Ngày 25/9, PG Bank vừa phát hành trái phiếu mã PGBL2325001, mệnh giá 500 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm, kỳ trả lãi 12 tháng một lần, lãi suất cố định 7,5%/năm và trái phiếu đáo hạn ngày 25/9/2025.
Trong đó, số tiền huy động, PG Bank sẽ dùng cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp vay. Ngoài ra, đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm, không phải nợ thứ cấp của tổ chức phát hành.
Điểm đáng lưu ý, đối tượng mua 500 tỷ đồng trái phiếu của PG Bank là một tổ chức tín dụng và đơn vị tư vấn phát hành lô trái phiếu là Công ty cổ phần Chứng khoán DSC, đơn vị thành viên của Tập đoàn Thành Công (TC Group).
Trước đó, ngày 11/9, PG Bank đã mua lại toàn bộ 500 trái phiếu đang lưu hành của mã PGBL2124001, tương ứng tổng khối lượng 500 tỷ đồng. Lô trái phiếu có thời hạn 3 năm và đáo hạn ngày 10/9/2024.
Trong đó, trái phiếu mã PGBL2124001 là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm và không phải nợ thứ cấp của tổ chức phát hành. Lãi suất phát hành thực tế là 4,3%/năm.
PG Bank tiếp tục nhận được đơn xin từ nhiệm của 3 lãnh đạo cấp cao
Một diễn biến đáng lưu ý khác, PG Bank công bố thư mời Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023, Đại hội dự kiến tổ chức ngày 23/10 tại tỉnh Ninh Bình.
Trong đó, Công ty dự kiến trình cổ đông kiện toàn nhân sự thuộc Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát; kế hoạch tăng vốn điều lệ; thay đổi tên thương mại và địa điểm đặt trụ sở chính; phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng.
Được biết, PG Bank trình cổ đông giảm số lượng thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2020 - 2025 từ 9 thành viên, xuống còn tối đa 7 thành viên (tối thiểu 1 thành viên Hội đồng quản trị độc lập). Trong đó, số lượng thành viên dự kiến bầu trong Đại hội bất thường tối đa là 6 thành viên vào nhiệm kỳ.
Đồng thời giảm số lượng Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020 - 2025 từ 4 thành viên, xuống 3 thành viên. Trong đó, số lượng thành viên dự kiến bầu trong Đại hội bất thường là 2 thành viên.
Mặc dù vậy, PG Bank vẫn chưa công bố danh tính ứng cử viên mới.
Ngoài ra, ngày 25/8, PG Bank cho biết đã nhận được đơn xin từ nhiệm của hàng loạt lãnh đạo cấp cao của Công ty.
Trong đó, ông Nilesh Ratilal Banglorewala (sinh năm 1965) đã nộp đơn xin từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ 2020 - 2025 với lý do cá nhân. Được biết, ông Nilesh Ratilal Banglorewala đã giữ vị trí thành viên HĐQT từ ngày 30/3/2021 đến nay.
Ông Oliver Schwarzhaupt (sinh năm 1967) cũng nộp đơn xin từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020 - 2025 với lý do cá nhân. Được biết, ông Oliver Schwarzhaupt mới được bổ nhiệm vào vị trí thành viên HĐQT từ ngày 26/4/2022 đến nay.
Và cuối cùng, bà Dương Ánh Tuyết cũng nộp đơn xin từ nhiệm vị trí Trưởng Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2020 - 2025 với lý do cá nhân.
Hậu Petrolimex thoái vốn, người nhà lãnh đạo đồng loạt thoái toàn bộ 2,51% vốn tại PG Bank
Về biến động cơ cấu cổ đông, bà Đinh Thị Bé, chị ruột ông Đinh Thành Nghiệp, Phó tổng giám đốc kiêm Ủy viên HĐQT vừa bán ra toàn bộ 4.125.000 cổ phiếu PGB để giảm sở hữu từ 1,38% về 0% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 11/7.
Thêm nữa, cũng trong ngày 11/7, ông Đinh Văn Lâm, em ruột ông Đinh Thành Nghiệp đã thoái toàn bộ 3.395.400 cổ phiếu PGB để giảm sở hữu từ 1,13% về còn 0% vốn điều lệ.
Như vậy, chỉ trong ngày 11/7, hai người thân của ông Đinh Thành Nghiệp đã bán ra 7.520.400 cổ phiếu PGB, tương ứng 2,51% vốn điều lệ tại PG Bank.
Được biết, ngày 7/4, Petrolimex (mã PLX – sàn HoSE) vừa thực hiện đấu giá thành công 120 triệu cổ phiếu PGB, tương ứng 40% vốn điều lệ với giá trung bình là 21.400 đồng/cổ phiếu cho 4 nhà đầu tư (3 tổ chức và 1 cá nhân).
Ở chiều ngược lại, ngày 13/4, Công ty cổ phần Quốc tế Cường Phát thông báo đã mua 40.623.954 cổ phiếu PGB để nâng sở hữu từ 0% lên 13,54% vốn điều lệ; ngày 13/4, Công ty cổ phần Thương mại Vũ Anh Đức mua vào 40.079.228 cổ phiếu PGB để nâng sở hữu từ 0% lên 13,36% vốn điều lệ; và ngày 14/4, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển Thương mại Gia Linh mua vào 39.296.018 cổ phiếu PGB để nâng sở hữu từ 0% lên 13,1% vốn điều lệ.
Như vậy, ba tổ chức gồm Công ty cổ phần Quốc tế Cường Phát, Công ty cổ phần Thương mại Vũ Anh Đức và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển Thương mại Gia Linh đã mua vào 40% vốn điều lệ tại PG Bank, tương đương với lượng cổ phiếu mà Petrolimex đã thoái.
Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Quốc tế Cường Phát được thành lập ngày 9/2/2015; địa chỉ tại thôn Kính Nỗ, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội; người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Mạnh; và hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hóa bằng đường bộ.
Công ty cổ phần Thương mại Vũ Anh Đức được thành lập ngày 9/6/2010; địa chỉ tại Khu dân cư Lĩnh Đông, phường Phạm Thái, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương; người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Đạt (sinh năm 1985); và hoạt động trong lĩnh vực khai thác đất đồi.
Và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển Thương mại Gia Linh được thành lập ngày 8/10/2010; địa chỉ tại số 103, ngõ 79, đường Cầu Giấy, tổ 7, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội; người đại diện pháp luật là bà Phạm Thị Phương; và hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ liên quan đến in.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/9, cổ phiếu PGB tăng 200 đồng lên 28.000 đồng/cổ phiếu.