Cảng Đà Nẵng - một trong những cảng biển làm ăn có lãi của VIMC |
Theo ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Quyền Tổng giám đốc VIMC, trong năm 2018, Tổng công ty đã hoàn thành vượt mức 3/4 chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh, trong đó, sản lượng vận tải biển đạt 26,7 triệu tấn, tăng 24,5% so với kế hoạch; sản lượng hàng thông qua cảng đạt 96,6 triệu tấn, tăng 9,4% so với năm 2017.
Với các yếu tố đầu vào nói trên năm 2018, VIMC đạt tổng doanh thu 13.997 tỷ đồng, tăng 2,6% so với kế hoạch; lợi nhuận hợp nhất đạt 365 tỷ đồng. trong đó lợi nhuận khối cảng biển đạt 1.022 tỷ đồng, khối dịch vụ hàng hải đạt 83 tỷ đồng và khối vận tải biển giảm lỗ 29 tỷ đồng, giảm lỗ trên 80% so với kế hoạch.
Tính đến tháng 12/2018, tổng số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải biển thuộc Tổng công ty là 11 doanh nghiệp, gồm 82 tàu, tuổi tàu trung bình 15,7 tuổi, tổng trọng tải 1,726 triệu DWT, chiếm 21,7% tổng trọng tải đội tàu quốc gia, thị phần chiếm 18,4%. Khối Vận tải biển là Khối hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu kế hoạch. Mặc dù kết quả toàn khối vận tải chưa cắt lỗ nhưng đã giảm lỗ mạnh đến 80%, trong đó 2/11 doanh nghiệp đã cắt lỗ; doanh thu tăng 15,5%; chỉ số lợi nhuận hoạt động của doanh nghiệp trước lãi vay, thuế và khấu hao -Ebitda tăng 64,8%, sản lượng tăng 24,5% so với kế hoạch đã đóng góp tích cực vào hoàn thành kế hoạch năm 2018 của Tổng công ty.
Điều đáng nói là mặc dù vẫn là trụ cột chính mang lại lợi nhuận cho VIMC nhưng lĩnh vực kinh doanh khối cảng biển trong năm 2018 xuất hiện nhiều tín hiệu bất lợi. Theo đó, kết quả hoạt động của toàn khối cảng biển năm 2018 tuy vượt mức 4,2% kế hoạch lợi nhuận nhưng chỉ hoàn thành 98,8% kế hoạch sản lượng, trên 88% kế hoạch doanh thu do các cảng có tỷ trọng lớn chưa đảm bảo kế hoạch.
Ông Tĩnh cho biết, việc thu hồi, di dời của các cảng lớn như Cảng Hải Phòng, Cảng Sài Gòn đã làm giảm năng lực hoạt động, công tác tiếp thị dẫn đến khách hàng dịch chuyển sang các cảng khác; sự canh tranh tiếp tục căng thẳng, đặc biệt là khu vực Hải Phòng, để tạo ưu thế cạnh tranh nhiều cảng đã phải giảm giá dịch vụ, hoặc không cạnh tranh được với mức giá của các cảng lân cận khi giảm sâu hơn giá của các cảng từ 20%-30%... đã ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu của các cảng biển VIMC.
Một điểm sáng quan trọng trong bức tranh sản xuất kinh doanh của VIMC là công tác tái cơ cấu tại công ty mẹ và các công ty thành viên được triển khai khá hiệu quả. Năm 2018, Tổng công ty đã đạt được các thỏa thuận xử lý nợ tại khoảng 10 ngân hàng và tiếp tục làm việc với các Tổ chức tín dụng theo NQ107/NQ-CP ngày 10/10/2018. Trong đó, với những kết quả tích cực từ tái cơ cấu tài chính, đã cắt lỗ tại Vosco, Vinaship, giảm lỗ mạnh mẽ tại Công ty Vận tải biển Vinalines, toàn Khối Vận tải biển giảm lỗ đến 80%, đóng góp vào kết quả hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018 của Tổng công ty.
Về mục tiêu tài chính và sản xuất kinh doanh năm 2019, VIMC phấn đấu đạt doanh thu khoảng 12.714 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 711 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2018.