Đầu tư
Năm 2022, Đà Nẵng ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông
Việt Hương - 16/02/2022 10:06
Hàng loạt dự án đầu tư được UBND TP. Đà Nẵng điều chỉnh, phân bổ vốn để tập trung thi công hoàn thành trong năm 2022.

Kích hoạt dòng vốn mới

Theo đó, vốn đầu tư công năm 2022 đã được TP Đà Nẵng công bố, năm 2022, tổng vốn đầu tư phát triển được phân bổ hơn 7.880 tỷ đồng. Trong đó, nguồn lực vốn đầu tư các dự án công trình giao thông giá trị hơn 1.529 tỷ đồng, với 66 công trình (22 công trình thanh toán do đã hoàn thành vào năm 2021). Đặc biệt, đầu tư 503 tỷ đồng để khởi công dự án bến cảng Liên Chiểu.

Năm 2022, Đà Nẵng sẽ thực hiện đầu tư mới 30 công trình với tổng vốn hơn 532 tỷ đồng như: tuyến đường 19,5m nối từ đường quy hoạch khu dân cư Phần Lăng 2 đến đường Trường Chinh; cải tạo cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý; tuyến đường ven sông Cầu Đỏ - Túy Loan (đoạn km5 - km10) cùng hệ thống thoát nước - cây xanh tuyến đường Cầu Đỏ - Túy Loan; nâng cấp cải tạo tuyến đường ĐT 601; cải tạo nâng cấp tuyến đường Võ Duy Ninh.

Trước đó, Dự án cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý (Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là hơn 723 tỷ đồng đã thông xe

Về lĩnh vực giao thông, có các dự án như: bãi đỗ xe số 255 Phan Châu Trinh (giai đoạn 2); bãi đỗ xe số 166 Hải Phòng; cải tạo tuyến đường Ngô Quyền và Ngũ Hành Sơn; mở rộng các tuyến đường giao thông quanh chợ Phước Mỹ; cải tạo tuyến đường Mai Đăng Chơn (giai đoạn 1); cải tạo, nâng cấp tuyến đường Tô Hiệu (đoạn từ Tôn Đức Thắng đến Phùng Hưng); cải tạo, nâng cấp tuyến đường Nguyễn Như Hạnh; dự án nối từ tuyến đường Đà Sơn đến Nguyễn Minh Thảo; tuyến đường nối thông Trần Thái Tông đến Phạm Ngọc Mậu; mở rộng và nâng cấp tuyến đường nội bộ xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang; tuyến đường 45m đoạn từ Lê Hữu Trác đến Nguyễn Văn Thoại; tuyến đường 45m đoạn từ Hồ Ngọc Lãm đến Trương Định.

Ngoài ra, Thành phố này cũng có kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, như: dự án tuyến đường nối từ Châu Thị Vĩnh Tế đến Mỹ Đa Đông 8; mở rộng tuyến đường Lưu Quý Kỳ (đoạn phía nam Phan Đăng Lưu); tuyến đường giao thông phía bắc Lê Trọng Tấn (khu vực khu đô thị phía tây tuyến đường Trường Chinh); cải tạo, nâng cấp tuyến đường Lưu Quang Vũ; đầu tư xây dựng các tuyến đường trong Khu dân cư Hòa Phát 4. Đối với khu phố du lịch An Thượng (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) cũng được bố trí vốn để thi công hoàn thành trong năm 2022 như: tuyến đường An Thượng 2; An Thượng 3; Ngô Thì Sỹ - Võ Nguyên Giáp; Hoàng Kế Viêm - Võ Nguyên Giáp; Trần Bạch Đằng, Lê Quang Đạo.

Vốn đầu tư cũng bố trí bổ sung cho 13 dự án, công trình có tính chuyển tiếp từ các năm trước với tổng vốn 455 tỷ đồng như: tuyến đường vành đai phía tây đoạn từ quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh; tuyến đường trục 1 Tây Bắc (đoạn từ ngã ba Huế đến Bệnh viện Ung Bướu, đoạn từ Hồ Tùng Mậu đến Nguyễn An Ninh); các tuyến đường quốc phòng địa bàn quận Liên Chiểu và Sơn Trà; tuyến đường liên xã Hòa Phú - Hòa Ninh; khớp nối giao thông theo dự án tuyến kênh Khe Cạn; nâng cấp và mở rộng tuyến đường Ngô Chân Lưu và 2 nhánh nối tuyến đường Tô Hiệu đến khu dân cư Trung Nghĩa; tuyến đường gom ven đường sắt đoạn từ ngã ba Hòa Cầm đến Cầu Đỏ; tuyến đường nối từ phường Hòa Thọ Tây đến khu dân cư Phong Bắc thuộc phường Hòa Thọ Đông; các tuyến đường giao thông nội thị thuộc quận Cẩm Lệ; mở rộng tuyến đường Đỗ Ngọc Du từ 5,5m lên 10,5m; các tuyến đường ngang ven đường quốc lộ 14B với các xã thuộc huyện Hòa Vang; cải tạo tuyến đường liên thôn (Phú Sơn 2) thuộc xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang; cải tạo tuyến đường nối từ đường ĐH 2 đến thôn Hòa Khương tây, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang.

