Bài học về đội ngũ
Trông Minh trẻ hơn nhiều so với tuổi 35, nhưng sự tinh khôn thì... vô đối.
Trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến 2014, Minh đã làm được nhiều việc: tốt nghiệp hạng ưu Đại học Sydney (Australia) vào năm 2007, được cấp học bổng Fulbright và tốt nghiệp thạc sỹ quản trị kinh doanh Trường Harvard (Mỹ) vào năm 2014.
Cũng trong thời gian này, Minh kịp trở về Việt Nam khởi nghiệp với chuỗi 6 cửa hàng Doco Donuts & Coffee từ năm 2009, khi trào lưu bánh Donuts đang thịnh hành ở nhiều nước châu Á và kịp rút lui khi xu hướng này thoái trào.
Doanh nhân Bùi Quang Minh |
Chỉ mất 3 tháng, Minh thu hồi được vốn đầu tư từ cửa hàng đầu tiên và có thể gọi là người tiên phong trong việc đưa mô hình và xu hướng này du nhập Việt Nam, nhưng cũng lần lượt nhượng lại từng cửa hàng Doco Donuts & Coffee cho nhiều người mua khác nhau.
Doco Donuts & Coffee được phát triển theo phân khúc đồ ăn “thời trang” (fashion food), nghĩa là chỉ có thể huy hoàng vào một vài thời điểm theo phong trào, nên việc rút lui đã được tính trước. Tuy nhiên, Minh vẫn giữ bản quyền thương hiệu này vì cho rằng, biết đâu trong tương lai, nếu thị trường phù hợp, Doco sẽ tái xuất.
Kể lại thời đầu tư Doco, Minh nói, giá trị mà thương hiệu này mang lại không chỉ nằm ở số tiền lãi hay góp phần tạo nên xu hướng một mô hình bán lẻ mới tại thời điểm đó, mà quan trọng là cho Minh thêm ít nhất 2 bài học đáng giá về xây dựng đội ngũ và tận dụng nguồn lực ngoài doanh nghiệp.
Thừa nhận ở tuổi 26, một người trẻ mang nhiều sự hiếu thắng, Minh muốn tự tay thực hiện mọi thứ, trong khi thời gian chỉ 24 tiếng mỗi ngày. Tư duy “mình làm sẽ tốt hơn người khác” của Minh chi phối suốt thời gian thành lập, vận hành và sau đó là bán Doco.
Sau này, Minh đã gọi tên, đó là sự bảo thủ, nhưng khi ấy thì coi là sự tự tin. Điều này vô tình cắt đứt lương duyên giữa Minh và các cộng sự giỏi. Thậm chí, Minh còn bỏ lỡ cơ hội nhận đầu tư từ Mekong Capital, vì cho rằng chuỗi “chưa có hệ thống vận hành ổn định” thì chẳng có gì để Quỹ tham gia. Không có bất kỳ tài liệu giới thiệu nào về Công ty được Minh gửi đi để kêu gọi hợp tác.
Sau này, Minh có vẻ tiếc nuối cơ hội đó. “Quy trình hoạt động hoặc việc vận hành doanh nghiệp có thể chưa ổn, nhưng sẽ có điều gì đó thú vị để cả hai bắt tay và mang lại lợi ích cho nhau. Biết đâu, họ sẽ giúp mình xây dựng hệ thống tốt hơn”, Minh Bùi nhớ lại và cho rằng, đây là hai bài học đáng giá và không thể quên.
Khi bán xong Doco, Minh đơn phương độc mã đến Mỹ, hoàn thành tấm bằng thạc sỹ rồi trở về lập Beta Media (tiền thân cho Beta Corp. hiện nay) vào năm 2014.
Cách đi lạ của Beta Media
Thời gian đầu hoạt động, Beta Media tập trung triển khai mảng kinh doanh vào các tổ hợp ăn uống và giải trí - cụ thể là xây dựng cụm rạp chiếu phim Beta Cineplex đầu tiên tại tỉnh Thái Nguyên.
Quyết định này dễ khiến mọi người đặt câu hỏi, vì sao lại chọn mở rạp chiếu phim tại Thái Nguyên?
