Hình minh họa |
Chưa như kỳ vọng
Còn nhớ, năm 2003, ngành kinh tế xanh Việt Nam khởi động chương trình Năm Du lịch quốc gia, sự kiện kinh tế, văn hóa, xã hội quan trọng, có quy mô quốc tế, do một địa phương đăng cai đã tạo được những hiệu ứng tích cực.
Sau đó, sự kiện này được tổ chức thường niên, trừ năm 2009 bị hủy bỏ vì tỉnh Đắk Lắk, địa phương đăng cai rút lui và năm 2020 bị hoãn do Covid-19 bùng phát. Thông qua các hoạt động trong Năm Du lịch quốc gia, giá trị, vẻ đẹp, tiềm năng phát triển du lịch của các vùng miền nói riêng và Việt Nam nói chung được giới thiệu, quảng bá đến nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.
- Ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Đơn cử, Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013 có tới 67 sự kiện quan trọng, đã góp phần thúc đẩy du lịch liên vùng phát triển; xây dựng hạ tầng du lịch và dịch vụ lưu trú tốt, tạo điều kiện cho du khách đến với 11 tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Hồng. Riêng với Hải Phòng, khách du lịch đến thành phố này trong năm 2013 tăng mạnh so với năm 2012, đạt khoảng 35 triệu lượt, doanh thu đạt trên 35.000 tỷ đồng.
Với chủ đề Kết nối các di sản thế giới, Năm Du lịch quốc gia 2015 diễn ra 61 sự kiện có quy mô lớn tại Thanh Hóa và các tỉnh, thành phố có di sản. Tất cả tạo nên một chuỗi hoạt động liên tục, xuyên suốt và rộng khắp trên cả nước, gắn với hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Lượng khách đến Thanh Hoá trong năm 2015 tăng trưởng đột phá, đạt hơn 5,5 triệu lượt; tổng thu nhập từ du lịch đạt 5.180 tỷ đồng, tăng 40,4% so với năm 2014.
Hay với Khánh Hòa, năm 2019, việc tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2019 đã giúp địa phương này đón được gần 7,2 triệu lượt du khách với khoảng 21 triệu ngày lưu trú, tăng lần lượt 12,6% và 23,4% so với năm 2018, trong đó, khách quốc tế đạt 3,6 triệu lượt, tăng 27,5%; tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 27.000 tỷ đồng, tăng 24,2 % so với năm 2018.
Tuy nhiên, Năm Du lịch quốc gia 2021 - Hoa Lư, Ninh Bình không đạt hiệu quả như kỳ vọng, bởi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước và toàn cầu. Do đó, chỉ có 3/12 sự kiện chính do tỉnh Ninh Bình đăng cai và 2/4 sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện được tổ chức tại Ninh Bình; 30/104 sự kiện hưởng ứng được tổ chức ở 27 địa phương trên cả nước.
Ông Trần Song Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, Phó trưởng ban Tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2021 cho biết, hầu hết chương trình, sự kiện bên lề, hưởng ứng của các địa phương trên cả nước đã được xây dựng kế hoạch, chuẩn bị công phu đều phải hoãn, hủy hoặc cắt giảm quy mô theo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch Covid-19. Các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cũng như cả nước phải tạm thời đóng cửa trong phần lớn thời gian của năm qua. Nhiều sự kiện xúc tiến, quảng bá trong năm 2020 và 2021 đã phải điều chỉnh, ứng dụng các nền tảng số để tổ chức triển lãm, hội chợ ảo…
Bên cạnh nguyên nhân khách quan, Năm Du lịch quốc gia 2021 chưa đạt kỳ vọng cũng có nguyên nhân chủ quan. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt chỉ rõ: công tác tuyên truyền, vận động của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế, thiếu phối hợp với địa phương.
“Do vậy, khách đến xem và tham quan chủ yếu là khách địa phương. Việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2021 còn chưa rộng, chưa đồng đều. Bên cạnh đó, công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kế hoạch chưa được thường xuyên, nguồn ngân sách bố trí cho hoạt động còn hạn chế”, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nói.
Phải định hình rõ nét thương hiệu du lịch địa phương
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh, sau 2 năm ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, nhiệm vụ chính của ngành du lịch giờ đây là phải nối lại chuỗi cung ứng dịch vụ, liên kết chặt chẽ hơn để khơi thông lại thị trường và tạo dựng niềm tin, sự an tâm cho du khách. Đồng thời, mỗi chủ thể trong ngành phải đổi mới tư duy và cách làm du lịch thích ứng kịp với xu hướng mới.
Đặt kỳ vọng vào Năm Du lịch quốc gia 2022 với sự đăng cai của tỉnh Quảng Nam, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đề nghị Tổng cục Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam với tư cách là cơ quan tham mưu cho Ban Chỉ đạo Năm Du lịch quốc gia 2022 quan tâm, lưu ý: “Dấu ấn của Năm Du lịch quốc gia 2022 để lại phải định hình rõ nét thương hiệu du lịch của địa phương đăng cai và của vùng, góp phần tạo ra những sản phẩm, chương trình du lịch đặc trưng, tạo ra sinh kế cho người dân địa phương”.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị Tổng cục Du lịch và các cơ quan liên quan chủ động quan tâm, hỗ trợ tối đa, lồng ghép hình ảnh Năm Du lịch quốc gia vào các sự kiện quảng bá xúc tiến du lịch trong và ngoài nước; tổ chức sự kiện lớn, thu hút sự quy tụ của ngành về Quảng Nam, tăng cường hoạt động hướng đến thị trường du lịch quốc tế.