Doanh nghiệp
Mỳ Hảo Hảo tố mỳ Hảo Hạng
Bảo Giang - 09/03/2015 09:10
Ngày 5/3/2015, Công ty cổ phần Acecook Việt Nam (Vina Acecook) đã chính thức gửi công văn thông báo sẽ thực hiện các thủ tục pháp lý để giải quyết vụ việc Công ty cổ phần Thực phẩm Á Châu (Asia Foods) xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu mỳ ăn liền Hảo Hảo của Vina Acecook.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
VAFI “tố” HOSE vi phạm công bố thông tin
7 đơn vị quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật
Rượu Men’s Hà Nội là hàng nhái rượu Men’Vodka
Hàng chục nghìn chai Vodka rởm suýt ra bàn nhậu

Hảo Hảo, thương hiệu được khẳng định

Trả lời phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Văn Hùng, Giám đốc đối ngoại của Vina Acecook cho biết, từ ngày 26/1/2015, trên thị trường xuất hiện sản phẩm mỳ Hảo Hạng của Asia Foods với kiểu dáng thiết kế bao bì tương tự mỳ Hảo Hảo (đã được Vina Acecook đăng ký độc quyền).

“Cuộc chiến”còn nan giải khi Asia Foods khẳng định sản phẩm Hảo Hạng không vi phạm quyền sở hữu. Ảnh: Lê Toàn

Ngày 3/2/2015, Vina Acecook đã gửi công văn cho Asia Foods, đề nghị Asia Foods chấm dứt ngay việc quảng cáo, bán mỳ Hảo Hạng và có biện pháp thu hồi, tiêu hủy sản phẩm đã đưa ra thị trường.

Trong công văn phúc đáp, Asia Foods khẳng định, sản phẩm Hảo Hạng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 119302.

Tiếp theo đó, vào ngày 12/2/2015, đại diện hai bên đã có cuộc gặp mặt, nhưng không thống nhất được với nhau về hướng giải quyết. Cũng tại cuộc gặp này, phía Asia Foods đưa ra đề nghị phải có bên thứ ba giám định. Do vậy, ngay ngày hôm sau (13/2), Vina Acecook đã gửi công văn đến Cục SHTT để xin ý kiến chuyên môn và đã nhận Công văn phúc đáp số 1320/SHTT-TTKN của Cục SHTT với kết luận: “Mẫu bao gói mỳ ăn liền “Mỳ Hảo Hạng, TÔM CHUA CAY & Hình” của Asia Foods sử dụng trong thực tế (khác với mẫu được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 119302) có cách trình bày tạo thành một tổng thể tương tự, gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “Hảo Hảo, MÌ TÔM CHUA CAY, Hình” đã được bảo hộ của Vina Acecook. Vì vậy, hành vi sản xuất, buôn bán, lưu thông, tàng trữ, nhằm để bán các sản phẩm mỳ ăn liền mang nhãn hiệu như đã nêu mà không do chủ nhãn hiệu hoặc người được chủ nhãn hiệu cho phép sản xuất sẽ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đúng theo quy định Điều 129.1, Luật SHTT”.

Đi sâu tìm hiểu vụ việc này, được biết, tuy nộp hồ sơ xin bảo hộ nhãn hiệu từ năm 2003, nhưng trên thực tế, theo ông Lê Văn Hùng, sản phẩm Hảo Hảo bắt đầu kinh doanh trên thị trường năm 2000 và hiện chiếm khoảng 60% tổng sản lượng Vina Acecook. “Theo số liệu tháng 12/2014, Hảo Hảo chiếm 24% tổng sản lượng thị trường mỳ ăn liền Việt Nam và giúp Vina Acecook duy trì 43% tổng thị phần thị trường mỳ ăn liền Việt Nam”, ông Hùng cho biết.

Hảo Hạng: Thương hiệu “hồi sinh”

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc nhãn hàng của Asia Foods cho biết, mỳ Hảo Hạng được Asia Foods tung ra thị trường từ năm 2006 và Asia Foods đã đăng ký bảo hộ quyền sở hữu sản phẩm với Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật (Bộ Văn hóa và Thông tin) và được cấp giấy chứng nhận số 269/2006/QTG ngày 20/6/2006. Tuy nhiên, sản phẩm này chỉ tồn tại khoảng 6 tháng, vì kinh doanh không hiệu quả. Tức là, Asia Foods đã “khai tử” nhãn hiệu mỳ Hảo Hạng. Tuy nhiên, từ tháng 1/2015, Asia Foods đã  quyết định “hồi sinh” sản phẩm này với hình thức cải tiến bao bì mới.

Có một điểm đáng lưu ý là, màu sắc và hoa văn của mẫu bao bì Hảo Hạng (được bảo hộ năm 2006) được thể hiện trên nền tảng màu vàng và hình ảnh tô mỳ hai con tôm chìm và phụ liệu xả, ớt nổi ra, trong khi bao bì cải tiến của Hảo Hạng (tung ra thị trường tháng 1/2015) lại sử dụng màu hồng cánh sen, hình ảnh con tôm trên tô mỳ nổi bật…, cùng những họa tiết nhìn bằng mắt thường khá tương đồng với bao bì mỳ Hảo Hảo của Vina Acecook.