Minh Beta cho rằng, đây là quyết định dựa trên sự logic. Khi về Việt Nam kinh doanh, việc đầu tiên là nhìn vào số vốn 10 tỷ đồng (trong đó, Minh sở hữu một nửa), Minh muốn đầu tư vào ngành đảm bảo yếu tố là dễ nhân rộng, cơ hội kinh doanh lớn và có khả năng cạnh tranh cũng như liên quan đến đam mê nghệ thuật.
Thứ nữa, vào thời điểm 4 năm trước, điện ảnh nước nhà vẫn manh mún, nhỏ lẻ. Minh dẫn chứng, cứ 1 triệu dân thì có khoảng 7,51 phòng chiếu tại Trung Quốc; 21,3 phòng ở Malaysia và 13 phòng tại Thái Lan; trong khi con số này ở Việt Nam chỉ khoảng 2,01 phòng. Đặc biệt, những đại gia rạp chiếu như CGV, Lotte, BHD... chỉ quan tâm tới các thành phố lớn. Khu vực tỉnh lẻ, phân khúc tầm trung bị để trống.
“Chúng tôi tính toán các yếu tố về thu nhập và độ tuổi để lựa chọn Thái Nguyên. Thành phố nhỏ này cũng không quá xa Hà Nội, việc vận hành sẽ không quá khó khăn”, Minh tiết lộ các phân tích thị trường.
Hiện tại, Beta Media có 10 cụm rạp ở Thái Nguyên, Hà Nội, Thanh Hóa... nhưng năm 2018 sẽ là gấp đôi. Trung bình mỗi rạp sau 3 tháng hoạt động bắt đầu có lãi.
Beta Media vừa sản xuất phim, mở rạp chiếu và hoạt động này đang đóng góp nhiều nhất vào tổng doanh thu Công ty. Bộ phim chiếu rạp đầu tay của Beta là Ngày mai cưới đã có lãi.
Minh Bùi cho rằng, đây là thành công đến bất ngờ, dù thời gian “nấu nướng” kịch bản chỉ bằng 1/3 thời gian trung bình mà Công ty dành cho các bộ phim khác, bởi thiếu nhân sự thời điểm ấy.
Theo kế hoạch, năm nay, Beta sẽ sản xuất và phát hành từ 4-5 bộ phim, theo hai dạng tự viết hoặc remake (Việt hóa từ phim nước ngoài-PV). Họ cũng sẽ dành nhiều thời gian đầu tư kịch bản, trung bình khoảng 6 tháng/bộ phim cùng với việc đưa ra các chỉ số đánh giá như mẫu của các nhà làm phim Hollywood.
“Nghe có vẻ máy móc hay công thức, nhưng khi làm một bộ phim 90 phút, chúng tôi sẽ chia thành một số phần, trong 5-10 phút đầu cần giải quyết nội dung gì... Beta có đội làm biên kịch, sản xuất và các đối tác mà Hollywood gọi là “bác sĩ kịch bản” (script doctor) góp ý, để khi ra hiện trường, sẽ quay đúng 80% kịch bản”, Minh Beta chia sẻ.
Tất nhiên, chi phí sản xuất phim có thể kiểm soát được, nhưng chỉ tiêu về doanh thu hay lợi nhuận của phim thì không dễ lên dự trù. Nhưng đó cũng là sự hấp dẫn của nghề này, khi yếu tố từ khán giả, thời điểm hay thị hiếu là thước đo tưởng như ảo mà những người kinh doanh buộc phải đếm được bằng các con số.
Mảng thứ hai mang lại nhiều doanh thu cho Beta Corp. thuộc về chuỗi 10 nhà hàng (Beta FnB) mà họ tự xây dựng thương hiệu, gồm Shabu X, Kowloon, Déjà Vu tại TP.HCM và Hà Nội.
Còn chuỗi cửa hàng mỹ phẩm (The Q Store) sẽ được dành nhiều nguồn lực đầu tư từ năm 2018. Minh kỳ vọng, doanh thu từ đây sẽ có bước nhảy vọt sau 1-2 năm tới.
Qua 2 lần nhận đầu tư từ VIG – nhà đầu tư của chuỗi rạp Galaxy và hãng phim Galaxy Studios... và gần đây nhất là Blue HK - tập đoàn tài chính từ Hồng Kông (Trung Quốc), định giá của Beta Media đã tăng 10 lần.
