Ngân hàng - Bảo hiểm
Mỹ đẩy nhanh “khóa van”, Anh tăng lãi suất: Khi ngân hàng trung ương chạy theo sau lạm phát
Hồ Quốc Tuấn - 21/12/2021 08:09
Trong những buổi họp chính sách cuối năm, ngân hàng Trung ương của các nền kinh tế phát triển đang phát đi những tín hiệu phản ứng lại với lạm phát của mình, dù có thể là hơi chậm.
Trước áp lực lạm phát tăng cao, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gần như chắc chắn sẽ có 3 lần tăng lãi suất trong năm 2022

“Bình thường hóa” chính sách tiền tệ khi lạm phát tăng cao

Đầu tiên là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phát đi thông điệp cần phải “tăng gấp đôi” tốc độ giảm mua trái phiếu chính phủ và trái phiếu được đảm bảo bằng các khoản cho vay mua nhà của mình, với mức giảm mua lên đến 30 tỷ USD/tháng. Với tốc độ này, Fed có thể sẽ chấm dứt chính sách bơm thanh khoản ra thị trường thông qua việc mua trái phiếu của mình ngay trong quý I/2022, thay vì đợi tới giữa năm như dự kiến.

Một thông điệp khác là dự báo do các thành viên Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) đưa ra cũng cho thấy, đa số thành viên dự báo rằng, Fed cần tăng lãi suất 3 lần trong năm 2022, đưa lãi suất tiệm cận mức 0,75-1%. Hiện tại, biên độ mục tiêu của lãi suất chính sách (fed funds rate) vẫn giữ ở mức 0-0,25%.

Những thông điệp trên tuy đã phần nào được dự báo trước, nhưng vẫn được cho là “hơi bất ngờ” với một số thành viên lạc quan của thị trường khi cho rằng, Fed sẽ chỉ tăng lãi suất 2 lần và vẫn duy trì mục tiêu kết thúc việc bơm tiền vào giữa năm sau.

Ở một động thái khác, Ngân hàng Trung ương Anh được cho là đã tiến hành một động thái tăng lãi suất “gây sốc” (từ của giới truyền thông sử dụng), khi đã tăng lãi suất từ 0,1% lên 0,25%, lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ 3 năm trở lại đây. Nhà báo Chris Giles của tờ Financial Times nhận định rằng, Ngân hàng Trung ương Anh “không còn lựa chọn nào khác”, ngoài việc tăng lãi suất.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh - Andrew Bailey thừa nhận, nếu không tăng lãi suất, thì có khả năng lạm phát sẽ ở mức cao “trong một thời gian dài”.

Ông Bailey thừa nhận, đang có những áp lực tăng giá “dai dẳng”, thay vì tạm thời và lạm phát ở Anh có thể đạt 6% trong năm 2021. Câu phát biểu “Chúng tôi buộc phải hành động” (We have to act) cho thấy nhận định của Chris Giles là đúng và họ đang chạy theo sau lạm phát.

Việc ngân hàng Trung ương Anh hay Mỹ phải chạy theo sau lạm phát là điều mà tôi chưa từng nhìn thấy trong gần 2 thập kỷ theo dõi thị trường tài chính.

Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.

Thứ nhất, nhu cầu tiêu dùng ở những nền kinh tế như Mỹ và châu Âu tăng mạnh như lò xo bị nén chặt, sau đó bung ra khi mở cửa lại nền kinh tế. Những gói hỗ trợ kinh tế từ vài trăm đến cả ngàn tỷ USD của các nước này tung ra đã tạo ra một mức đệm an sinh xã hội, nhưng đồng thời cũng tạo ra một sức mua mới. Đó là chưa kể, trong quá trình phong tỏa kinh tế, người dân không chi tiêu cho nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, ăn uống ở nhà hàng, nên đã tăng tỷ lệ tiết kiệm lên 2-3 lần so với bình thường.

Thứ hai, mức độ đứt gãy dài hạn của chuỗi cung ứng làm dự báo lạm phát của các ngân hàng Trung ương, như Fed, bị sai lệch. Fed dự báo rằng, lạm phát sẽ vọt lên từ đầu năm, nhưng sau đó sẽ dịu đi sớm vì đứt gãy chuỗi cung ứng là tạm thời và sẽ nhanh chóng được hồi phục khi kinh tế mở cửa. Tuy nhiên, 9 tháng sau khi kinh tế trở lại “bình thường mới”, các chuỗi cung ứng trọng yếu của kinh tế Mỹ, từ vận tải, chip bán dẫn cho đến giày thể thao, thiết bị văn phòng vẫn đứt gãy. Các công ty từ Starbuck, Nike cho đến Apple, Tesla, Dell đều ít nhiều bị ảnh hưởng.

Việc ngân hàng trung ương của Anh hay Mỹ phải chạy theo sau lạm phát là điều mà tôi chưa từng nhìn thấy trong gần 2 thập kỷ theo dõi thị trường tài chính.

