của Proconco là “Con Cò”.  Đây là một trong các thương hiệu lâu đời nhất và uy tín nhất trong ngành thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam. Ngoài ra, Proconco còn có các thương hiệu khác như Delice, Porcy, Ami.

Cám có hệ men tiêu hóa Biozeem giúp gia tăng hiệu suất chăn nuôi

Với hệ thống nhà máy khắp cả nước với các chủng loại sản phẩm đa dạng từ thức ăn gia súc (heo, bò), gia cầm (gà, vịt, chim cút) đến thủy sản (cá, tôm) và thương hiệu lâu đời giúp MML có lợi thế đáng kể trọng việc tối ưu hóa chi phí sản xuất nhờ lợi thế quy mô để giúp Công ty chiếm lĩnh thị trường. Đặc biệt, trong những giai đoạn thị trường khó khăn, MML vẫn giữ được giá bán cạnh tranh để duy trì thị phần, hỗ trợ người nông dân để duy trì được mức tăng ổn định ở mảng kinh doanh này bởi vì công ty sở hữu năng lực R&D mạnh mẽ. Nên, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh mạnh trên thị trường. Đặc biệt, Bio-zeem là thương hiệu enzyme độc quyền của MML nhằm tăng cường hệ thống miễn dịch của heo và cải thiện tỷ lệ chuyển đổi thức ăn.

Trong bối cảnh hiện nay, khi khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số phát triển mạnh mẽ sẽ tác động trực tiếp làm thay đổi nhiều ngành công nghệ trong hoạt động sản xuất, phân phối và quản lý thức ăn chăn nuôi. Các chuyên gia nhận định mảng thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục là mảnh đất màu mỡ mang lại doanh thu đáng kể.

Thịt -  mảng kinh doanh độc lập có quy mô đáng kể của Masan MEATLife

Bên cạnh mảng thức ăn chăn nuôi tiềm năng, mảng thịt chế biến cũng đóng góp đáng kể vào doanh thu của MML. Trong năm 2020, tỷ trọng đóng góp về doanh thu của mảng thức ăn chăn nuôi ở mức 85% và thịt và trang trại ở mức 15%. Đóng góp 15% cơ cấu doanh thu thuần với quy mô gần 100 triệu USD trong 2020, ngành thịt của Masan MEATLife được đánh giá còn nhiều việc cần làm để hướng đến tham vọng 1 tỷ USD vào 2022.

Thịt sạch MEATDeli được chế biến theo công nghệ thịt mát châu Âu

Thịt đã trở thành một mảng kinh doanh độc lập có quy mô đáng kể của Masan MEATLife, đóng góp 2.068 tỷ đồng doanh thu và 163 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA), bao gồm 3F Việt. Ban điều hành hướng đến mục tiêu đưa mảng kinh doanh thịt có lãi ròng vào cuối năm nay khi tổ hợp chế biến thịt đạt từ 25% - 30% công suất sử dụng vào quý IV/2021, so với công suất sử dụng hiện tại là gần 11%.

Tương lai với các hiệp định thương mại tự do và các hiệp định thương mại tự do của ASEAN bắt đầu có hiệu lực sẽ khiến cho nhiều công ty không có lợi thế cạnh tranh tiếp tục bị đào thải. Do đó, xu thế mua bán sáp nhập trong ngành thức ăn chăn nuôi sẽ là cơ hội lớn cho các công ty có tiềm lực tài chính, quy mô lớn, năng lực quản trị mạnh tiếp tục vươn lên dẫn đầu thị trường. MML, với chiến lược phát triển tập trung vào mô hình 3F độc đáo sẽ có cơ hội để biến thách thức của thị trường thành những thành công của mình và thực hiện mục tiêu dẫn đầu trong việc cung cấp cho người tiêu dùng Việt Nam những sản phẩm có chất lượng.
Tin liên quan
Tin khác