Sức khỏe doanh nghiệp
Nam Sông Hậu (PSH): Quý I/2022, lợi nhuận cốt lõi giảm 86,3% về 11,09 tỷ đồng
Duy Bắc - 18/05/2022 08:25
Trong quý I/2022, Nam Sông Hậu ghi nhận doanh thu đạt 2.353,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 13,65 tỷ đồng, lần lượt tăng 34,7% và giảm 69,3% so với cùng kỳ năm trước.

CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (mã chứng khoán PSH - sàn HoSE) công bố Báo cáo tài chính quý I/2022.

Theo đó, trong quý I/2022, Nam Sông Hậu ghi nhận doanh thu đạt 2.353,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 13,65 tỷ đồng, lần lượt tăng 34,7% và giảm 69,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 11,3% về còn 6%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 29,4% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 58,19 tỷ đồng về 140,05 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 1,48 tỷ đồng lên 5,19 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm nhẹ 2,9%, tương ứng giảm 1,35 tỷ đồng về 45,5 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 18,5%, tương ứng tăng thêm 13 tỷ đồng lên 83,46 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng 28,32 tỷ đồng so với cùng kỳ và chỉ còn lỗ 1,58 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp - chi phí tài chính - chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong quý I/2022, lợi nhuận cốt lõi giảm tới 86,3% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 69,84 tỷ đồng về chỉ còn 11,09 tỷ đồng.

Như vậy, mặc dù hoạt động kinh doanh cốt lõi giảm mạnh tới 86,3%, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ giảm 69,3% chủ yếu do công ty giảm lỗ hoạt động khác từ lỗ 29,9 tỷ đồng về còn lỗ 1,58 tỷ đồng.

Cơ cấu thu nhập và chi phí khác của PSH trong quý I/2022 (Nguồn: BCTC).

Công ty có thuyết minh thêm, nguyên nhân giảm lỗ hoạt động khác do cùng kỳ ghi nhận chi phí phạt vi phạm hành chính, chậm nộp thuế 29,6 tỷ đồng, nhưng trong quý I/2022 chỉ còn 14,6 triệu đồng.

Trong năm 2022, Nam Sông Hậu đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 14.476 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 348 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 151,45% và 8,92% so với thực hiện trong năm 2021. Như vậy, kết thúc quý đầu năm, công ty chỉ hoàn thành được 3,9% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tính tới 31/3/2022, tổng tài sản của Nam Sông Hậu tăng 1% so với đầu năm lên 9.948,4 tỷ đồng. Trong đó, tài sản công ty chủ yếu là tồn kho đạt 5.184,6 tỷ đồng, chiếm 52,1% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 1.521 tỷ đồng, chiếm 15,3% tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn đạt 1.493,3 tỷ đồng, chiếm 15% tổng tài sản và các tài sản khác. Trong tồn kho, chủ yếu 3.160,9 tỷ đồng hàng hoá; 1.854,7 tỷ đồng thành phẩm ….

Tài sản dở dang dài hạn tới 31/3/2022. (Nguồn: BCTC).

Một điểm đáng lưu ý, tính tới cuối quý I/2022, công ty đang dùng 1.493,3 tỷ đồng để đầu tư tài sản dở dang dài hạn. Trong đó, 197 tỷ đồng tiền bồi thường đất dự án Soài Rạp; 177,8 tỷ đồng dự án Khu du lịch sinh thái Phong Điền; 120,1 tỷ đồng dự án Vàm Láng; 115 tỷ đồng dự án Khu phức hợp sản xuất nông sản tại An Giang; 92,8 tỷ đồng dự án nuôi trồng thuỷ sản Trần Đề - Sóc Trăng; 75 tỷ đồng dự án kho Mái Dầm; 38,96 tỷ đồng dự án kho trung chuyển xăng dầu Ngã Năm, Sóc Trăng ….

Ngoài ra, xét về cơ cấu nợ vay, tính tới cuối quý I/2022, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn giảm 80,8 tỷ đồng về còn 3.407,6 tỷ đồng và chiếm 34,3% tổng nguồn vốn.

Lãnh đạo bán chui cổ phiếu và công ty “quay xe” huỷ kế hoạch phát hành riêng lẻ

Theo đó, ngày 5/4, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Đỗ Thuỷ Tiên, người phụ trách quản trị Nam Sông Hậu số tiền 100 triệu đồng do không báo cáo về dự kiến giao dịch.

Cụ thể, bà Đỗ Thủy Tiên bán 49.300 cổ phiếu PSH vào ngày 03/8/2021 và bán 696.500 cổ phiếu PSH vào ngày 04/8/2021, nhưng không báo cáo về dự kiến giao dịch.

Ở một diễn biến khác, đầu năm 2022, Nam Sông Hậu bất ngờ xin ý kiến huỷ phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho 3 nhà đầu tư cá nhân để tăng vốn.

Trước đó, theo phương án này, Công ty sẽ phát hành riêng lẻ gần 75,72 triệu cổ phiếu cho 3 nhà đầu tư cá nhân để tăng vốn lên gần 2.020 tỷ đồng, tức tăng khoảng 60% so với hiện nay.

Đáng chú ý, cả 3 nhà đầu tư “chiến lược” tham gia đợt phát hành riêng lẻ đều là lãnh đạo chủ chốt của Công ty, bao gồm ông Mai Văn Huy - Chủ tịch Hội đồng quản trị (dự kiến mua 60 triệu cổ phiếu), bà Võ Bích Trâm - Thành viên Hội đồng quản trị (dự kiến mua 10 triệu cổ phiếu) và ông Mai Hữu Phúc - Phó tổng giám đốc (dự kiến mua gần 5,72 triệu cổ phiếu còn lại). Trong đó, ông Mai Hữu Phúc chính là con trai ông Mai Văn Huy.

Mức giá chào bán của lô cổ phiếu riêng lẻ này là 14.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 40% so với giá đóng cửa của cổ phiếu PSH trong phiên giao dịch ngày 5/1/2022 (23.700 đồng/cổ phiếu).

Tuy nhiên, phía lãnh đạo PSH cho biết, căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay tại Công ty đối với việc huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, HĐQT PSH đã gửi công văn tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước dừng xem xét hồ sơ chào bán cổ phiếu riêng lẻ theo Nghị quyết HĐQT số 09.01.2022/NQ-HĐQT ngày 9/1/2022.

Được biết, chính vì thông tin ban lãnh đạo gồm ông Huy, bà Trâm và ông Phúc được mua chiết khấu 40% so với giá thị trường, nhiều nhà đầu tư đặt ra lo ngại rủi ro pha loãng và áp lực giá cổ phiếu trong đợt phát hành riêng lẻ này. Thông thường, để tăng sức hấp dẫn cho cổ phiếu và tránh pha loãng cổ phiếu trên sàn, các doanh nghiệp thường phát hành riêng lẻ với giá cao hơn hoặc tương đương với thị trường, tránh trường hợp phát hành riêng lẻ chiết khấu tới 40%.

Tin liên quan
Tin khác