Về lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường cũng có vốn đầu tư cao. Trong đó, y tế - dân số và gia đình có 35 công trình đầu tư với 760 tỷ đồng; văn hóa - thông tin có 35 công trình, vốn đầu tư hơn 235 tỷ đồng; giáo dục - đào tạo có 58 công trình với vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng; khoa học - công nghệ có 4 công trình, vốn đầu tư 132 tỷ đồng; công nghệ - thông tin có 9 công trình với vốn đầu tư 207 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực cấp nước, thoát nước, Đà Nẵng đầu tư 311 tỷ đồng với 16 công trình; môi trường có 17 công trình với vốn đầu tư 822 tỷ đồng. Ngành thương mại đầu tư 9 tỷ đồng với 2 công trình gồm: chợ Tân An (phường An Khê, quận Thanh Khê); khởi công dự án chợ đầu mối Hòa Phước. Ngành du lịch triển khai 12 công trình với vốn đầu tư 16 tỷ đồng; lĩnh vực phát thanh - truyền hình đầu tư 2 công trình với vốn 7 tỷ đồng; hể thao đầu tư 5 công trình với vốn 39 tỷ đồng.

Lĩnh vực xã hội có 15 công trình với vốn đầu tư 128 tỷ đồng; an ninh trật tự, an toàn xã hội có 10 công trình với vốn đầu tư 43,7 tỷ đồng… Ngoài ra, phân bổ nguồn vốn đầu tư công năm 2022 cũng bố trí vốn đối ứng đối với các dự án có sử dụng vốn ODA; hỗ trợ đầu tư các công trình, dự án tại tỉnh Quảng Nam và các tỉnh nam Lào.

 Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Phùng Phú Phong cho biết, Đơn vị đã chủ động xây dựng phương án hướng dẫn “hoạt động thi công xây dựng trong bối cảnh thích ứng an toàn, kinh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19”. Đây là cơ sở để các dự án, công trình bảo đảm tiến độ thi công, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư.

Tăng tốc khơi thông nguồn lực

Thời gian vừa qua, khi dịch COVID-19 xuất hiện cũng là thời điểm TP. Đà Nẵng đã nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng, chuẩn bị hồ sơ pháp lý, cải cách hành chính đón đầu thu hút các nhà đầu tư.

TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu thu hút vốn đầu tư đăng ký giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 3 tỷ USD.

Bên cạnh sẵn sàng về cơ sở hạ tầng 6 khu công nghiệp, khu công nghệ cao, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ và đang từng bước xúc tiến thêm 4 khu công nghiệp mới để thu hút đầu tư. Đà Nẵng đang quyết tâm tăng tốc khơi thông nguồn lực, triển khai các dự án lớn như cảng Liên Chiểu, dự án Làng Vân, các công trình giao thông trọng điểm.

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng, hiện các khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã thu hút đến 505 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 3 tỷ USD. Trong giai đoạn 2021- 2025, TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu thu hút thêm 3 tỷ USD với 57 dự án trọng điểm về công nghệ cao, giao thông, logistic, du lịch, dịch vụ, giáo dục.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho hay, theo tinh thần Nghị quyết 43, đến năm 2025, tầm nhìn 2030, TP. Đà Nẵng quyết tâm đổi mới phát triển trở thành một đô thị khởi nghiệp, sáng tạo, là trung tâm kinh tế xã hội lớn của cả nước, cực tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên. “Và để thực hiện mục tiêu này, hiện Đà Nẵng đang tăng tốc khơi thông các nguồn lực, vừa phòng chống dịch, vừa linh hoạt phục hồi phát triển kinh tế”, ông Chinh nhấn mạnh.

Tin liên quan
Tin khác