Ngân hàng
Mùa đại hội 2020: Ngân hàng đua trình kế hoạch tăng vốn và niêm yết
Thùy Vinh - 25/05/2020 15:15
Nhiều ngân hàng có kế hoạch trình cổ đông tăng vốn và niêm yết trong mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2020 đang diễn ra từ giữa tháng 5 đến tháng 6/2020.

Tăng mạnh vốn, niêm yết trong 2020

Sáng ngày 25/5, Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank) tiến hành ĐHCĐ thường niên 2020 trình cổ đông thông qua các kế hoạch kinh doanh trong năm.

Theo đó, VietBank có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ mức 4.190 tỷ đồng hiện nay lên gần 4.819 tỷ đồng. Nguồn để tăng vốn điều lệ từ lợi nhuận giữ lại của năm 2017-2019, với số tiền gần 629 tỷ đồng (62,87 triệu cổ phiếu cho cổ đong hiện hữu).

VietBank sẽ phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông để tăng vốn điều lệ, với tỷ lệ dự kiến 15%. Theo HĐQT VietBank, việc tăng vốn năm 2020 nhằm nâng cao năng lực tài chính, năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh.

Đồng thời, tăng vốn để đảm bảo các quy định theo chuẩn Basel II (hiện VietBank đã áp chuẩn Basel II). Ngoài ra, việc tăng thêm vốn sẽ giúp VietBank bổ sung nguồn vốn trong hoạt động, kinh doanh khác giúp ngân hàng sinh lời. 

Cũng tại đại hội, HĐQT VietBank trình cổ đông thông việc niêm yết cổ phiếu VBB trên sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE) từ giao dịch trên sàn UpCom hiện nay. Theo đó, HĐQT VietBank cho biết, Ngân hàng đã đủ điều kiện để niêm yết trên sàn HoSE và trình giao cho HĐQT quyết định thời điểm niêm yết cụ thể khi thời cơ và điều kiện thị trường cho phép.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa công bố tài liệu đại hội cổ đông thường niên 2020. Cuộc họp dự kiến tổ chức vào ngày 29/5 tới. Dự kiến tại cuộc họp năm nay, HĐQT SCB sẽ trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ bằng hình thức chào bán 500 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị 5.000 tỷ đồng theo mệnh giá. 

 Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của SCB sẽ tăng từ 15.232 tỷ đồng lên mức 20.232 tỷ đồng. Đối tượng phát hành là cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư trong, ngoài nước. Giá phát hành không thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng/cp. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2020 và hoàn thành phát hành trong năm 2020-2021.

Với số tiền thu được từ đợt phát hành, ngân hàng dự kiến dùng 4.000 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn kinh doanh và 500 tỷ đồng đầu tư vào tài sản cố định và công nghệ thông tin; 500 tỷ đồng sẽ được đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp trụ sở hoạt động và hệ thống nhận diện thương hiệu SCB.

HĐQT ngân hàng SCB cũng trình cổ đông chấp thuận việc đăng ký cổ phiếu SCB tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và đăng ký giao dịch cổ phiếu SCB trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết (hệ thống giao dịch UPCoM) với mã chứng khoán là SCB.

Sau khi hoãn ĐHCĐ vào ngày 23/3/2020 vì lệnh giãn cách xã kiểm soát dịch Covid-19, Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank) đang lấy ý kiến cổ đông để tiến hành ĐHCĐ thường niên 2020 dưới hình thức trực tuyến. Nam A Bank vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho tăng vốn điều lệ từ mức hơn 3.000 tỷ đồng hiện nay lên 5.000 tỷ đồng trong năm 2020.

Trong đó, Nam A Bank có kế hoạch thu hút thêm nguồn vốn nước ngoài để tăng vốn, đồng thời điển khai kế hoạch niêm yết sàn HOSE. 

Thế nhưng, trong bối cảnh thị trường có khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, kế hoạch niêm yết của các nhà băng dự kiến phải đến cuối năm nay hoặc khi có điều kiện thuận lợi. Ngược lại, nhà băng chưa vội lên sàn chứng khoán chính thức. Đơn cử tại đại hội cổ đông thường niên 2020 của Ngân hàng Hàng Hải (MSB) diễn ra ngày 22/5 đã trình cổ đông qua việc rút hồ sơ niêm yết sàn HOSE, do thị trường chưa thuận lợi.

Kế hoạch lợi nhuận thận trọng

Kế hoạch hoạt động năm 2020, VietBank dự kiến lãi trước thuế 613 tỷ đồng, tương đương 2019. Tổng tài sản đến cuối năm 2020 dự kiến mục tiêu tăng lên 90.000 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay tăng 22% và tổng huy động vốn tăng 25%. 

Kết thúc quý I/2020, lợi nhuận VietBank tăng gấp 2,3 lần dù tín dụng chỉ tăng 2,8%. Đến ngày 31/3/2020, tổng tài sản của VietBank ở mức 69.358 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,6% so với đầu năm, nợ xấu 1,35%.

Nam A Bank đã đưa ra một số chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh trọng yếu trong năm 2020 gồm: tổng tài sản đạt 116.000 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2019; huy động vốn cá nhân, tổ chức kinh tế và phát hành giấy tờ có giá đạt 92.000 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2019.

Dư nợ cho vay cá nhân, tổ chức kinh tế đạt 82.000 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2019 nhưng vẫn đảm bảo tỷ lệ tăng trưởng tín dụng theo quy định của NHNN. Tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 3%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 800 tỷ đồng, giảm 100 tỷ đồng so với năm trước. 

Kết thúc quý đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Nam A Bank đạt 143 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ nhưng vẫn đạt 18% kế hoạch

Năm 2020, ngân hàng SCB dự kiến tổng tài sản tăng 12,19% đạt 637.166 tỷ đồng. Mục tiêu cho vay khách hàng đạt 377.283 tỷ đồng, tăng 13%; huy động thị trường 1 đạt 553.092 tỷ đồng, tăng 13,3%. Riêng lợi nhuận do SCB đang quá trình tái cơ cấu nên mọi nguồn lực đều phải tập trung cho quá trình tái cơ cấu giai đoạn hai và ngân hàng bỏ ngõ mục tiêu lợi nhuận. 

Tin liên quan
Tin khác