Viễn thông - Công nghệ
Một nửa số người dùng chưa hài lòng về chất lượng dịch vụ 4G
Khôi Nguyên - 28/07/2017 07:36
Theo khảo sát mới nhất của IDG về mức độ hài lòng của người dùng với dịch vụ 4G thì chỉ có một nửa số này thỏa mãn về chất lượng dịch vụ 4G.
Cả nước đã có 43.000 trạm 4G LTE.

Tại hội thảo quốc tế về công nghệ 4G được tổ chức ở Hà Nội vào ngày 27/7/2017, ông Lê Thanh Tâm, Tổng giám đốc IDG Việt Nam và ASEAN đã công bố bản báo cáo khảo sát về mức độ hài lòng của người tiêu dùng đối với dịch vụ 4G LTE tại Việt Nam do IDG nghiên cứu mới đây.

Nghiên cứu được thực hiện trong vòng 3 tháng từ tháng 1/4/2017 đến 1/7/2017 trên 13.828 người dùng dịch vụ 4G trong số 40.000 mẫu khảo sát được phát ra, tại 8 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, TP.HCM, Đồng Nai, Vũng Tàu, Cần Thơ, Đà Nẵng. Trong số những người dùng dịch vụ 4G tham gia khảo sát có 29% sinh viên, 7% là giáo viên, 25% người lao động trực tiếp, 4% người nội trợ, 1% bác sỹ, 4% kế toán, 8% là kỹ sư, 20% là hộ kinh doanh cá thể...

Kết quả nghiên cứu cho thấy, độ tuổi từ 21-30 đang dùng 4G nhiều nhất chiếm tới 38%, kế đó là độ tuổi từ 31-40 tuổi là 26%, độ tuổi trên 60 có số lượng người sử dụng thấp nhất là 3%.

Phân chia theo thu nhập thì trong số những người dùng 4G thì 51% người dùng có thu nhập từ 5-10 triệu, 27% có mức thu nhập dưới 3 triệu, mức thu nhập trên 20 triệu có 1%, từ 10-20 triệu đồng là 7%, thu nhập từ 3-5 triệu đồng là 14%.

Người dùng 4G hiện chủ yếu sống ở Hà Nội và TP.HCM chiếm tới 88%, trong đó chủ yếu là sinh viên, người lao động trực tiếp (người lái xe taxi, Uber, Grab, người giao hàng) và hộ kinh doanh cá thể, 51% người dùng 4G có thu nhập từ 5-10 triệu đồng/tháng, 38% có độ tuổi từ 21-30 tuổi.

Nhà mạng Viettel có số lượng người dùng 4G đông nhất là 52%, MobiFone là 27%, VinaPhone là 21%. So sánh giá cả dịch vụ 4G của các nhà mạng thì VinaPhone có mức cước 79.000 đồng, Còn Viettel và MobiFone cùng có mức cước 70.000 đồng/tháng,

Khảo sát về nhu cầu sử dụng 4G thì sinh viên là nhóm có nhu cầu sử dụng 4G cao nhất với 52%, nhóm thứ hai là các tiểu thương và người lao động trực tiếp như Uber, Taxi người giao hàng chiếm 46%, nhóm lao động trực tiếp chiếm 35%, còn các nhóm khác nhu cầu cần thiết sử dụng 4G ở mức độ trung bình, không cao lắm.

Khảo sát về mức độ hài lòng của người dùng với dịch vụ 4G được chia theo 3 nhóm, trong đó chia theo thu nhập thì nhóm có thu nhập từ 3-5 triệu có mức độ hài lòng cao nhất là 55%, còn phân chia theo nghề nghiệp thì nhóm lao động trực tiếp có mức độ hài lòng cao nhất là 51,9%, theo khu vực thì Hà Nội có tỷ lệ hài lòng cao nhất là 50,2%.

Khảo sát về hành vi và trải nghiệm người dùng dịch vụ 4G thì hành vi sử dụng dịch vụ giải trí thường xuyên như vào mạng xã hội, xem tivi, xem phim, nghe nhạc, chơi game chiếm số lượng cao nhất là 31-44% người dùng thường xuyên dùng 4G để sử dụng các dịch vụ này, trong đó giải trí trên mạng xã hội có tỷ lệ cao nhất. Và phần lớn người dùng mạng xã hội hài lòng về chất lượng dịch vụ 4G.

Đối với hành vi sử dụng dịch vụ 4G trong các dịch vụ: Thanh toán, thương mại điện tử, quảng cáo mobile, truyền thông qua video thì số lượng người được hỏi cho biết chỉ thỉnh thoảng mới sử dụng chiếm tỷ lệ cao nhất, rất ít người cho biết họ thường xuyên sử dụng 4G cho các giao dịch thanh toán, thương mại. Người dùng 4G thường xuyên dùng các dịch vụ như đọc sách, xem video, nghe nhạc, phát Wi-Fi cũng chiếm tỷ lệ khá cao.

Cũng theo khảo sát của IDG, số lượng người dùng 4G hiện nay chủ yếu là cho lĩnh vực giải trí tới 68%, trong đó mạng xã hội là được sử dụng nhiều nhất, số lượng người dùng 4G cho công việc chiếm tỷ trọng rất thấp chỉ dưới 30%, chứng tỏ 4G chưa đi vào thực tế cuộc sống, chưa giúp ích nhiều cho công việc và đáp ứng môi trường làm việc cạnh tranh.

Khảo sát về mức độ hài lòng của người sử dụng đối với chất lượng dịch vụ 4G (tốc độ đường truyền và cường độ sóng...), chỉ có 56% người lao động trực tiếp hài lòng về chất lượng dịch vụ, còn 7% tỏ ý không hài lòng, số còn lại cho rằng chất lượng dịch vụ chỉ ở mức độ trung bình. 58% người dùng 4G cho các dịch vụ giải trí trên di động hài lòng với tốc độ 4G, còn 33% nói không có ý kiến, 9% cho rằng họ không hài lòng với tốc độ 4G.

Về giá cả dịch vụ có 17% người tham gia khảo sát không hài lòng với giá dịch vụ, 81% không hài lòng về chương trình khuyến mãi maketing và tư vấn của nhà mạng.

Chỉ có 29% người tham gia khảo sát trả lời 4G thực sự giúp cho họ trong kinh doanh thương mại làm ăn như thanh toán, quảng cáo, truyền thông, có tới 56% người dùng cho biết họ dùng 4G cho quảng cáo.

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Chính sách và Hợp tác quốc tế, Cục Viễn thông cho biết, tính đến nay 3 nhà mạng Việt Nam đã triển khai tổng cộng khoảng 43.000 trạm 4G LTE trên toàn quốc phủ sóng khoảng 95% dân số. Cả nước có khoảng 60 triệu thuê bao băng rộng, trong đó có khoảng 48 triệu thuê bao băng rộng di động. Sau khi 3 nhà mạng chính thức cung cấp dịch vụ 4G thì có 6,3 triệu thuê bao băng rộng di động đã đổi sang SIM 4G, nhưng chỉ có 3,5 triệu thuê bao đang sử dụng dịch vụ 4G. Tốc độ phát triển dịch vụ 4G như vậy là còn chậm, chưa nhanh so với một số nước trong khu vực và trên thế giới.

Tin liên quan
Tin khác