Doanh nghiệp
Mười tố chất của nhà lãnh đạo đích thực
Lan Chi - 06/07/2013 09:09
Dưới đây là 10 tố chất cần có của một nhà lãnh đạo đích thực, có thể quy tụ mọi người và chèo lái doanh nghiệp đến bến bờ thành công.
TIN LIÊN QUAN
Người lãnh đạo đích thực phải vừa có tài, vừa có tâm

1. Sống trung thực

Trung thực có thể được coi là đặc điểm quan trọng nhất đối với một nhà lãnh đạo có năng lực.

Hãy làm những gì mà bạn nói là sẽ làm. Không hứa hẹn những cái mà bạn sẽ không làm. Người thiếu tính trung thực có thể giành được quyền lực, song họ không phải là người lãnh đạo đích thực.

2. Biết những thế mạnh của mình

Công việc có ý nghĩa nhất và thỏa mãn nhất khi nó tạo cho bạn cơ hội để phát huy những thế mạnh của mình.

Việc nắm bắt được những thế mạnh của mình giúp bạn tìm được những cách để lựa chọn môi trường công việc và cách thực hiện hiệu quả nhất.

Đơn cử, nếu thế mạnh lớn nhất của bạn là sự trung thành và tinh thần làm việc tập thể, thì bạn sẽ làm việc hiệu quả nhất và thỏa mãn nhất khi làm một công việc mang tính tập thể.

3. Có tầm nhìn

Các nhà lãnh đạo được định hướng bởi tầm nhìn. Nhà lãnh đạo cần tạo ra tầm nhìn có sức thuyết phục, đi theo tầm nhìn đó và có khả năng lôi cuốn những người khác hướng tới mục tiêu của tầm nhìn đó.

Tầm nhìn là một bức tranh về tương lai mà bạn cam kết hướng tới. Nó thể hiện những giá trị của bạn, đóng góp mà bạn muốn tạo ra, đồng thời đó còn là cách sống của bạn. Nếu không có tầm nhìn rõ ràng, bạn rất có thể bị đuối thế trước những kỳ vọng của người khác.

4. Lựa chọn nơi làm việc có các giá trị phù hợp

Một trong những sai lầm lớn nhất mà không ít người mắc phải là tiếp nhận vị trí trái ngược với năng lực của mình. Việc này không chỉ hạn chế năng lực, mà có thể đem lại sự bất hạnh.

Do vậy, tốt nhất, hãy tính đến những vị trí để bạn có thể phát huy những nguyên tắc của mình.

5. Cần có đội ngũ tư vấn

Mọi người đều cần có những hướng dẫn, hỗ trợ, góp ý của người khác. Nếu có được một người tư vấn thông thái, bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn để đạt được những mục tiêu phát triển của mình.

Việc tạo dựng đội ngũ tư vấn sẽ giúp bạn có được sự hỗ trợ của nhiều người khác. Mỗi người đều có ý kiến riêng của mình, song đều phục vụ mục tiêu chung là tạo ra thành công cho công việc của bạn.

Để tạo dựng cơ cấu tư vấn có hiệu quả, bạn cần xác định những kỹ năng bạn cần có hoặc cần hoàn thiện để đạt được mục tiêu đặt ra. Bạn cũng cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để tìm được những nhà tư vấn mà bạn cần.

6. Luôn tìm cách thực hiện công việc theo hướng tốt hơn

Làm tốt công việc là điều kiện cần, mặc dù chưa phải là điều kiện đủ đối với nhà lãnh đạo. Bạn hãy luôn đi tiên phong trong việc phát triển nghề nghiệp. Không chờ đợi và chỉ dựa vào các hình thức đào tạo kỹ năng nào đó do công ty tổ chức, mà bạn phải luôn tìm tòi cơ hội đào tạo để nâng cao nghiệp vụ cho mình.

Luôn nhận thức rõ sự khác biệt giữa làm tốt và sự hoàn hảo. Nếu bạn quá nặng nề và ái ngại về những lỗi nhỏ, thì thành công của bạn sẽ bị hạn chế. Sự cầu toàn sẽ đưa đến cách quản lý tiểu tiết và thói hay soi mói người khác đối với những lỗi không đáng nói – cả hai hành vi đều không nên có đối với các nhà lãnh đạo tốt.

7. Sống lạc quan

Là người tạo ra niềm hy vọng cho công ty, nên các nhà lãnh đạo cần phải lạc quan. Những người lạc quan có đầu óc thực tế, nên có thể xác định được giới hạn có thể vươn tới và biết dừng đầu tư vào những chỗ vượt khỏi tầm kiểm soát của mình.

Khi công việc có vấn đề, những người lạc quan sẽ không rối trí, thất vọng. Họ cần tiếp tục tập trung vào mục tiêu lớn hơn, tìm giải pháp tối ưu để hướng tới mục tiêu của mình. Người lạc quan coi những sai lầm là bài học để rút kinh nghiệm, chứ không phải là tai họa làm họ ngã gục.

8. Trở thành người “không thể thay thế được”

Hãy tìm kiếm một lĩnh vực hoạt động có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp của bạn và tập trung phát triển để tạo ưu thế nổi trội cho mình

Nếu bạn là chuyên gia duy nhất trong lĩnh vực đó, hoặc chỉ có vài người có thể làm được như bạn, thì bạn sẽ được coi là nguồn giá trị đáng kể đối với công ty. Việc này làm tăng năng lực và sức ảnh hưởng của bạn, tạo cơ hội để bạn nắm giữ vai trò lãnh đạo nào đó.

9. Biết chịu trách nhiệm

Hãy chịu trách nhiệm về sự phát triển nghề nghiệp của mình. Không ai có thể tạo ra thành công cho bạn bằng chính bạn. Bạn không thể dựa vào cơ cấu quản lý truyền thống của cơ quan, doanh nghiệp để tạo thành công cho mình.

Thành công thường phụ thuộc vào việc định hướng và khả năng bảo vệ nghề nghiệp để phát triển các thế mạnh của mình. Bạn cần biết điều bạn muốn và tại sao bạn lại chuẩn bị làm việc đó.

10. Kiên trì

Tính kiên trì khi phải đối mặt với những bất lợi là một trong những nền tảng để vượt qua thách thức. Hãy có trách nhiệm với số phận của riêng mình. Hãy kiên định với những giá trị và mục tiêu của mình và quyết tâm thực hiện các mục tiêu đó. Kiên trì không có nghĩa là bạn không bao giờ thoái chí.

Đúng hơn, nó có nghĩa là việc duy trì trọng tâm của bạn vào mục tiêu đã định mặc dù có cảm giác nản lòng. Giống như người chạy marathon, bạn tiếp tục chạy vì bạn tin vào cái bạn đang làm.

Tin liên quan
Tin khác