Gần đây, trên các diễn đàn chứng khoán, nhiều nhà đầu tư xôn xao về tin đồn MBB sẽ hỗ trợ/sáp nhập OceanBank.
Về thông tin này, chuyên gia phân tích SSI Research cho hay, mặc dù thông tin về thương vụ chưa được xác thực, song đây không phải thông tin tác động tiêu cực cho MBB. SSI Research cũng nghiên cứu ảnh hưởng của thương vụ với MBB, nếu thương vụ xảy ra.
Theo thông tin của SSI Research, tại thời điểm cuối 2020, dư nợ cho vay của Oceanbank đạt khoảng 20.000 tỷ đồng, một nửa trong đó là nợ xấu. Tuy nhiên, dự phòng rủi ro tín dụng là 8.400 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng là 32.000 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 14.000 tỷ đồng (mất khả năng thanh toán). Ngân hàng vẫn chịu lỗ, do nguồn thu nhập hạn chế từ cho vay và tiền gửi khách hàng mới được sử dụng để trả lãi cho khách hàng cũ. Chi phí hoạt động không được tối ưu.
Chiểu theo Quy định của Luật Tổ chức tín dụng đối với thương vụ này, việc MBB hỗ trợ OceanBank có thể nằm trong “Phương án chuyển giao bắt buộc” theo luật này (điều 148 và điều 151).
Theo đó, ngoài một số quyền lợi ghi trong Luật, MB có khả năng được cấp hạn mức tín dụng cao hơn. Nếu giả định MBB được cấp thêm 10% hạn mức tín dụng (hoặc 34.000 tỷ đồng) theo số liệu năm 2021 và cung cấp 10.000 tỷ đồng vốn chi phí thấp cho OceanBank, tác động ròng đến thu nhập hoạt động và lợi nhuận trước thuế có thể là 1.000 tỷ đồng và 600 tỷ đồng (giả định NIM là 4,3% và chi phí tín dụng 1,8%). CSI Research chưa tính đến khả năng sau khi tái cơ cấu thành công, MBB có thể thoái vốn tại Oceanbank.
Đối với OceanbOceanBank, chuyên gia phân tích giả định ngân hàng sẽ nhận được khoản hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước (10.000 tỷ đồng) cùng với nguồn vốn chi phí thấp từ MBB (10.000 tỷ đồng). Nhân sự và ban điều hành mới đến từ MBB cũng có thể giúp OceanBank điều chỉnh và tối ưu chi phí hoạt động. Do đó, tác động ròng đến lợi nhuận có thể đạt 1.400 tỷ đồng mỗi năm. Sau 10 năm, OceanBank có thể hồi phục trở lại và đáp ứng được các quy định về an toàn tài chính.
Mặc dù hiểu rằng cấu trúc thương vụ nếu xảy ra sẽ rất phức tạp không như những con số tính toàn đơn giản, song theo quan điểm của chuyên gia phân tích, thương vụ này sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên. Trong quá khứ, việc giải cứu ngân hàng “0 đồng” được xem như là nghĩa vụ bắt buộc với một số ngân hàng lớn và kết quả không đạt kỳ vọng sau 7 năm vừa qua. Vì vậy, rất có thể lần này NHNN có thể linh hoạt hơn với một số lợi ích dành cho các ngân hàng nhận chuyển giao nhằm tạo động lực lớn hơn để các ngân hàng lớn tham gia vào hỗ trợ ngân hàng “0 đồng”.
“Dựa theo phân tích kể trên và những thông tin mà chúng tôi có được, thương vụ này giống như một sự tiếp quản về ban lãnh đạo, trong đó MBB sẽ điều nhân sự sang OceanBank để tái cơ cấu hoạt động. Điều này không giống với những thương vụ M&A truyền thống.
Với sự hỗ trợ thanh khoản lớn cả từ phía SBV, MBB không nhất thiết phải rót vốn ngay trong giai đoạn tiếp quản ban đầu – theo quan điểm của chúng tôi. Nhìn chung, OceanBank có thể là thương vụ có lợi cho MBB và giúp MBB tăng trưởng tốt hơn trong dài hạn nếu ban lãnh đạo có thể chèo lái con thuyền đi đúng hướng. Trong trường hợp đó, thương vụ này cũng đem lại lợi ích kinh tế tích cực về dài hạn”, chuyên gia phân tích SSI Research đánh giá.
Mặc dù vậy, chuyên gia này cũng cho rằng, vẫn có rủi ro nhất định. Đó là mbb cần thời gian để áp dụng và tích hợp hệ thống và mô hình hoạt động vào OceanBank. Ngoài ra, việc phân tán nguồn lực quản lý sang OceanBank cũng có thể tạo rủi ro cho MBB. Một rủi ro khác là chu kỳ kinh tế kém thuận lợi khiến nợ xấu và chi phí tín dụng tăng vọt.
Tuy nhiên, theo quy định, báo cáo tài chính của OceanBank được tách riêng và không hợp nhất vào MBB. Thương vụ này có thể đem lại nhiều lợi ích hơn so với rủi ro mà MBB phải chịu xét về mặt dài hạn.
Theo cập nhật của SSI Research, MB duy trì đà tăng trưởng tốt 2 tháng đầu năm nay với tín dụng tăng 6% và lợi nhuận ngân hàng mẹ đạt 3.500 tỷ đồng. MB hiện có một số kịch bản cho 2022, dựa trên các mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 15% đến 35% phụ thuộc vào hạn mức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước cấp.
Giả định theo kịch bản cơ sở, SSI Research cho rằng, năm nay, MB sẽ tăng trưởng tín dụng và huy động là lần lượt ở mức 15% và 6,8% so với năm ngoái, lợi nhuận trước thuế tăng 20% đạt 19.800 tỷ đồng. Tỷ lệ ROE 23% và tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%, CIR duy trì thấp hơn 29% đối với ngân hàng mẹ, số lượng khách hàng cá nhân là 13-14 triệu khách.
Tuy vậy, theo ước tính của SSI Research, năm nay, lợi nhuận trước thuế của MB sẽ tăng 35%, đạt 22.300 tỷ đồng.NIM khá ổn định ở mức 5,1%; CASA trung bình cả năm sẽ ở quanh mức 42%-44%; ROE có thể đạt 26,3% - mức cao thứ 2 toàn hệ thống và cao nhất trong số các ngân hàng có quy mô tương đương.