Thị phần mảng chuyển vùng quốc tế lâu nay vốn do Viettel, VNPT nắm phần lớn. Nhưng giờ đây, đối thủ mới đã xuất hiện. MobiFone với nhiều “chiêu lạ” đang khiến thị trường này “dậy sóng”, hứa hẹn một cuộc chiến mới mang tên chuyển vùng quốc tế…
“Mở trạm” sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Campuchia
Từ tháng 10/2016 đến hết năm 2016, MobiFone khởi động chiến dịch có tên gọi “Vi vu thu vàng cùng MobiFone” với thị trường chuyển vùng quốc tế trọng điểm là Hàn Quốc, Nhật Bản. Tại 2 quốc gia này, MobiFone nhắm tới hơn 500.000 khách du lịch/năm và hàng trăm ngàn doanh nhân, kiều bào Việt Nam sinh sống và làm ăn tại 2 quốc gia này.
MobiFone đang thâm nhập mảng dịch vụ chuyển vùng quốc tế với những khuyến mãi lớn cho khách hàng |
Chương trình khuyến mại sẽ giảm trực tiếp 50% giá cước dịch vụ chuyển vùng quốc tế data so với giá cước chuyển vùng quốc tế thông thường. Theo đó, trong suốt thời gian 3 tháng khuyến mãi, khi thuê bao sử dụng chuyển vùng quốc tế của MobiFone ở Nhật Bản, thay vì phải trả phí 3.990 đồng cho 10KB Data dung lượng như giá cước thông thường, khách hàng chỉ phải trả 1.995 đồng. Đối với thuê bao sử dụng dịch vụ chuyển vùng quốc tế của MobiFone ở Hàn Quốc thì cước data chỉ còn 1.495 đồng/10KB thay vì phải trả 2.990 đồng/10KB cho cước phí dịch vụ thông thường.
Trước đó, từ đầu tháng 9/2016, MobiFone cũng đã tung ra gói cước “Roam Like Home” (RLH), giúp các thuê bao tại Lào và Campuchia có thể thoải mái gọi điện, nhắn tin và sử dụng chuyển vùng quốc tế data với giá cước rẻ nhất trong số các nhà mạng hiện nay. Theo đó, chỉ với 50.000 đồng tại Lào và 150.000 đồng tại Campuchia để đăng ký gói cước, khách hàng nhận được ngay 250 MB data miễn phí. Mức giá này thậm chí còn thấp hơn so với một số gói data trong nước mà các nhà mạng tại Việt Nam đang cung cấp. Những động thái trên cho thấy, MobiFone đang ngày càng đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng các nhu cầu sử dụng ngày một tăng cao của khách hàng.
Chiêu “minh bạch giá cước”, MobiFone có thắng?
Trên thực tế, mảng chuyển vùng quốc tế của MobiFone từ khi tách khỏi Tập đoàn VNPT đã “âm thầm” có những bước xâm nhập khá mạnh mẽ. Không chỉ mở rộng thị trường, mà các dịch vụ, giá cước của nhà mạng này được giới doanh nhân đánh giá là “mềm và hay hơn” các đối thủ khác.
Bà Lê Tuyết Minh, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu May mặc Minh Hằng cho biết, cùng với việc mở rộng thêm nhiều thị trường mới là những chuyến đi nước ngoài ngày một nhiều và chi phí dành cho chuyển vùng quốc tế của doanh nghiệp cũng tăng mạnh. Giữa khá nhiều nhà cung cấp, bà Minh đã chọn gói chuyển vùng quốc tế của MobiFone với 2 gói cước RoamSaver (dịch vụ thoại và SMS) và DataRoam Saver (dịch vụ data).
“Đối với các doanh nhân, việc kiểm soát được lưu lượng sử dụng dịch vụ là điều quan tâm hàng đầu, bởi gần như ai cũng gọi nhiều và cần biết mình đang dùng hết bao nhiêu tiền. Dùng dịch vụ này, gần hết lưu lượng gói cước, tôi luôn được nhà mạng nhắn tin cảnh báo. Bên cạnh đó, các thông tin khác về gói cước, gói dịch vụ tôi có thể tra cứu qua tiện ích tin nhắn 994 của MobiFone trước khi lựa chọn gói cước, gói dịch vụ cho phù hợp”, bà Minh cho biết.
Một doanh nhân khác là ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TTA, liên tục phải đi công tác nước ngoài, cũng thường xuyên sử dụng tiện ích tin nhắn 994 này để tra cứu thông tin gói cước chuyển vùng quốc tế mà mình đang sử dụng của MobiFone.
“Từ tiện ích tin nhắn tra cứu thông tin 994 mà những người như chúng tôi có thể tìm hiểu thông tin cước thoại, SMS, data ở từng quốc gia mà trước khi tôi đến. Từ thời gian sử dụng, lưu lượng sử dụng, giá gói cước… đều có thể biết qua tiện ích này. Quả thực tiện ích này là “chiếc ví biết tuốt” của người tiêu dùng thông thái” , ông Tuấn Anh chia sẻ.
Có thể thấy rằng, việc đánh trúng tâm lý người dùng chuyển vùng quốc tế với việc chủ động kiểm soát lưu lượng, dịch vụ của MobiFone sẽ là “đối thủ đáng gờm” của các nhà cung cấp khác trên thị trường.
Với nhu cầu của người Việt Nam ra nước ngoài để công tác, du lịch ngày càng tăng hiện nay, việc sử dụng chuyển vùng quốc tế đang cần thiết hơn bao giờ hết. Đó cũng là mảnh đất màu mỡ cho các nhà mạng thi thố, tăng doanh thu. Vì thế, những nhà mạng nào có sự thay đổi về cách cung cấp dịch vụ, minh bạch về giá cước và lưu lượng sử dụng, rất có thể sẽ vươn lên trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này.