Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo - mã chứng khoán DPM) tổ chức phiên họp thường niên năm 2022 của Đại hội đồng cổ đông với sự hiện diện của các cổ đông đại diện cho hơn 73 % số cổ phần có quyền biểu quyết.
Năm 2022 diễn ra trong bối cảnh các yếu tố về thị trường phân bón, giá khí tiếp tục có những khó khăn như đã diễn ra trong năm 2021 cùng với những tác động của đại dịch Covid-19. Đặc biệt, về nguồn cung khí thiên nhiên đã chuyển sang thời kỳ khó khăn, các nguồn khí giá rẻ sụt giảm sản lượng.
Tuy vậy, trong 6 tháng đầu năm 2022, PVFCCo tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả. Vì vậy, năm 2022, Tổng công ty đặt kế hoạch doanh thu ở mức 17.239 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 4.130 tỷ đồng, tăng trưởng đáng kể so với năm 2021, và đặc biệt giữ mức chia cổ tức 50% như năm 2021.
PVFCCo cũng đặt mục tiêu tìm kiếm nguồn khí ổn định (sản lượng, giá bán) dài hạn cho sản xuất đạm, đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời tăng cường công tác quản lý chi phí, hạ giá thành sản phẩm để nâng cao hiệu quả hoạt động từ PVFCCo tới các đơn vị thành viên.
Trong đó, tập trung công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các đơn vị thành viên để đảm bảo việc quản lý; huy động và sử dụng vốn đúng mục đích, chặt chẽ, an toàn và hiệu quả. Tăng cường hiệu quả công tác cân đối vốn, dòng tiền và quản lý công nợ để không phát sinh nợ xấu mới, có biện pháp xử lý để thu hồi nợ tồn đọng, khó đòi, đảm bảo tình hình tài chính lành mạnh và thực hiện đầy đủ các biện pháp quản trị rủi ro theo quy định.
Tiếp tục nỗ lực có giải pháp, tăng cường công tác bán hàng; duy trì lượng hàng tồn kho hợp lý để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Phát triển thị trường kinh doanh sản phẩm NPK Phú Mỹ, tăng cường công tác tiếp thị và truyền thông để định hình thương hiệu NPK Phú Mỹ cả về mẫu mã và chất lượng. Xây dựng hệ thống phân phối phân bón bền vững trong nước và tìm kiếm mở rộng thị trường nước ngoài.
Ngoài ra, PVFCCo cũng đặt mục tiêu nghiên cứu cơ hội đầu tư các dự án sản xuất Melamin, Adblue nhằm nâng cao giá trị gia tăng và vận hành đủ tải xưởng UFC/formaldehyde; sản xuất sô đa từ CO2 và NH3 dư; sản xuất DAP; sản xuất PVC và xây dựng kho cảng hoá chất.
Trước đó trong năm 2021, do tình hình khó khăn vì đại dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực tuy vẫn duy trì được đà tăng trưởng.
Lĩnh vực phân bón bị ảnh hưởng chung của đại dịch, chuỗi cung ứng đứt gãy, đình trệ; tình hình cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng gay gắt, chi phí sản xuất, kinh doanh tăng; ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu tiêu thụ phân bón. Cạnh đó, các khó khăn khác của năm 2020 tiếp tục kéo dài như chi phí thuế giá trị gia tăng đầu vào không được khấu trừ tiếp tục chiếm phần đáng kể trong chi phí sản xuất.
Tuy nhiên, thị trường phân bón thế giới bị ảnh hưởng bởi đại dịch đã hạn chế nguồn cung phân bón nhập khẩu, đẩy mức giá bán sản phẩm lên cao, giúp cho biên lợi nhuận của các nhà sản xuất phân bón trong nước tăng lên.
Đồng thời, với nỗ lực khắc phục các bất lợi của đại dịch, quản lý chi phí, tận dụng cơ hội của tập thể lãnh đạo, người lao động Tổng công ty và được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và giúp đỡ kịp thời của các cơ quan ban ngành, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, sự đồng hành, chia sẻ của quý cổ đông, Tổng công ty đã kịp thời nắm bắt thời cơ, nhờ đó đạt kết quả sản xuất kinh doanh có thể nói là kỷ lục trong lịch sử của mình.
Cụ thể, doanh thu đạt 13.119 tỷ đồng, tăng 63% so với năm 2020. Lợi nhuận trước thuế đạt 3.799 tỷ đồng, gấp 4,5 lần so với năm 2020. Với kết quả sản xuất tích cực này, Đại hội đồng cổ đông thông qua mức chi cổ tức 50% bằng tiền mặt cho năm 2021.