Cụ thể, chiều ngày 31/1/2024, Eximbank công bố thông tin bất thường gửi Ủy Ban chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết, bà Lê Thị Mai Loan từ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng nhiệm kỳ VII (2020 - 2025) vì lý do cá nhân. Việc từ nhiệm của bà Lê Thị Mai Loan sẽ được ĐHĐCĐ của Eximbank thông qua và sẽ bầu bổ sung.
Như vậy sau khi bà Lê Thị Mai Loan từ nhiệm, hiện Hội đồng quản trị Eximbank còn 6 thành viên gồm: bà Đỗ Hà Phương - Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Phạm Quang Dũng, bà Lương Thị Cẩm Tú, ông Trần Tấn Lộc, ông Nguyễn Cảnh Anh và ông Trần Anh Thắng - thành viên hội đồng quản trị độc lập.
Bà Lê Thị Mai Loan hiện đương nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc Eximbank |
Trước đó, tại Đại hội cổ đông bất thường của Eximbank diễn ra ngày 14/2/2023, được sự tín dụng của Đại hội cổ đông Eximbank bà Loan được bầu vào HĐQT nhiệm VII (20220-2025). Bà Lê Thị Mai Loan chính thức trở thành thành viên HĐQT với tỷ lệ bầu cử thông qua tương ứng là 125,16%.
Cũng tại kỳ đại hội trên, ngoài bà Loan còn có ông Phạm Quang Dũng cũng đắc cử vị trí Thành viên Hội đồng quản trị Eximbank, với tỷ lệ bầu cử thông qua đạt 103,63% và ông Trần Anh Thắng, cũng được cổ đông tín nhiệm bầu làm Thành viên Hội Đồng Quản trị độc lập, tỷ lệ bầu cử thông qua tương ứng 71,04%.
Sau khi bầu bà Lê Thị Mai Loan vào thành viên HĐQT, Eximbank bổ nhiệm bà Loan, thành viên HĐQT Eximbank vào chức vụ phó tổng giám đốc từ ngày 27/2/2023. Nhưng chỉ sau 2 tháng bà Loan nộp đơn xin từ nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc Eximbank kể từ ngày 17/4/2023, sau khi Đại hội cổ đông thường niên 2023 kết thúc.
Tuy nhiên, sau đó Hội đồng quản trị Eximbank bầu lại bà Lê Thị Mai Loan, thành viên HĐQT vào vị trí Phó tổng giám đốc Eximbank kể từ ngày 25/5/2023. Như vậy bà Loan đã quay trở lại vị trí này chỉ sau hơn 1 tháng từ nhiệm.
Eximbank công bố thông tin Bà Lê Thị Mai Loan từ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ VII (2020-2025) |
Bà Lê Thị Mai Loan, sinh năm 1982, Cử nhân Kinh tế, Đại học Kinh tế TP.HCM và Thạc sỹ Quản trị kinh doanh quốc tế, Đại học Quản trị Paris. Bà hiện là thành viên HĐQT CTCP chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) và Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thương mại dịch vụ Gia Khang - công ty có nhiều quan hệ với Bamboo Capital, một tập đoàn giàu tham vọng trong lĩnh vực bất động sản, năng lượng tái tạo.
Trong quá trình nhận nhiệm vụ tại Eximbank, bà Lê Thị Mai Loan đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngân hàng. Qua chia sẻ với phóng viên, bà Loan mong muốn tập trung thời gian, đóng góp và cống hiến nhiều hơn nữa trong công tác điều hành ngân hàng, hướng đến mục tiêu chung cùng ban lãnh đạo đưa Eximbank trở lại vị thế vốn có của mình trên thị trường tài chính.
Việc từ nhiệm của bà Lê Thị Mai Loan sẽ được Đại hội đồng cổ đông của Eximbank thông qua theo quy định của pháp luật.
Trước bà Mai Loan, vào 25/1/2024, Eximbank cũng có công bố thông tin về việc thay đổi nhân sự. Theo đó, HĐQT Eximbank bổ nhiệm ông Trần Tấn Lộc - Thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII, giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT. Ông Lộc trước đó là Tổng Giám đốc của Eximbank.
