Việc FairFax Asia Limited vừa mua 35% cổ phần tại Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) có thể coi là sự kiện đáng quan tâm nhất trên thị trường bảo hiểm kể từ đầu năm 2015.
FairFax Asia Limited là một công ty con thuộc Fairfax Financial Holdings - một tập đoàn tài chính bảo hiểm toàn cầu có trụ sở tại Toronto (Canada), hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, tái bảo hiểm và quản lý đầu tư. Tập đoàn này hiện có 9,74 tỷ USD vốn chủ sở hữu và tổng tài sản 36,13 tỷ USD. Tại châu Á, FairFax có doanh thu phí bảo hiểm trên 3 tỷ USD.
Về phía BIC, việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược đã được chuẩn bị từ nhiều năm nay. Theo kế hoạch trong Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông 2014, BIC dự kiến bán tối đa 30% vốn điều lệ với giá không thấp hơn mệnh giá và tối thiểu bằng thị giá cổ phiếu BIC. Tại Đại hội cổ đông thường niên 2015, BIC đã quyết định nâng tỷ lệ bán cho đối tác chiến lược lên 35%.
Việc chọn BIC hoàn toàn có lý do riêng, bởi tham vọng của FairFax không chỉ muốn mở rộng sức ảnh hưởng tại Việt Nam, mà còn muốn với tới nhiều thị trường khác như Lào, Campuchia, Myanmar…
Ông Ramaswamy Athappan, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Fairfax Asia cũng không giấu giếm những ý đồ trên khi cho biết, Việt Nam là một thị trường bảo hiểm đang phát triển nhanh và còn rất nhiều tiềm năng cho hoạt động kinh doanh của BIC và các công ty con tại Campuchia, Lào.
Xét về thị phần, tuy khó có thể chen chân vào top 5 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường Việt Nam, thậm chí có khả năng đánh mất vị trí thứ 6 bất cứ lúc nào, nhưng BIC là công ty duy nhất có mạng lưới hoạt động ổn định ở Lào và Campuchia và sẽ tiếp tục mở rộng sang thị trường Myanmar. Hiện BIC sở hữu 65% vốn tại Công ty Liên doanh Bảo hiểm Lào Việt (LVI) - một trong 2 công ty bảo hiểm dẫn đầu thị trường Lào và đại diện BIDV quản lý 51% vốn tại Công ty Bảo hiểm Campuchia Việt Nam (CVI) có doanh thu phí bảo hiểm 3 tháng đầu năm 2015 tăng 23% so cùng kỳ 2014.
Với sức ảnh hưởng của LVI và CVI tại Lào và Campuchia, FairFax đã cho thấy một bài toán khá khôn ngoan khi chỉ cần một bước chân đến thị trường Việt Nam, nhưng cũng lập tức vươn dài cánh tay tới cả các thị trường các nước lận cận Việt Nam gồm Lào và Campuchia và xa hơn nữa là cả Myanmar.