Thưa bà, tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp (DN) năm 2013 được phản ánh qua các chỉ số khảo sát thế nào?
Kết quả khảo sát cho thấy, sức khỏe của DN trong năm 2013 khá hơn nhiều so với năm 2012. Tuy nhiên, vẫn có một số chỉ tiêu thành phần của chỉ số động thái giảm, như giá bán bình quân, số lượng công nhân, hiệu quả sử dụng máy móc, lượng đơn đặt hàng…
| ||
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam |
Đặc biệt, lợi nhuận bình quân trên một đơn vị sản phẩm giảm mạnh nhất trong số các chỉ tiêu đánh giá tình hình sản xuất - kinh doanh.
Điều đáng nói là, mức giảm này tiếp tục diễn ra ở diện rộng hơn, nghĩa là, chưa có sự cải thiện mạnh.
Xu thế giảm mạnh lợi nhuận là nguyên nhân chính dẫn đến chỉ số động thái thực thấy (chỉ số xây dựng dựa trên đánh giá quý khảo sát so với quý trước đó) cũng giảm mạnh, với mức điểm -21.
Mức này trùng khớp với dự cảm của các DN tham gia điều tra 1 năm trước.
Như vậy, DN đã dự liệu khá chính xác về tình hình kinh doanh ảm đạm của năm 2013?
Đúng vậy. Rõ ràng nhất là nhu cầu thị trường trong nước giảm, những khó khăn trong tiếp cận đất đai, giải phóng mặt bằng, điều kiện hạ tầng giao thông và tiếp cận thị trường công nghệ. Trong đó, nhu cầu thị trường trong nước là yếu tố giảm mạnh nhất, mạnh hơn cả dự tính của DN.
Việc tiếp cận vốn vay năm 2013 cũng tiếp tục khó khăn hơn dự kiến của DN, chủ yếu do lãi suất vay vẫn cao, trong khi thủ tục và các điều kiện vay khá khó khăn.
Rõ ràng, với thực trạng kinh doanh chủ yếu trong tình trạng cầm cự như hiện tại, điều kiện để DN tạo được bước chuyển tích cực hơn trong năm tới thực sự khó khăn.
Tuy vậy, dự cảm của các DN trong năm 2014 lại khá tích cực, với mức điểm dương, thay vì điểm âm của năm 2013, thưa bà?
Chỉ số động thái dự cảm của năm 2014 là 7 điểm, cải thiện rất mạnh so với năm 2013. Điều đó cho thấy, DN có niềm tin khá mạnh vào những cải thiện trong hoạt động sản xuất - kinh doanh năm tới.
Cơ sở của dự cảm này là chỉ số động thái tổng hợp của tổng thể tình hình sản xuất - kinh doanh thực năm 2013 có xu hướng tích cực hơn. Doanh số bán hàng có sự tăng khá mạnh, với mức điểm từ -4 năm 2012 tăng lên điểm 10 năm nay. Chỉ số về lượng đơn đặt hàng cũng tăng đáng kể. Động thái này khá tương đồng với kết quả khảo sát Chỉ số mua sắm PMI do Ngân hàng HSBC mới công bố.
Có một điểm đáng quan tâm là, nhu cầu vay vốn ngân hàng của DN bắt đầu tăng hơn, với 65,2% trong lần khảo sát này, so với mức 57,3% của lần khảo sát cuối năm 2012. Tuy nhiên, số lượng DN không có nhu cầu vay vốn vẫn khá lớn, với 34,8%. Trong số này, có 40,5% DN lý giải vì lãi suất cao, hơn 21% vì thị trường tiêu thụ giảm, 18,6% do tìm được kênh huy động khác…
Như vậy, việc giảm lãi suất đã tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn tín dụng tốt hơn. Hơn thế, việc tìm kiếm các kênh huy động khác, như vốn từ các quỹ đầu tư, bán cổ phần cho cổ đông chiến lược… đang là những cách thức được DN quan tâm nhiều hơn để huy động nguồn vốn dài hạn.
Điều các doanh nghiệp lo ngại nhất trong năm 2014 là gì, thưa bà?
Trong số các yếu tố tác động trực tiếp đến sản xuất - kinh doanh, thì nhu cầu cầu quốc tế, khả năng tiếp cận vốn được DN đánh giá có thay đổi lớn nhất theo hướng tích cực, với mức tăng điểm khá mạnh.
Tuy nhiên, trong số các yếu tố này, DN vẫn lo ngại rằng, nhu cầu thị trường trong nước chưa có cải thiện nhiều, giá thành sản xuất còn cao. Đây là lý do khiến lợi nhuận trên một đơn vị sản phẩm vẫn là chỉ số có điểm âm duy nhất (- 2 điểm) trong các chỉ số khảo sát để đánh giá chỉ số động thái tổng hợp cho năm 2014.
Khánh An