Bên cạnh đó, xu thế bỏ việc tại Mỹ và một số nước châu Âu ngày càng trầm trọng, được gọi là “Đại nghỉ việc” (Great Resignation), với khoảng 4,5 triệu người Mỹ bỏ việc. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này, trong đó có nguyên nhân là nhiều công việc quá áp lực và buồn chán, nhưng trong điều kiện bình thường, nhiều người vẫn bám lấy nó như một thói quen. Đại dịch và thời kỳ nghỉ giãn việc đã cho họ một góc nhìn và suy nghĩ khác. Họ chọn cách nghỉ việc luôn và tìm một hướng đi mới cho sự nghiệp.

Đó là những thứ mà các ngân hàng Trung ương không thể tiên đoán được. Diễn tiến của thị trường việc làm và chuỗi cung ứng sau dịch vốn dĩ là khó đoán. Nhưng việc các ngân hàng Trung ương trì hoãn hành động sau khi đã có nhiều tín hiệu cho thấy các nhân tố này sẽ kéo dài, chứ không tạm thời, khiến họ phải vội vã hành động gấp rút hơn vào dịp cuối năm 2021 này. Một tiến trình “bình thường hóa” chính sách tiền tệ đang diễn ra. Theo đó, các ngân hàng Trung ương  đang không thể bơm tiền ra mạnh mẽ nữa. Nhưng tiến trình giảm dần mức độ bơm tiền được lên kế hoạch rất thận trọng và vẫn sẽ có các nền kinh tế chủ chốt hoạt động trong môi trường lãi suất thấp kỷ lục trong 1-2 năm nữa.

Lãi suất vẫn ở mức thấp lịch sử và thanh khoản sẽ vẫn tốt

Có nhiều nhận định, ngân hàng Trung ương siết cung tiền, thắt chặt tiền tệ được đưa ra tương đối vội vã sau diễn biến chính sách của Fed và Ngân hàng Trung ương Anh.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận đúng bản chất vấn đề, thì ta sẽ thấy, thanh khoản vẫn dồi dào và lãi suất sau khi được dự đoán tăng nhiều lần của các ngân hàng Trung ương này vẫn sẽ ở mức thấp kỷ lục trong 2 thập kỷ. Lãi suất của Anh và Mỹ sau những dự đoán 2-3 lần tăng lãi suất trong năm tới vẫn sẽ dưới 1,25%. Và mức tăng tiền gửi tiết kiệm cũng như chi phí vốn trong nền kinh tế có thể còn thấp hơn mức này. Mặc dù lợi suất ngắn hạn của trái phiếu Mỹ có dấu hiệu tăng lên, lợi suất trái phiếu dài hạn 10 năm của Mỹ lại trượt về dưới 1,5%. Đường cong lợi suất của Mỹ đang trở nên phẳng hơn, phản ánh một dự đoán của thị trường là bất chấp lãi suất sẽ tăng, dư địa tăng về dài hạn vẫn không lớn, vì nền kinh tế vẫn còn nhiều bất định trong tiến trình hồi phục của mình.

Trong khi đó, mức tăng GDP kỷ lục của Mỹ sẽ không thể duy trì được thêm qua năm 2023, trong khi kinh tế Trung Quốc, một đầu tàu tăng trưởng khác, vẫn đang đánh vật với những rắc rối trong việc xử lý bong bóng bất động sản bị cho xì hơi bằng những chính sách cứng rắn của chính phủ, cũng như những khó khăn do chính sách zero Covid của nước này dẫn tới.

Nếu nhìn vào lượng tiền của các ngân hàng thương mại châu Âu và Mỹ đang ký gửi ở dạng dự trữ, cách mà họ từ chối khéo những khách hàng gửi tiền không kỳ hạn với lượng lớn, có thể thấy, thanh khoản của thị trường vẫn rất dồi dào. Chỉ số Financial Condition Index của Chicago Fed vẫn ở mức cực kỳ thoải mái, mặc dù đã nhích lên, nghĩa là có chặt lại đôi chút so với mức nới lỏng thanh khoản lịch sử của vài tháng trước đó. Điều quan trọng là, lượng thanh khoản được tạo ra do chính sách mua trái phiếu của Fed hầu như không di chuyển đi đâu, mà quanh quẩn trong hệ thống, tạo ra một bộ đệm thanh khoản dồi dào cho năm 2022.

Nói cách khác, tiền sẽ không còn quá rẻ, cũng không thể rẻ hơn nữa, nhưng vẫn rẻ. Điều này là hợp lý vì các NHTW vẫn lo ngại những diễn biến bất định của Covid-19 và nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thắt chặt hơn nữa sẽ không phải là tối ưu, tựa như khi bạn đang chạy nhanh mà thắng quá gấp sẽ khó tránh dẫn đến một cú lật xe.

Giai đoạn “bình thường hóa chính sách tiền tệ” này đang đi song song với tiến trình bình thường hóa nền kinh tế hậu Covid-19. Lạm phát cao kỷ lục trong năm 2021 có thể là bất thường, nhưng cũng có thể đã là đỉnh của giai đoạn này. Lạm phát năm 2022 có thể vẫn cao đáng kể so với mục tiêu lạm phát dài hạn của các nước phát triển (được đặt ở mức 2-2,5%), nhưng sẽ thấp hơn 2021. Mức lạm phát 6-7% có lẽ sẽ không lặp lại ở những nền kinh tế này, do đó, áp lực thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng Trung ương cũng sẽ ít hơn.

Tin liên quan
Tin khác