Doanh nghiệp
Mô hình bán lẻ bắt tay tạo thêm sức mạnh: VinMart thêm quầy trà sữa, Thế giới Di động bán thêm xe đạp
Vũ Anh - 17/06/2021 14:20
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã áp dụng các mô hình mới để thích ứng với thời Covid-19 và phát triển trong giai đoạn này.
Các nhà bán lẻ đang hợp tác để tận dụng thế mạnh của nhau. Trong ảnh: Masan đã mua 20% cổ phần của Phúc Long Heritage để phát triển mô hình Kiosk Phúc Long. Ảnh: ĐT

Chiếm lĩnh thêm thị phần

Masan đã thông qua công ty thành viên The Sherpa chi 15 triệu USD mua 20% cổ phần của Phúc Long Heritage - công ty sở hữu thương hiệu chuỗi bán lẻ trà - cà phê Phúc Long. Động thái này cho thấy, các nhà bán lẻ đang quay lại phát triển mô hình kiosk. Masan kỳ vọng phát triển mô hình “Kiosk Phúc Long” thông qua mạng lưới hơn 2.200 cửa hàng VinMart hiện có. Đã có 4 Kiosk Phúc Long được mở tại TP.HCM trong 3 tháng qua. Mục tiêu 1.000 Kiosk Phúc Long trong 18-24 tháng tiếp được cả hai tin rằng rất khả thi.

Với mô hình này, phía Phúc Long sẽ tiết kiệm được các chi phí thuê mặt bằng, nhanh chóng mở rộng được chuỗi hệ thống theo các điểm bán có sẵn của VinMart+. Từ đó, Phúc Long có thêm thế mạnh để chiếm lĩnh thị phần, cạnh tranh hữu hiệu hơn với các đối thủ chính yếu.

Sự hợp tác này cũng có thể giúp VinMart+ thu hút thêm khách hàng từ nhiều phân khúc khác nhau, bao gồm cả giới trẻ, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng của mình.

Theo ông David Jackson, CEO Colliers Việt Nam, mô hình này giúp doanh nghiệp dùng các lợi thế của chính mình để bổ khuyết cho điểm bất lợi của đối tác và ngược lại. Trong trường hợp các cửa hàng Phúc Long không thể đón khách tại chỗ vì giãn cách xã hội, họ vẫn có thêm kênh tiêu thụ khác nhờ sự “chắp cánh” của hệ thống VinMart+. Trong khi đó, VinMart+ lại ghi thêm điểm cộng trong mắt các bạn trẻ, những người đóng vai trò quan trọng trong tệp khách hàng của Phúc Long.

Mô hình này đã từng thịnh hành ở Việt Nam trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ. Điển hình là 6 năm trước, Thế giới Di động đã bắt đầu mở các cửa hàng shop-in-shop trong siêu thị Big C, với cửa hàng đầu tiên được đặt tại Đồng Nai. Chỉ trong vòng 1 năm, nhà bán lẻ này đã có 23 cửa hàng. Tuy nhiên, đến cuối tháng 8/2016, Central Group, tập đoàn sở hữu Big C và điện máy Nguyễn Kim đã yêu cầu Thế giới Di động rút ra khỏi hệ thống, bởi mỗi cửa hàng Thế giới Di động trong chuỗi Big C chỉ đạt doanh thu không tới 15 triệu đồng/ngày, chỉ bằng 1/7 so với mức trung bình của toàn bộ 880 cửa hàng trong hệ thống.

Trước Thế giới Di động, MediaMart cũng từng thử nghiệm mô hình shop-in-shop với cái tên Best Carings, nhưng đại diện MediaMart cũng phải thừa nhận, mô hình này đối với mặt hàng điện máy không có đất sống ở Việt Nam.

Đại diện nhà bán lẻ này khẳng định, mô hình shop-in-shop chỉ thích hợp khi đô thị có hạ tầng phát triển như ở Bangkok hay Singapore, các trung tâm thương mại có lượng khách vào mua sắm rất đông, trong khi ở Việt Nam người tiêu dùng có thói quen mua sắm nhanh gọn.

Có thể mô hình của bán lẻ điện tử, điện máy khó khả thi ở Việt Nam, nhưng với chuỗi cửa hàng tiện lợi lại phù hợp với thói quen tiêu dùng của người Việt. Với mô hình của VinMart+ và Phúc Long với các cửa hàng ngoài mặt phố, với thói quen mua sắm nhanh gọn của người Việt thì khách hàng có thể dựng xe trước cửa hàng để mua đồ uống và đi luôn.

