“Kiều hối là mối liên kết dễ thấy nhất và ít gây tranh cãi nhất giữa di cư và phát triển”, ông Dilip Ratha, trưởng nhóm Di cư và Kiều hối thuộc ban Nghiên cứu Phát triển của Ngân hàng Thế giới nhận định.
Ông Ratha nhấn mạnh thêm, các nhà hoạch định chính sách còn có thể làm nhiều hơn nữa nhằm đạt hiệu quả tối đa của kiều hối bằng các biện pháp giúp quá trình chuyển tiền ít tốn kém hơn và lượng tiền được sử dụng hiệu quả hơn cho mỗi cá nhân và quốc gia nhận kiều hối.
| ||
Năm 2013, dự kiến Việt Nam sẽ nhận 11 tỷ USD kiều hối |
Hiện, chi phí chuyển tiền qua các kênh chính thức vẫn cao và đang cản trở việc sử dụng kiều hối cho các mục đích phát triển, trong khi người chuyển tiền ưa tìm cách chuyển tiền về nhà qua các kênh phi chính thức hơn.
Chi phí chuyển kiều hối trung bình toàn cầu là 9% và con số này không thay đổi kể từ 2012.
Theo dự báo của WB, lượng kiều hối gửi về các nước đang phát triển dự tính tăng 6,3% và đạt mức 414 tỷ USD năm nay, và con số này sẽ vượt ngưỡng 500 tỷ USD năm 2016.
Ngân hàng này cũng dự báo, lượng kiều hối chuyển về các nước đang phát triển sẽ tăng mạnh về trung hạn, với mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 9% và sẽ đạt mức 540 tỷ USD năm 2016.
Ba quốc gia dẫn đầu trong top các nước nhận kiều hối lớn nhất lần lượt là Ấn Độ, Trung Quốc và Philipines. Riêng Ấn Độ và Trung Quốc đã chiếm gần 1/3 tổng lượng kiều hối của các nước đang phát triển trong năm nay.
Tổng lượng kiều hối toàn cầu, kể cả lượng chuyển về các nước có thu nhập cao, ước tính sẽ đạt mức 540 tỷ USD năm 2013 và sẽ đạt mức kỷ lục 707 tỷ USD năm 2016.
Hải Hà