Ngân hàng
MBBank: Ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng để đối phó kịch bản xấu
T.L - 29/03/2020 08:56
Trong báo cáo thường niên năm 2019 vừa công bố, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB: HoSE) dự báo, năm 2020, tín dụng của toàn hệ thống chỉ tăng trưởng 10-12%. Đồng thời, các ngân hàng thương mại phải tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng và trích lập dự phòng để đối phó với các kịch bản xấu. Trong bối cảnh hiện tại, MBBank lấy kinh tế số làm trọng tâm tăng trưởng năm 2020.
MBBank dự báo tín dụng toàn ngành năm 2020 chỉ tăng 10-12%

Ngoại trừ mục tiêu tăng vốn điều lệ không đạt kế hoạch, năm 2019, MBBank hầu như đều vượt các kế hoạch để ra: tổng tài sản tăng 14%, huy động vốn tăng 20%, dư nợ tín dụng 18,6% (bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp), trả cổ tức 14%...

Báo cáo thường niên năm 2019 đã chỉ ra một số dấu ấn mà MBBank đạt được năm 2019 như: Lợi nhuận lần đầu tiên vượt mốc 10.000 tỷ đồng, tăng trưởng 29% so với năm 2018; các công ty con hoạt động hiệu quả, tổng lợi nhuận đạt 1.107 tỷ đồng, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2018, chiếm gần 11% lợi nhuận tập đoàn; Doanh số bán chéo giữa công ty tăng đột phá với 584 tỷ đồng, tăng 70% so với năm trước đó; Tỷ lệ trích lập dự phòng bao phủ nợ xấu đạt trên 110%;  Hoàn thành khung quản trị trủi ro theo Basel 2…

Về định hướng kinh doanh năm 2020, lãnh đạo MBBank cho rằng, với bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay, đặc biệt là do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, doanh nghiệp nhiều ngành kinh tế chịu tác động trực tiếp, tổn thương nặng nề như du ịch, khách sạn, dịch vụ lưu trú, hàng không, xuất nhập khẩu nông sản…. Trước mắt, trong 6 tháng đầu năm 2020, cả nước đều ưu tiên phòng chống dịch bệnh, bảo vệ người dân và toàn xã hội.
Ngày 17/3, NHNN cũng đã công bố hạ mức lãi suất cơ bản các mức lãi suất điều hành, hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid – 19.

“Dự kiến, tăng trưởng tín dụng toàn ngành có thể đạt thấp (10-12%). Các ngân hàng thương mại cần tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng và trích lập dự phòng để đối phó với các kịch bản xấu”, trích báo cáo thường niên MBBank.

Kết thúc năm 2019, giá trị vốn hóa của MBBank tăng 15,1%. Trong năm, giá cổ phiếu MBB tăng 18,6% so với năm 2018, lên mức 20.800 đồng/cổ phiếu ở thời điểm cuối năm 2019.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu ngân hàng liên tục lao dốc theo đà giảm của thị trường. Đóng cửa cuối tuần qua, mỗi cổ phiếu MBB được niêm yết với mức giá 14.600 đồng/CP, giảm gần 1/3 giá trị so với phiên mở cửa đầu năm nay.

Kết thúc năm 2019, MBBank có gần 20% sở hữu của cổ đông nước ngoài. Ngày 10/3 vừa qua, ngân hàng đã nới room vốn ngoại lên 23%.

Các cổ đông lớn của MBBank hiện nay là  Viettel, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tổng Công ty trực thăng Việt Nam, Tổng công ty May 28, SCIC.

Trong tình hình hiện nay, HĐQT đặt ra trọng tâm của MBBank năm 2020 là phát triển mạnh ngân hàng số.

Theo đó, giải pháp trước mắt là ưu tiên triển khai các biên pháp khẩn cấp ứng phó đại dịch Covid 19 đảm bảo kinh doanh liên tục, an toàn cho khách hàng, nhân viên và các cơ sở kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục triển khai các dự án chiến lược đến năm 2021 theo kế hoạch, ưu tiên các dự án hiện đại hóa công nghệ thông tin với IBM, chuyển đổi số.

Ngoài ra, ngân hàng cũng sẽ thúc đẩy các mô hình bán chéo sản phẩm dịch vụ giữa MB và các công ty thành viên. Hoàn thiện mô hình kinh doanh ngân hàng số, đẩy mạnh các kênh giao dịch điện tử, số hóa các hoạt động, phát triển các nền tảng marketing số, tiết giảm chi phí hoạt động…   

Tin liên quan
Tin khác