Doanh nghiệp
Một số dự án thua lỗ ngành công thương có tiến triển
Phong Lan - 29/09/2022 14:51
Một số dự án trong nhóm dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương đã có chuyển biến trong sản xuất, kinh doanh.

Thông tin từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương, cho biết, đến nay, một số dự án, doanh nghiệp đã có chuyển biến trong sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể: trong 5 dự án, doanh nghiệp được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương giao Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sử dụng nguồn vốn hợp pháp của doanh nghiệp để chủ động, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và triển khai phương án xử lý, có 1 dự án (Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 - Hải Phòng của Công ty cổ phần DAP - Vinachem) từ năm 2017 đến nay sản xuất ổn định, hàng năm có lãi và đã hết lỗ lũy kế từ tháng 1/2022; 1 dự án (Dự án sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ - PVN) có nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh thu bù đắp được chi phí biến đổi và có lợi nhuận trước định phí,…

Trong 7 dự án, doanh nghiệp còn lại có 3 dự án, doanh nghiệp sản xuất phân bón đã duy trì được sản xuất, kinh doanh; nỗ lực làm chủ công nghệ, từng bước nâng công suất chạy máy bình quân so với công suất thiết kế. Mặc dù, đến ngày 30/6/2022, còn lỗ lũy kế 13.394 tỷ đồng nhưng từ năm 2021 đến nay, kết quả sản xuất, kinh doanh của 3 dự án, doanh nghiệp đã cải thiện hơn (năm 2021 giảm lỗ; 6 tháng đầu năm 2022 đã có lãi và trả được một phần nợ cho ngân hàng).

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh kiểm tra tiến độ dự án thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Đặc biệt, Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (dự án TISCO2) - một trong những dự án được coi là khó xử lý nhất trong 12 dự án đến nay đã có nhiều bước tiến mới.

Với nhận thức việc giải quyết dứt điểm các tranh chấp/vướng mắc tại Hợp đồng EPC là cơ sở quan trọng để có thể xây dựng phương án khôi phục nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Ủy ban đã quyết liệt chỉ đạo Tổng công ty Thép Việt Nam, TISCO và trực tiếp tham gia đàm phán với Công ty Hữu hạn Tập đoàn Khoa học công nghiệp Luyện kim Trung Quốc (MCC) để thảo luận các phương án.

Hiện Ủy ban đang chỉ đạo các doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục nội bộ của phía Việt Nam, đồng thời Ủy ban đã làm việc trực tiếp với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam và có công hàm đề nghị Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam báo cáo cấp có thẩm quyền phía Trung Quốc, hỗ trợ điều phối với các cơ quan chức năng của Trung Quốc trong việc tạo điều kiện cho MCC tổ chức đoàn sang Việt Nam.

Việc một số dự án, doanh nghiệp đi vào hoạt động ổn định hơn trước, kinh doanh có lãi, giảm lỗ lũy kế và một số dự án, doanh nghiệp vận hành trở lại sau thời gian dừng sản xuất đã đóng góp cho ngân sách nhà nước, giảm dư nợ trung hạn và dài hạn của các dự án/doanh nghiệp, bảo đảm duy trì việc làm, đời sống cho hàng nghìn lao động, góp phần ổn định chính trị - xã hội tại địa phương.

6 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất của 17/19 tập đoàn, tổng công ty đạt hơn 892 nghìn tỷ đồng, bằng 90% kế hoạch năm và bằng 127% so cùng kỳ.

Tổng doanh thu 19/19 Công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty đạt hơn 543 nghìn tỷ đồng, bằng 58% kế hoạch năm và bằng 128% so cùng kỳ.

Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất của 17/19 tập đoàn, tổng công ty đạt hơn 1.766 tỷ đồng, bằng 5% kế hoạch năm và bằng 4% so cùng kỳ; tổng nộp ngân sách nhà nước hợp nhất của 16/19 tập đoàn, tổng công ty đạt hơn 125,8 nghìn tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch năm và bằng 121% so cùng kỳ.

Tổng nộp ngân sách nhà nước 19/19 Công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty đạt hơn 31,8 nghìn tỷ đồng, bằng 82% kế hoạch năm và bằng 108% so cùng kỳ.

Nhiều dự án đầu tư được Ủy ban tích cực phối hợp các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, triển khai thực hiện. Trong đó có 10 dự án lớn, quan trọng, đã chậm tiến độ từ nhiều năm trước, với tổng mức đầu tư lên tới 259 nghìn tỷ đồng. Đó là dự án Thăm dò khai thác dầu khí 4 lô tại Khu tự trị Nhenhexky - Liên bang Nga (khoảng 89.000 tỷ đồng); dự án Nhà máy điện Ô Môn IV (tổng mức đầu tư 29.944 tỷ đồng); dự án thành phần 3 Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (tổng mức đầu tư 10.990 tỷ đồng); dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (tổng mức đầu tư 41.799 tỷ đồng)…

Tin liên quan
Tin khác