Không chỉ Công ty cổ phần Hoàng Sơn, các nhà đầu tư của 17 dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1 khác cũng đang rốt ráo chuẩn bị để có thể triển khai thi công đại trà trong thời gian sớm nhất.
| ||
Quốc lộ 1 đã mãn tải không thể đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế. (Ảnh: Anh Minh) |
“Trong khi chờ giấy chứng nhận đầu tư, chúng tôi đang đẩy nhanh công tác đền bù giải phóng mặt bằng để triển khai đồng loạt nhiều mũi thi công”, ông Lê Ngọc Hoa, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (nhà đầu tư Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Nghi Sơn – Cầu Giát) cho biết.
Trước đó, vào cuối tuần qua, Bộ GTVT đã khởi công xây dựng 2 dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1 đoạn từ Thanh Hóa – Hà Tĩnh và như vậy, tính đến thời điểm này, chỉ còn duy nhất 1/17 phân đoạn mở rộng Quốc lộ 1 chưa được Bộ GTVT khởi công.
Cụ thể, Dự án đầu tư xây dựng Quốc lộ 1 đoạn Km672 + 600 – Km704 + 900 do Tập đoàn Trường Thịnh là nhà đầu tư. Để hoàn vốn cho Dự án có tổng mức đầu tư 982 tỷ đồng, nhà đầu tư thu phí tại trạm Quán Hàu trong 22 năm.
Còn Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn(Km741 +170 – Km 756 + 705) do Trường Thịnh và Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn là nhà đầu tư có chiều dài 15,5 km, tổng mức đầu tư 1.067 tỷ đồng. Liên danh nhà đầu tư được phép thu phí hoàn vốn trong vòng 22 năm và 2 tháng. Cả hai dự án trên đều được yêu cầu hoàn thành trước tháng 12/2015.
Đối với việc xây dựng 33 km qua Quảng Bình, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu nhà đầu tư này phải rút ngắn tiến độ xuống còn 24 tháng thay vì 30 tháng theo hợp đồng, do việc thi công trên tuyến đường này có nhiều thuận lợi.
“Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Phụng Hiệp – Cần Thơ, phân đoạn cuối cùng trên Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa – Cần Thơ được đầu tư theo hình thức BOT sẽ được chúng tôi khởi công vào cuối tháng 6/2013”, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết.
Liên quan tới 17 phân đoạn mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa – Cần Thơ dự kiến sử dụng vốn trái phiếu chính phủ, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý ứng vốn ngân sách để phục vụ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) cho việc xây dựng hai tuyến đường huyết mạch phải hoàn thành vào năm 2016 là Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14.
“Trong quý III/2013, Bộ GTVT sẽ hoàn tất các thủ tục để khởi công 17 dự án mở rộng Quốc lộ 1 sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ”, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết.
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) – nhà tài trợ vốn chính cho việc mở rộng Quốc lộ 1 cho biết, hiện các nhà đầu tư các dự án BOT đang gặp vướng mắc trong việc xin giấy chứng nhận đầu tư và hoàn thành các báo cáo tác động môi trường. Những chậm trễ đó sẽ ảnh hưởng lớn tới tiến độ triển khai.
Theo nguồn tin của Báo Đầu tư điện tử, hiện chưa có nhà đầu tư nào được cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong khi, dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1 đầu tiên đã ký hợp đồng nguyên tắc từ đầu tháng 3/2013.
Cần phải nói thêm rằng, giấy chứng nhận đầu tư là cơ sở để nhà đầu tư tiến hành ký hợp đồng chính thức với cơ quan có thầm quyền cũng như hợp đồng vay vốn với nhà tài trợ. Trước những vướng mắc trên, ông Lê Ngọc Hoa đã đưa ra đề xuất: “Nên có một sự đột phá trong thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư”.
Được biết, cùng với hai vướng mắc trên, thì GPMB cũng đang là một trong những nguy cơ đe dọa tiến độ thực hiện các dự án BOT.
“Nếu chính quyền các địa phương có tuyến đường đi qua không quyết liệt triển khai công tác giải phóng mặt bằng, sẽ rất khó để các nhà đầu tư hoàn thành việc mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1 vào cuối năm 2015”, Thứ trưởng Thọ lo ngại.
Anh Minh