Tiêu dùng
Nắm bắt nhu cầu thị trường để tăng xuất khẩu sang Trung Quốc
Minh Nhung - 19/09/2021 12:49
Nhập siêu từ Trung Quốc về Việt Nam đang tăng mạnh, dự báo cả năm 2021 có thể lên tới 65,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, cần có biện pháp để đẩy mạnh chiều xuất khẩu.
Trung Quốc đang có nhu cầu nhập khẩu nhiều loại nông sản tăng của Việt Nam.

Trung Quốc là thị trường xuất nhập khẩu truyền thống của Việt Nam, bao gồm cả kênh chính ngạch và tiểu ngạch (chiếm tỷ trọng không khoảng 10 - 11%). “Khẩu vị tiêu dùng” của thị trường Trung Quốc khá tương đồng với Việt Nam, nhất là đối với các mặt hàng máy móc, thiết bị, đồ dùng…

Với diện tích lớn gấp 29 lần Việt Nam, dân số gần 1,5 tỷ người, Trung Quốc là thị trường rất lớn. GDP bình quân đầu người của Trung Quốc cao gấp nhiều lần Việt Nam, nhưng tỷ trọng trong GDP của tiêu dùng cuối cùng thấp hơn (55,7% so với 74,5%). Đáng chú ý, Trung Quốc đang đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (tỷ trọng trong GDP của nông, lâm nghiệp - thủy sản chỉ còn 7,1%; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng là 39% và dịch vụ là 53,9%), sản lượng nhiều sản phẩm giảm (như gạo, ngô, khoai lang, cà phê…) hoặc tăng thấp (lúa mì, cao su…), trong khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao.

Gần đây, Trung Quốc chịu nhiều thiên tai, nên nhu cầu nhập khẩu nhiều loại nông sản tăng, tạo điều kiện cho Việt Nam xuất khẩu những mặt hàng này. Tuy nhiêu, đáng lưu ý là, chênh lệch tỷ giá hối đoái so với tỷ giá sức mua tương đương của Trung Quốc thấp hơn nhiều so với của Việt Nam (1,64 lần so với 3,09 lần), tức là giá hàng hóa của Việt Nam cao hơn của Trung Quốc, hay xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc bất lợi hơn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Bên cạnh đó, chính sách của Trung Quốc đối với hàng xuất khẩu tiểu ngạch của Việt Nam thường thay đối bất ngờ, làm cho nhiều loại nông sản của Việt Nam bị ứ đọng ở các cửa khẩu, gây thiệt hại không nhỏ cho đơn vị xuất khẩu và người sản xuất trong nội địa.

Những năm qua, Việt Nam liên tục tăng nhập siêu từ Trung Quốc. Các mặt hàng nông sản nhập từ Trung Quốc thường gặp vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với máy móc, thiết bị, thì có nhiều loại không phải là kỹ thuật- công nghệ nguồn, mà chủ yếu là thiết bị tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu lớn, tác động tiêu cực đến môi trường.

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cẳng thẳng mấy năm nay khiến nhiều mặt hàng từ Trung Quốc không được trực tiếp xuất khẩu sang Mỹ, nên đã có tình trạng thông qua một số doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam để đưa sang tiêu thụ tại Việt Nam hoặc trung chuyển để xuất khẩu sang Mỹ và các nước khác.

Trong 8 tháng của năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 32,7 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2020. Do Covid-19 còn diễn biến phức tạp ở cả Việt Nam và Trung Quốc, dự báo trong 4 tháng cuối năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 16,4 tỷ USD và cả năm sẽ đạt 41,9 tỷ USD, tăng 0,4% so với năm 2020.

Nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam trong 8 tháng của 2021 đạt 72,5 tỷ USD, tăng tới 47,1% so với cùng kỳ năm 2020. Dự báo cả năm 2021, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 107,4 tỷ USD, tăng 27,6% so với năm 2020.

Như vậy, trong 8 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã nhập siêu từ Trung Quốc 39,8 tỷ USD, tăng rất cao so với cùng kỳ năm 2020 (22 tỷ USD). Dự báo cả năm 2021, con số nhập siêu từ Trung Quốc sẽ lên tới 65,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay (năm 2020, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 35,3 tỷ USD). Những con số này cần được lưu ý để có biện pháp ứng xử nhằm tăng xuất khẩu và giảm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tin liên quan
Tin khác