Chuyện làng, chuyện phố
Mua nhà, mua thêm cảm xúc!
Đinh Thu Hiền - 09/10/2016 13:11
Sau 7 năm đi làm, và 5 năm cưới vợ, cậu tài xế đang chuẩn bị gom tiền để mua căn nhà nhỏ gần khu công nghiệp phía Tây Sài Gòn. Sắp kết thúc chuỗi ngày đi ở trọ, tâm trạng của anh chàng này cũng trải qua rất nhiều cảm xúc đáng nhớ.

1.

Cách nay 7 năm, Linh từ một vùng quê phía Bắc vào Sài Gòn lập nghiệp. Ban đầu cậu đi làm cho một công ty bảo vệ. Lương tháng làm bảo vệ rất ít, lại vất vả. Gần như Linh không tiết kiệm được tiền mỗi tháng, thậm chí, nhiều tháng lâm vào cảnh đi vay trước trả sau.

Rất may, thời gian làm bảo vệ, Linh được giữ lại làm công việc trông coi công ty đối tác, và sau đó được ông bà chủ cho đi học lái xe. Vừa bảo vệ, vừa lái xe, được ăn 2 đầu lương nên Linh bắt đầu có chút dư. Cậu cưới vợ, sinh con trai và tính tới việc đi mua nhà.

Bà xã Linh làm công nhân trong 1 khu công nghiệp. Lương ít, nhưng ổn định. Vợ chồng Linh cưới nhau thuê nhà gần chỗ làm. Mỗi tháng, tiền thuê phòng trọ và điện nước khoảng chừng 1,5 triệu đồng. trong khi tổng thu nhập chừng 12 triệu đồng nên sau ăn xài cũng chỉ dành dụm được chừng 4 triệu đồng.

Cứ “9 xu đổi lấy 1 hào” nên thời gian sau Linh cũng có chút ít vốn lận lưng. Nghe mọi người xung quanh mua bán nhà, nhưng Linh chẳng biết kinh doanh gì với số tiền ít ỏi dành được, đành cho bạn bè vay lấy lãi hàng tháng. Lúc đưa tiền thì dễ, nhưng lúc lấy lại thì trầy vi tróc vẩy. Tiền lãi thì người ta trả đầy đủ, nhưng tiền gốc thì khó lấy khi cần. Được nhiều người cảnh báo, Linh cố gắng gom lại tiền bạc để quyết định mua nhà.

Căn nhà được cậu chọn ở xa chỗ làm chừng 8 km. Nhà xây có gác, đúc giả, diện tích chừng 50 m2 và lại chỉ có số nhà do chính quyền cấp, chưa có giấy tờ gì. Cả khu vực rộng lớn tại Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B thuộc quận Bình Tân và huyện Bình Chánh có cả ngàn căn nhà như vậy. Không biết sau này cơ chế nhà nước sẽ phải thích ứng ra sao với một thực tế “phũ phàng”. Dỡ bỏ hết nhà dân thì ảnh hưởng đến cuộc sống của rất nhiều con người, để xây tự phát lại khiến trật tự các giá trị xã hội đảo lộn. Có lẽ chính quyền đang rất khó xử.

Linh mua 1 căn nhà không giấy tờ như vậy, với giá 650 triệu đồng. Cậu đã đặt cọc tiền và chờ vài ngày nữa thì trả hết, dọn về nhà mới. Hàng ngày Linh và bà xã rất tất bật đi vay thêm tiền gia đình và bạn bè cho đủ, háo hức chờ tới ngày về nhà mới.

2.

Mua nhà xong, rất cần trang bị thêm nhiều đồ dùng sinh hoạt. Một căn nhà trọ nhưng đã sống ổn định chừng 5-7 năm rồi, thì cũng có nhiều vật dụng như bao nhiêu gia đình khác. Tuy nhiên, nhà mới thì chắc chắn cần đồ mới. Đó là tâm lý. Nghe vợ chồng Linh bàn chuyện mua giường tủ, tôi góp ý, mọi thứ cứ từ từ. Giờ tiền nhà còn đang đi vay thêm, thì đừng tạo gánh nặng lên vai mình. Bao nhiêu vật dụng sinh hoạt từ nhà trọ cũ, mang hết về nhà mới mua xài đỡ. Nhà mới mà giường cũ, thì cũng có sao. Chén bát xoong nồi, ngày thường thế nào, giờ thế ấy, cũng có sao. Tủ lạnh trước đây nhỏ thôi, giờ cũng chưa cần lớn, sao phải lăn tăn đắn đo. Cuộc sống cứ cần “step by step”. Từng bước một. Năm nay mua nhà ở ngoại thành, cách chỗ làm gần chục cây, 3 năm nữa ráng tiết kiệm thêm chút tiền, bán nhà đi cũ, mua nhà mới cách chỗ làm gần hơn chút xíu. Cứ vậy mà lần lần, không có bất thường gì xảy ra thì ở độ tuổi 40 cũng có căn nhà tạm tạm, cuộc sống ổn định.

Nghe tôi nói chuyện, vợ chồng Linh im im không nhắc tới chuyện chạy tiền mua đồ đạc sắm sanh cho nhà mới nữa. Hẳn khi về nhà, họ cũng sẽ bàn thêm tới lui việc này. Dễ hiểu thôi, lần đầu tiên sở hữu căn nhà trong cuộc đời, có quá nhiều cảm xúc. Việc trải nghiệm cảm xúc ấy, thì không cần tiết chế. Nhưng để cảm xúc lấn lướt theo kiểu “vung tay quá trán”, thì gánh nợ sau mua nhà tạo thành áp lực khiến nhiều người không vượt qua nổi.

Tin liên quan
Tin khác