Minh tiết lộ, công ty con này chuẩn bị gọi thêm vốn, nhưng câu hỏi quan trọng hơn cả là bài toán duy trì sự tăng trưởng bền vững.
Tìm kiếm bản thân
Beta Corp. đang tạm hài lòng với lực lượng nhân sự hiện tại với những điểm tương đồng như đều là người trẻ, có tham vọng, cầu tiến, trách nhiệm và khả năng lãnh đạo.
Trao đổi ngắn với Minh Beta:
Có những khác biệt nào khi khởi nghiệp lần đầu với Doco và lần tiếp theo với Beta Media?
Lúc 26 tuổi thì kinh nghiệm, tuổi đời hay sự chín chắn chưa bằng hiện nay. Bù lại, “nhựa”, hay có thể nói là năng lượng của sức trẻ khi ấy luôn tràn đầy, mà bây giờ tôi thèm muốn. Điều quan trọng là hiểu bản thân mình, để khắc phục những cái thiếu và phát huy được những cái mạnh.
Hiểu bản thân là thế nào?
Nó như một bài học, càng học càng thấm sâu. Không bao giờ tôi cho là, đã hiểu hết bản thân mình. Kinh doanh cũng vậy, nó là bài học cần liên tục cập nhật.
Trong bảng thành tích học tập của Minh Bùi đang thiếu tấm bằng tiến sỹ...
Tôi không có nhu cầu nghiên cứu quá sâu một lĩnh vực nào, nên sẽ không theo học tiến sỹ. Giờ tôi muốn đạt mục tiêu xa hơn trong sự nghiệp kinh doanh và sống một cuộc sống hạnh phúc.
Nếu dựa trên những tố chất đó, thì Beta Corp. đang sở hữu đội ngũ nhân sự có chất lượng cao hơn mức trung bình so với mặt bằng chung của thị trường, dù chưa đạt đến ngưỡng cao nhất. Bởi Beta Corp. sẽ không chỉ hoạt động trong lĩnh vực cụm rạp hay sản xuất phim, mà hoạt động đa ngành. Nhưng muốn có được điều đó, cần sở hữu giá trị cốt lõi là hoàn thiện cơ chế quản trị phù hợp.
Ngoài lĩnh vực phim, Beta Corp. đã và đang mở ra 5 công ty con trong ngành ẩm thực, thuốc, mỹ phẩm, sơn và giải trí. Minh Bùi đang phải phát triển đội ngũ cả về chất lượng và số lượng.
Một trong những giải pháp đến từ chương trình truyền hình The Next CEO sẽ được Beta Corp. thực hiện trong năm 2018. Minh gọi đây là một chương trình thực tế về tuyển chọn nhân sự lớn nhất trên sóng truyền hình với 13 tập và thử thách khả năng quản trị, lãnh đạo, kỹ năng trong kinh doanh.
Giải thưởng chung cuộc là vị trí giám đốc điều hành cho một công ty con của Beta Corp., với mức thu nhập 1 tỷ đồng/năm. Beta Corp. có thêm nhân sự và khán giả sẽ học hỏi được nhiều điều.
Tất nhiên, không dễ để dung hòa các quan điểm của người tài, cũng không phải người thắng cuộc nào cũng muốn ở cùng Beta Corp.
Nhưng, đó là cách Beta Corp. muốn tạo sân chơi cho mọi người thử nghiệm. Beta Corp. lập ra nhóm những giám đốc điều hành các công ty, thay vì chỉ một trợ lý cho Chủ tịch, để khai thác những góc nhìn khác nhau, sinh động và sáng tạo cho kế hoạch.
Cách làm này đỏi hỏi đội ngũ của Beta Corp. vừa học vừa làm, tự chủ, xác định rõ mục tiêu và sự thăng tiến trên lợi ích chung của Công ty. Họ tin rằng, tại doanh nghiệp non trẻ này, mọi phân tích và các ý kiến liên quan của nhân sự đều được xem xét bằng thái độ tôn trọng, chứ không chỉ là một tùy chọn. Mỗi cá nhân đảm nhận một vai trò khác nhau, nhưng đều hiểu rõ mục tiêu hay đích đến của doanh nghiệp.
Điểm mấu chốt, “beta” luôn trong hành trình đi tìm bản thân để phát triển.