Điểm nóng
Mất hàng trăm ha rừng, nhiều quan chức tỉnh Lâm Đồng xin… rút kinh nghiệm
Nhiệt Băng - 20/12/2021 08:44
Có đến 17 dự án tại Lâm Đồng để xảy phá rừng, trong đó có 457,11 ha/16 dự án chưa xử lý, song nhiều quan chức của tỉnh này qua các thời kỳ chỉ xin... kiểm điểm rút kinh nghiệm
Một vụ phá rừng thông ở Lâm Đồng. Ảnh: Yên Thế

Liên quan đến việc xử lý Kết luận thanh 2094 của Thanh tra tỉnh Lâm Đồng về công tác quản lý, bảo vệ rừng và thực hiện các dự án quản lý bảo vệ rừng kết hợp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Đức Trọng và Lâm Hà, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng vừa chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các ngành chức năng của huyện Đức Trọng và các doanh nghiệp rà soát diện tích rừng và cung cấp số liệu cho Sở Tài chính tính toán bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng của 16 doanh nghiệp để bị mất 457,11 ha rừng, nhưng chưa xác định số tiền tài nguyên rừng phải bồi thường, gửi Sở Tài chính tính toán, xác định giá trị thiệt hại tài nguyên rừng và yêu cầu các doanh nghiệp bồi thường theo quy định.

Hiện nay, đã xác định được khối lượng, trữ lượng lâm sản bị thiệt hại của 15/16 doanh nghiệp và tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp thông tin số liệu cho Sở Tài chính (Công ty TNHH TM và CB nông nghiệp Phương Mai, Công ty cổ phần An Lạc Việt Lâm Đồng, Công ty CP Quốc An, Công ty TNHH Huỳnh Vũ, Công ty TNHH Tân Định, Công ty TNHH Kim Tài Phát, Công ty TNHH Đàm Thịnh, Cơ sở nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em khuyết tật Thiên Phước, DNTN vườn rừng Nguyễn Thành Lợi, Công ty TNHH Hàn Việt, Công ty TNHH Quyết Thắng, Công ty CPĐT Vĩnh Tuyên Lâm và Công ty TNHH quan trắc tự động hóa và phát triển công nghệ sinh học Tiền Giang, Công ty CP đầu tư Sài Gòn Đại Ninh, Công ty CPSH Việt Nguyên; còn tồn: Công ty CP du lịch sinh thái Phương Nam). Đến nay, có 5/15 đơn vị đã chấp hành nộp tiền bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng vào ngân sách trên 15 tỷ đồng.

Tại Đức Trọng, từ khi các doanh nghiệp được thuê đất thuê rừng đến ngày 30/6/2019, có 17 dự án để xảy phá rừng 677,56 ha, trong đó có 457,11 ha/16 dự án chưa xử lý. “Trách nhiệm thuộc về chính doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng đã được UBND tỉnh quy định rõ trong các quyết định cho thuê rừng và hợp đồng thuê rừng”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu.

Tại Lâm Hà, 2 dự án là Công ty Việt Remax và Công ty CP tập đoàn Tân Mai để xảy ra phá rừng 99,96 ha. Trách nhiệm thuộc về chính doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng đã được UBND tỉnh quy định rõ trong các quyết định cho thuê rừng và hợp đồng thuê rừng.

Công ty TNHH thương mại dịch vụ kinh doanh địa ốc Việt R.E.M.A.X (mất 0,6 ha rừng) không thực hiện tốt công tác QLBVR, không triển khai dự án và không hoàn thành các thủ tục có liên quan. Sở Nông nghiệp và PTNT đã có ý kiến tại nhiều cuộc họp do các sở, ngành chủ trì và đồng thời đã cung cấp thông tin cho các sở, ngành để tham mưu UBND tỉnh thu hồi dự án.

Đến nay, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Quyết định số 1010/QĐ-UBND ngày 23/4/2021 về việc thu hồi đất đã cho Công ty TNHH thương mại dịch vụ kinh doanh địa ốc Việt R.E.M.A.X thuê và giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà, UBND huyện Lâm Hà quản lý.

Công ty CP tập đoàn Tân Mai thuê đất để trồng rừng nguyên liệu giấy, để mất 99,36 ha rừng trồng của đơn vị, do vốn tự có của doanh nghiệp. Trách nhiệm này không thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do từ năm 1999 nhiệm vụ quản lý đất lâm nghiệp đã chuyển giao về Sở Địa chính (nay là Sở Tài nguyên Môi trường) theo Văn bản số 1023/UB ngày 03/4/1999 của UBND tỉnh Lâm Đồng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho rằng, trách nhiệm để xảy ra mất rừng đầu tiên thuộc về chính doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng; nội dung này đã quy định rõ trong các quyết định cho thuê rừng. Một số doanh nghiệp đã buông lỏng quản lý, không đủ nguồn lực để thực hiện dự án và bố trí lực lượng bảo vệ rừng. Một số doanh nghiệp đã có nhiều biện pháp tích cực trong công tác quản lý bảo vệ rừng đã giao nhưng do lực lượng quản lý rừng của các doanh nghiệp còn mỏng nên không thể giữ được diện tích rừng được giao.

“Đa phần việc mất rừng xảy ra rải rác trong giai đoạn đầu các doanh nghiệp thuê rừng mới nhận bàn giao, thiếu kinh nghiệm trong quản lý bảo vệ rừng và giao thời giữa chủ rừng nhà nước quản lý chuyển qua cho doanh nghiệp thuê rừng”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu thực tế.

Ngoài ra, vai trò của chính quyền địa phương chưa giám sát và kiểm tra chặt chẽ tài nguyên rừng trên địa bàn. Một số hộ dân địa phương đã bất chấp kẽ hở của doanh nghiệp, sự phối hợp chưa đồng bộ giữa doanh nghiệp - chính quyền địa phương và các ban ngành để lấn chiếm đất, phá rừng của các doanh nghiệp để chờ cơ hội được đền bù.

Trong khi đó, nhiều dự án thuê rừng thực hiện du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng nằm trong giai đoạn 2013 -2018, nằm trên một số địa bàn chậm tiến độ và không thể triển khai do gặp khó khăn, vướng mắc trong thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phòng hộ và các dự án có tận dụng lâm sản trên diện tích xây dựng công trình hoặc cải tạo rừng nghèo kiệt, đang triển khai tận dụng lâm sản phải ngừng theo Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017; Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017; Thông báo số 191/TB-VPCP ngày 22/7/2016…

Từ đó, đa phần các doanh nghiệp này rơi vào tình trạng không thể triển khai bất kỳ hoạt động nào, dẫn đến tâm lý bỏ mặc dự án, thậm chí có doanh nghiệp dẫn đến phá sản, ở tình trạng không thể triển khai bất kỳ hoạt động nào nên ít nhiều có tâm lý bỏ mặc dự án, không quyết liệt bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, việc đôn đốc, chỉ đạo chưa quyết liệt của Lãnh đạo các phòng ban chuyên môn tham mưu có liên quan như Chi cục Lâm nghiệp (trước 9/2016), Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng, Lâm Hà.

Dù xác định giai đoạn mất rừng diễn ra từ năm 1992 đến nay, nhưng từ nguyên Giám đốc đến Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng qua các thời kỳ chỉ kiến nghị hình thức xử lý trách nhiệm là kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Tin liên quan
Tin khác