Tuy nhiên, theo ông Cường, ngay sau khi có công văn của Acecook thông báo về sản phẩm Hảo Hạng đã cải tiến có  nhiều điểm dễ gây nhầm lẫn với người tiêu dùng như sản phẩm Hảo Hảo của Vina Acecook đang bán, Asia Foods đã thực hiện ngay một số việc sau.

Thứ nhất, trong công văn phúc đáp Vina Acecook,  Asia Foods khẳng định không làm nhái sản phẩm Hảo Hảo, mà chỉ là cải tiến sản phẩm đã được đăng ký từ năm 2006. Tiếp đến, Asia Foods đề xuất có cuộc gặp mặt giữa lãnh đạo hai bên để cùng giải quyết vấn đề. Đồng thời, từ tháng 3/2015, Asia Foods cũng tiến hành ngưng sản xuất sản phẩm Hảo Hạng theo bao bì mới, mà trở lại sử dụng bao bì cũ.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư: “Liệu Asia Foods có thu hồi các sản phẩm Hảo Hạng mới in theo bao bì cải tiến, gây hiểu lầm với Hảo Hảo hay không?”, ông Cường cho biết: “Chúng tôi chỉ ngừng sản xuất, chứ không thu hồi. Đồng thời, trong cuộc gặp chính thức ngày 12/2/2015 giữa hai bên, chúng tôi nêu ra 3 quan điểm, gồm: Asia Foods chỉ sản xuất sản phẩm mới theo bao bì mẫu mã đã đăng ký từ năm 2006; để giải quyết  khách quan việc này, cần bên thứ ba có thẩm quyền vào cuộc. Trong khi còn tranh chấp, Asia Foods sẽ sử dụng mẫu mã cũ cho sản phẩm Hảo Hạng. Chúng tôi chỉ thực hiện thu hồi, tiêu hủy sản phẩm Hảo Hạng, nếu như có yêu cầu của cơ quan chức năng!”.

Hai bên sẽ gặp nhau tại tòa?

Về hướng xử lý vụ việc này, theo ông Hùng, Vina Acecook đang tập trung để xử lý hậu quả của sự việc. Trong công văn gửi Asia Foods, Vina Acecook đã nêu rõ những yêu cầu của mình:

Thứ nhất, đề nghị Asia Foods chấm dứt ngay việc sản xuất, mua bán và quảng cáo sản phẩm Hảo Hạng.

Thứ hai, có biện pháp hữu hiệu để thu hồi và tiêu hủy ngay các sản phẩm đã tung ra thị trường và còn tồn kho.

Thứ ba, gửi lại cho Vina Acecook các bằng chứng về khắc phục sự việc này.

“Trong trường hợp Asia Foods không thực hiện những yêu cầu trên, chúng tôi đang cân nhắc có nên tiếp tục đưa sự việc này ra các cơ quan chức năng giải quyết và yêu cầu những đền bù thiệt hại hay không?”, ông Hùng cho biết.

Phản hồi với Báo Đầu tư về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc nhãn hàng của Asia Foods cho biết: “Hiện Cục SHTT mới chỉ đưa ra ý kiến về mặt chuyên môn và chúng tôi chưa nhận được văn bản này. Chúng tôi đã có thiện chí dừng sản xuất và chỉ có thể tiến hành thu hồi sản phẩm, nếu có phán quyết của cơ quan chức năng!”

Theo một luật sư (xin  không nêu tên), thiết kế mẫu mã sản phẩm phải dựa trên các tiêu chí cơ bản như phù hợp với ý tưởng chung của sản phẩm, chẳng hạn sản phẩm muốn thể hiện điều gì? Nhắm đến khách hàng mục tiêu nào? Sản phẩm mới phải có sự khác biệt với tất cả các sản phẩm trên thị trường; thiết kế mới phải đảm bảo tính sáng tạo, nghệ thuật của một thiết kế và phù hợp các quy định của Nhà nước về bao bì. Rõ ràng cả hai sản phẩm đều đáp ứng các tiêu chí này và mỗi đơn vị đều có lý lẽ riêng của mình.

“Tuy nhiên, nếu xét về trình tự thời gian và lịch sử hình thành, rõ ràng đang có sự mất cân đối. Thương hiệu Hảo Hảo được hình thành từ năm 2003, sau đó, được cấp giấy chứng nhận năm 2005 và từ năm 2012 được gia hạn đến năm 2030, trong khi thương hiệu Hảo Hạng ra đời sau, từ năm 2006, nhưng thất bại và “hồi sinh” từ tháng 1/2015, với mẫu cải tiến khá giống với Hảo Hảo, song lại chưa đăng ký quyền SHTT”, vị luật sư này nhận xét.

Báo Đầu tư sẽ tiếp tục thông tin diễn tiến vụ việc đến bạn đọc.

Tin liên quan
Tin khác