Lãnh đạo MSB cho rằng, lên sàn thời điểm này không có lợi cho cổ đông |
Tín dụng tăng 20%, lợi nhuận tăng 12%, sắp bán FCCOM
Theo tài liệu trình ĐHCĐ được công bố, năm 2020, MSB đặt kế hoạch tín dụng tăng 20%, huy động vốn tăng 10%, tổng tài sản tăng 8%. Tổng thu thuần mảng Ngân hàng bán lẻ (RB) tăng 40%, mảng ngân hàng doanh nghiệp (EB) tăng 44% và mảng Ngân hàng Định chế tài chính tăng 34%, tương ứng tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2019-2023 đạt trên 30%. Tổng thu nhập ngoài lãi của hai ngân hàng chuyên doanh RB và EB chiếm trên 30% tổng thu thuần.
Về lợi nhuận, năm nay ngân hàng đưa ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.439 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2019. Riêng quý I/2020, lợi nhuận trước thuế của MSB đạt 290 tỷ đồng, tăng gần 297% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kế hoạch lợi nhuận trên đã tính đến khoản lợi nhuận thu về từ việc bán cổ phần công ty con là Công ty Tài chính TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM). MSB dự định sẽ sử dụng khoản lợi nhuận này làm nguồn vốn trả nợ một phần danh mục trái phiếu VAMC.
MSB cho biết, cuối năm 2019, ngân hàng đã có các thương thảo nhằm thực hiện chuyển nhượng một phần vốn điều lệ của FCCOM cho Công ty TNHH Hyundai Card và chuyển đổi hình thức pháp lý của FCCOM. Ngày 29/11/2019 FCCOM đã chính thức nộp hồ sơ trình Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc chuyển nhượng cổ phần theo quy định.
“Hiện các đơn vị nghiệp vụ thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang thực hiện các thủ tục cần thiết để xem xét và thẩm định theo quy định pháp luật”, MSB cho biết.
Tính đến hết ngày 31/12/2019, vốn điều lệ của FCCOM là 500 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 605 tỷ đồng, tổng tài sản ở mức gần 620 tỷ đồng. Dư nợ cho vay đạt gần 321 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 3,15%. Lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt 6,4 tỷ đồng.
Cổ phiếu ngân hàng giảm sâu, MSB tạm hoãn lên sàn HoSE
Một trong những tờ trình quan trọng được MSB đưa ra lấy ý kiến cổ đông tại ĐHCĐ năm nay là phương án rút hồ sơ lên sàn HoSE.
Theo HĐQT MSB, Covid – 19 đã tác động lớn đến thị trường chứng khoán toàn cầu và Việt Nam. Theo khảo sát của ngân hàng này, tính từ đầu năm đến 5/5/2020, trong số 16 ngân hàng có cổ phiếu niêm yết trên các sàn giao dịch chứng hoán khác nhau thì trừ SHB, 15 mã cổ phiếu khác đều giảm giá, mức giảm lớn nhất là 30%. Cụ thể, mã cổ phiếu HDBank giảm 22%, TPB giảm 17,37%, TCB giảm 26,89%, STB giảm 12%, EIB giảm 15%, BID giảm 24,7%, VCB giảm 26,4%, CTG giảm 7.67%, MBB giảm 24.47%, ACB giảm 11,7%...
Với ình hình bất ổn của thế giới, xu hướng bán thoái vốn của nhà đầu tư ngoại còn tiếp diễn.Việc niêm yết ở thời điểm hiện tại có thể khiến mức định giá của MSB thấp hơn giá trị nội tại, cũng như không thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài.
Chính vì vậy, HĐQT MSB đề nghị cổ đông thông qua phương án rút hồ sơ niêm yết và khởi động lại quá tình nộp hồ sơ đăng ký niêm yết giao dịch vào thời điểm thuận lợi với tiêu chí cốt lõi là phải đảm bảo lợi ích cho toàn bộ cổ đông hiện tại cũng như cổ đông tiềm năng của ngân hàng.
Trong thời gian cổ phiếu MSB chưa niêm yết lên sàn HoSE, tùy diễn biến thị trường chứng khoán hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý, ĐHCĐ ủy quyền cho HĐQT ngân hàng chọn thời điểm và quyết định thực hiện các quy trình, thủ tục pháp lý cần thiết có liên quan để đăng ký giao dịch cổỏ phiếu lên sàn UPCOM.