Cửa hàng đa thương hiệu

Covid-19 khiến thị trường trang sức “cô đặc”, tâm lý thắt lưng buộc bụng của người dân đã khiến chuỗi tăng trưởng đứt đoạn trong gần một năm.  Nhiều chuỗi cửa hàng truyền thống đóng băng trong thời gian dài, dẫn đến thu hẹp quy mô khi mở cửa trở lại.

Trong khi đó, nhà bán lẻ có thương hiệu và chất lượng đồng nhất vẫn tăng uy tín nhờ đảm bảo thanh khoản và cam kết hậu mãi với khách hàng. Điều này dẫn đến xu hướng chuyển dịch sức mua theo quy mô cửa hàng ngày càng rõ nét. Các nhà bán lẻ trang sức buộc phải thay đổi.

Mới đây, PNJ quyết định theo đuổi chiến lược đa thương hiệu khi phân phối sản phẩm Pandora. PNJ kỳ vọng sẽ có lợi nhuận cao nhất, trở thành một trong những nhà bán lẻ hàng đầu châu Á.

Trong kế hoạch kinh doanh năm nay, PNJ kỳ vọng doanh thu thuần tăng 20% lên 21.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 15% lên 1.229 tỷ đồng, đạt mức cao kỷ lục kể từ khi thành lập đến nay. Hết quý đầu năm, Công ty ghi nhận doanh thu hơn 7.180 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 513 tỷ đồng.

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ nhận định, kế hoạch này hoàn toàn khả thi bởi bên cạnh tận dụng khoảng trống thị trường, PNJ còn khai thác thêm phân khúc khách hàng mới, mở rộng phạm vi ảnh hưởng.

Được biết, sau khi hoàn thiện hệ thống bán hàng đa kênh, PNJ tiếp tục chiến lược đa thương hiệu bằng việc hợp tác cùng Pandora để phân phối dòng sản phẩm vòng và charm của thương hiệu này, góp phần trẻ hóa nhóm đối tượng khách hàng tìm tới PNJ, đồng thời gia tăng tính đa dạng và mới mẻ trong lựa chọn dành cho những tín đồ trang sức.

Ngoài lợi ích tối ưu hiệu quả kinh doanh cửa hàng thông qua tăng doanh thu và kiểm soát chi phí vận hành, PNJ nhận định, chiến lược đa thương hiệu sẽ là bước đi quan trọng để quốc tế hóa và trẻ hóa thương hiệu.

Trong khi đó, Thế giới Di động đang thử nghiệm bán khoảng 100 mẫu xe đạp có giá 2-12 triệu đồng/chiếc từ các thương hiệu RoyalBaby, Giant, Fornix tại 2 cửa hàng Điện máy Xanh ở TP. Thủ Đức. Trong thời gian tới, Công ty mở thêm 10 cửa hàng tại các quận khác và tại Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu… Nếu tình hình tiếp tục khả quan, Thế giới Di động sẽ làm việc thêm với các nhà cung cấp cho phân khúc phổ thông như Thống Nhất, Martin 107, ASAMA. Công ty cũng không loại trừ việc kinh doanh thêm các dòng xe đạp điện, giá  khoảng 10-20 triệu đồng.

Thử nghiệm giúp tên tuổi này tìm thêm đáp án cho bài toán tiếp tục tăng doanh số cho chuỗi điện thoại và điện máy, tương tự cách làm với ngành hàng đồng hồ trước đây. Với mô hình này, Công ty không tốn quá nhiều chi phí để xây dựng, kinh doanh xe đạp vì có nhiều kinh nghiệm bán lẻ các mặt hàng mới. Không gian bán xe đạp được thiết kế trong khoảng 120-150 m2 trước cửa hàng Điện máy Xanh, chia làm nhiều khu vực trưng bày khoảng 100 mẫu xe thể thao, xe địa hình, xe đường phố...

Ngoài các mô hình trên, thì mô hình bán lẻ đa kênh cũng đang trở thành lựa chọn hàng đầu của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch. Để tương tác với khách hàng tiềm năng mọi lúc, mọi nơi, trên mọi nền tảng, doanh nghiệp tích hợp đồng bộ các kênh “cửa hàng bán lẻ - trang web e-commerce - trung tâm chăm sóc khách hàng - mạng xã hội” vào một hệ thống quản trị chung.

Tin liên quan
Tin khác