Doanh nghiệp
Năm 2019, Gemadept đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế chỉ bằng 68% năm 2018
Hồng Phúc - 04/05/2019 14:23
Ban lãnh đạo Công ty cổ phần Gemadept (mã: GMD) đặt kế hoạch năm 2019 với doanh thu hợp nhất tăng 3% so với kết quả 2018 (ước đạt 2.800 tỷ đồng). Tuy nhiên, việc không còn ghi nhận lợi nhuận trước thuế từ chuyển nhượng vốn như năm ngoái khiến lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2019 của Gemadept kỳ vọng đạt 32% so với kết quả năm 2018.

Năm 2018, lợi nhuận trước thuế từ chuyển nhượng vốn mang về cho Gemadept hơn 1.500 tỷ đồng trong tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2.182 tỷ đồng. Tính đến 31/03/2019, Gemadept có 18 công ty con, 17 công ty liên doanh/liên kết.

 Được biết, ngày 19/04/2019- 7 ngày sau khi đăng ký bán gần 4 triệu cổ phiếu GMD (tương đương 1.33% vốn điều lệ) bà Lê Thuý Hương có đơn từ nhiệm Thành viên HĐQT Công ty nhiệm kỳ 2018-2023.

Theo tài liệu Đại hội đồng cổ đông năm 2019 sẽ được tổ chức ngày 16/05, Ban lãnh đạo Gemadept sẽ trình cổ đông việc VI Fund I, VI Fund II và VI Partners là cổ đông nắm 30,44% vốn điều lệ của Gemadept đề cử ông Tsuyoshi Kato tham gia HĐQT Công ty.

Ông Tsuyoshi Kato (sinh năm 1969) làm việc tại Sumitomo Corporation từ năm 1993 và đang giữ vị trí Giám đốc điều hành phòng Kế hoạch Sumisho Global Logistics Co.,Ltd.

Dự kiến, Gemadept đưa ra mức chi cổ tức năm 2018 bằng tiền là 15% (tương đương 1.500 đồng/cổ phiếu).

Cùng với đó là mức trích 3% và 5% lợi nhuận sau thuế từ sản xuất kinh doanh thông thường (không bao gồm lợi nhuận từ việc chuyển nhượng vốn) cho Quỹ Hội đồng quản trị và Quỹ Khen thưởng phúc lợi năm 2018. 

Báo cáo tài chính quý I/2019 của GMD ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 629 tỷ đồng (giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2018) cùng tổng lợi nhuận trước thuế 161,1 tỷ đồng (quý I/2018 đạt 1.507 tỷ đồng).

Theo giải trình biến động lợi nhuận quý I/2019, Ban lãnh đạo Gemadept cho biết, quý I/2018, Công ty thực hiện tái cấu trúc nên phát sinh lợi nhuận trước thuế từ chuyển nhượng vốn trong các công ty là hơn 1.355 tỷ đồng. 

Một số chỉ tiêu kinh doanh của Gemadept trong 2019 (ĐVT: Tỷ đồng)


Chỉ tiêu

Kế hoạch 2019

Thực hiện 2018

Tỷ lệ tăng trưởng 2019/2018

Doanh thu hợp nhất

2.800

2.707

103%

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất

695

2.182

32%

LNTT từ sản xuất kinh doanh thông thường

695

604

115%

LNTT từ chuyển nhượng vốn

-

1.578

-


Gemadept được thành lập từ 1990. Theo Báo cáo thường niên năm 2018, Gamadept giới thiệu với dấu mốc khởi nghiệp này, Công ty “mang trên mình sứ mệnh đưa hàng hóa Việt Nam ra với thế giới và góp phần vào công cuộc xây dựng nền kinh tế quốc gia còn non trẻ”.

Sau  26 năm cổ phần hoá và 17 năm chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, đến nay, Gemadept đang khai thác hệ thống chuỗi 6 Cảng từ Bắc vào Nam và đặt mục tiêu, sau năm 2020 sẽ tăng gấp đôi lợi nhuận từ 2 hoạt động kinh doanh chính (Logistics và Khai thác cảng).

02 dự án trọng điểm của Gemadept trong năm 2019 là giai đoạn 2 của Dự án Cảng Nam Đình Vũ (Hải Phòng) dự kiến được triển khai từ quý III/2019 và đi vào khai thác vào 1 năm sau đó.

Cùng với đó, dự án cảng nước sâu Gemalink (Bà Rịa Vũng Tàu) với diện tích hơn 72 hecta, được đánh giá là cảng duy nhất tại Việt Nam có khả năng tiếp nhận các cỡ tàu lớn nhất thế giới (đến 200.000 DWT).

Theo Báo cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC), GMD đã hoàn thành việc thế chấp tài sản để đảm bảo khoản vay của Gemalink qua đó Gemalink tái khởi động lại vào tháng 02/2019. Hiện dự án hoàn thành được 39% tiến độ.

Dự án Gemalink giai đoạn 1 có tổng công suất 1.5 triệu TEUs dự kiến đi vào hoạt động vào quýII/2020, sẽ giúp cho tổng sản lượng khai thác container thông cảng của Gemadept tăng lên gần 3.5 triệu TEUs. BSC đánh giá cao hoạt động thúc đẩy tái khởi động của Gemalink nhằm tăng sản lượng container thông cảng ở khu vực trọng điểm Cái Mép – Thị Vải nơi có tốc độ tăng trưởng container dự kiến là 30% trong giai đoạn 2019-2020.

Theo BSC, cổ đông CMA - CGM (CMA Terminals- Tập đoàn Hàng hải Pháp) hiện đang góp 25% vốn tại dự án Gemalink cam kết sẽ chuyển nguồn hàng container vào cảng Gemalink với ước tính khoảng 700-800 ngàn TEUs. Qua đó, lượng hàng sẽ lấp đầy khoảng 60-70% công suất khai thác của cảng Gemalink.

“Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý dự án Gemalink giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư là 330 triệu USD, với tổng nợ vay dài hạn là gần 200 triệu USD. Chi phí lãi vay và khấu hao sẽ là gánh nặng cho GMD trong trường hợp Gemalink đưa vào vận hành không hiệu quả với tỷ suất lấp đầy thấp trong 1-2 năm đầu”, BSC đánh giá và cho rằng, Gemalink là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của Gemadept vào 2020 nhưng cần theo dõi thêm hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khi giai đoạn 1 của dự án này hoàn thành.

Tin liên quan
Tin khác