Eximbank cũng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất, với lãi trước thuế năm 2023 đạt 2.720 tỷ đồng, giảm 27% so với năm trước, do nguồn thu chính sụt giảm, trong khi dự phòng rủi ro tăng mạnh. Theo đó, Eximbank (EIB) hoàn thành gần 55% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2023.
Caption ảnh |
Trong quý IV/2023 thu nhập lãi thuần của Eximbank đạt hơn 1.397 tỷ đồng, giảm khoảng 3% so với quý cùng kỳ năm trước. Thu từ dịch vụ giảm hơn 31%, chỉ ghi nhận hơn 128 tỷ đồng trong quý này. Đáng chú ý, lãi từ kinh doanh ngoại hối trong quý IV/2023 của Eximbank giảm mạnh, chỉ đạt hơn 24 tỷ đồng, trong khi quý cùng kỳ năm 2022 đạt gần 255 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2023, nguồn thu từ lãi thuần của Eximbank giảm 18% so với năm trước khi chỉ thu được hơn 4.597 tỷ đồng. Lãi từ kinh dịch vụ đi ngang khi ghi nhận hơn 514 tỷ đồng; lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm 20%. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư là điểm sáng khi thu được 121 tỷ đồng, tăng gần 40% so với năm trước. Đồng thời, nguồn thu khác cũng tăng đột biến đến 73%, ghi nhận hơn 835 tỷ đồng.
Trong năm qua, chi phí hoạt động của Eximbank giảm 10% so với năm trước, chỉ còn 3.140 tỷ đồng, song lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh vẫn giảm 10%, chỉ còn 3.414 tỷ đồng. Năm 2023, Eximbank trích hơn 694 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, gấp gần 7 lần năm trước. Kết quả, lợi nhuận trước thuế chỉ còn gần 2.720 tỷ đồng, giảm 27% so với năm 2022.
Eximbank lý giải, do ảnh hưởng bởi các yếu tố như: chủ động giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng theo đúng chủ trương của NHNN nhằm kích cầu trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn và để giữ khách hàng trước tình hình các ngân hàng lôi kéo khách hàng vay vốn. Tác động của lãi suất huy động vốn cao trên thị trường vào các tháng cuối năm 2022 và quý 1/2023 đã làm cho chi phí trả lãi tiền gửi năm 2023 tăng đáng kể. Đồng thời, nợ xấu tăng do khách hàng gặp khó khăn, làm chi phí trích lập dự phòng tăng theo đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của Eximbank.
Eximbank đưa ra kế hoạch kinh doanh cho 2024 sẽ trình Đại hội cổ đông trong cuộc họp thường niên tới đây |
Ngân hàng này cho biết, đã luôn đồng hành chia sẻ khó khăn cùng với khách hàng, trong năm 2023 Eximbank đã nhiều lần giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng vay vốn, thực hiện cơ cấu nợ cho khách hàng theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, thực hiện giảm lãi, phí để hỗ trợ khách hàng có nợ quá hạn thu xếp trả được nợ.
Đến cuối năm 2023 tổng tài sản Eximbank tăng 8,8%; huy động vốn tăng 6,5%; dư nợ tín dụng tăng 7,6%; các hoạt động dịch vụ như: kinh doanh ngoại hối, thẻ, kiều hối đều có sự tăng trưởng so với năm 2022; các chỉ số thanh khoản, an toàn trong hoạt động luôn được kiểm soát tốt và tuân thủ theo quy định của NHNN.
Về kế hoạch trong năm 2024, Eximbank tiếp tục đưa ra mục tiêu tương đối tham vọng, trong đó lợi nhuận trước thuế là 5.180 tỷ đồng, cao hơn 90,5% so với kết quả thực hiện năm trước. Tổng tài sản được kỳ vọng tăng thêm 11%, lên mức 223.500 tỷ đồng, huy động vốn tiến thêm 10,5%, lên 175.000 tỷ đồng. Đồng thời, Eximbank đặt mục tiêu dư nợ tín dụng tăng 14,6%, lên 161.000 tỷ đồng, trong khi tỷ lệ nợ xấu được giảm về ngang với năm 2022, ở mức 1,8%.