Doanh nghiệp
Minh bạch tài chính thời hội nhập
Nhã Nam - 19/03/2016 09:07
Một hệ thống tài chính minh bạch và huy động vốn trên thị trường chứng khoán là phương cách nhiều doanh nghiệp (DN) áp dụng để hoạt động hiệu quả hơn trong thời hội nhập, song liệu đó có phải là mẫu số chung cho tất cả DN?

Minh bạch tài chính và huy động vốn trên thị trường chứng khoán, xét về lâu dài, luôn là cần thiết cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN. Ông Nguyễn Trường Huy, khán giả truyền hình sau khi xem Chương trình CEO - Chìa khóa thành công, với chủ đề “Tài chính thời TPP - Quản trị rủi ro” cũng đã phát biểu rằng: “Dù là DN lớn hay nhỏ cũng đều cần hệ thống quản trị tài chính minh bạch”.

Tuy nhiên, không phải DN nào cũng sẵn sàng cho điều đó. Tình huống diễn ra tại một DN chuyên sản xuất - kinh doanh và xuất khẩu bao bì cũng vậy. Trước ngưỡng cửa hội nhập sâu rộng, thị trường đang đứng trước nguy cơ cạnh tranh ngày càng khốc liệt, cả CEO và các cổ đông đều nhận ra rằng, cần phải tìm một hướng phát triển mới và đột phá hơn.

Trong kỳ phát sóng lần 2, CEO sẽ được các chuyên gia tư vấn về chiến lược tài chính trong thời hội nhập TPP.
Trong kỳ phát sóng lần 2, CEO sẽ được các chuyên gia tư vấn về chiến lược tài chính trong thời hội nhập TPP

Thống nhất như vậy, song bàn về chiến lược tài chính thì quan điểm lại khác nhau. Trong khi các cổ đông cho rằng, cần phải xây dựng một hệ thống quản trị tài chính minh bạch nhằm hướng đến việc huy động bằng cách niêm yết trên thị trường chứng khoán, bởi đây là con đường hiệu quả nhất giúp DN đảm bảo được nguồn vốn trong quá trình phát triển và hội nhập, thì CEO lại cho đó là phương án khó khăn và rất tốn kém. Việc huy động vốn thông qua niêm yết trên thị trường chứng khoán cũng rất phức tạp, đòi hỏi nhiều công sức, thời gian. Chưa kể, còn phải nâng cao khả năng quản trị, điều hành sản xuất - kinh doanh khi DN trở thành đại chúng.

Vì thế, CEO đề nghị huy động vốn trong các cổ đông hiện tại hoặc tìm đến các nhà đầu tư nhỏ lẻ, thậm chí là đi vay ngân hàng. Điều này sẽ phù hợp với thực lực và quy mô của DN hiện nay.

Không bên nào chịu bên nào và mỗi bên đều có lý của mình. Các khán giả sau khi xem Chương trình cũng có quan điểm trái chiều. Bạn Nguyễn Mai Hiền thì đồng tình với quan điểm của CEO và cho rằng, một DN luôn cần đảm bảo về mặt tài chính cũng như khả năng chi trả các khoản nợ và chi phí của mình thì mới có thể phát triển một cách vững vàng được.

Đồng quan điểm, bạn Cao Tiểu Minh cho rằng, minh bạch tài chính ở DN nhỏ và vừa là không hề đơn giản. “Tôi đồng tình với CEO, DN cần nâng cao khả năng quản trị, điều hành sản xuất - kinh doanh sau đó mới tiến đến trở thành DN đại chúng”, bạn Minh nói.

Trong khi đó, những người ủng hộ quan điểm của các cổ đông lại cho rằng, cái nhìn của CEO còn quá ngắn hạn. “Cách làm của CEO cũng chính là thực trạng của nhiều DN nhỏ và vừa Việt Nam, khiến họ cứ nhỏ và vừa mãi, không lớn được. Chỉ mở cửa thu hút vốn đầu tư thì mới có cơ hội phát triển nhiều mặt của DN”, bạn Tiến Nguyện bình luận.

Tất nhiên, những cái nhìn cẩn trọng hơn, xem xét cả trong ngắn hạn và dài hạn, đã đề nghị nên áp dụng cả hai biện pháp mà CEO và cổ đông đề xuất.

“Ý kiến của cổ đông thì trước sau gì cũng phải thực hiện nếu DN muốn đứng vững và lớn mạnh, vấn đề là thời điểm thực hiện. Trong trường hợp hợp này lo lắng của CEO là đúng đắn, nhưng chỉ là khi DN chưa có chỗ đứng vững vàng trên thị trường thôi. Khi đã bước vào giai đoạn ổn định hơn thì nên tính đến giải pháp tài chính của cổ đông”, bạn Nguyễn Văn Tân bày tỏ.

Thực tế, đây là bài toán nan giải đối với hầu hết DN nhỏ và vừa tại Việt Nam, khi mà chuyện hội nhập TPP, AEC… đang “phả” sức nóng đằng sau gáy. Không kịp thời đổi mới, nâng cao năng lực quản trị và năng lực cạnh tranh, nguy cơ bị thua trên thị trường là rất lớn. Thậm chí, không chỉ là trong hội nhập, trong bối cảnh hiện nay, kể cả muốn vay vốn từ ngân hàng và để huy động vốn từ cổ đông nhỏ lẻ, thì việc minh bạch thông tin tài chính, quản trị rủi ro cũng luôn cần thiết.

Trong bối cảnh như vậy, CEO phải quyết định như thế nào? Trong kỳ phát sóng phần hai này, CEO sẽ được nghe hai chuyên gia tư vấn trong vạch chiến lược tài chính cho DN trong thời hội nhập TPP. Đó là ông Thái Quốc Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư tư nhân VINA - VP Capital và ông Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn Tư vấn và Chiến lược Robenny khu vực Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương. Những tư vấn này cũng sẽ có hữu ích đối với những DN Việt Nam đang gặp tình huống tương tự.n

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của nhãn hàng OTIV.

Tin liên quan
Tin khác