Công ty cổ phần Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (UPCoM: NTC) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2024 với doanh thu thuần đạt gần 57 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế giảm 18% về hơn 65 tỷ đồng.
Doanh nghiệp cho biết lợi nhuận quý này giảm là do doanh thu hoạt động tài chính giảm, chủ yếu do cổ tức nhận được từ các công ty đầu tư bên ngoài.
Tính đến cuối tháng 3, tổng tài sản của doanh nghiệp này hơn 4.578 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn là 1.523 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, chi phí trả trước dài hạn hơn 1.781 tỷ đồng và đầu tư tài chính dài hơn hơn 1.000 tỷ đồng.
Một góc dự án khu công nghiệp Nam Tân Uyên. ẢnhL NTC |
Tài sản dở dang dài hạn của công ty ghi nhận hơn 181 tỷ đồng, trong đó, gần 10 tỷ đồng là chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn tại dự án Khu dân cư Nam Tân Uyên mở rộng và gần 172 tỷ đồng là chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng (giai đoạn 2). Hai khoản mục này gần như không biến động so với thời điểm đầu năm.
Điểm sáng lớn nhất trong bức tranh tài chính quý này của Nam Tân Uyên là người mua trả tiền trước ngắn hạn ghi nhận 308 tỷ đồng, trong đó gần 303 tỷ đồng là các cá nhân và công ty ứng trước tiền thuê đất tại khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng - giai đoạn II (tỉnh Bình Dương), tăng hơn 30 tỷ đồng so với đầu năm.
Được biết, từ năm 2023, doanh nghiệp đã bắt đầu ký hợp đồng ghi nhớ (MOU) với các khách hàng tại dư án này.
Tại thời điểm cuối quý I, doanh thu chưa thực hiện của Nam Tân Uyên hơn 2.980 tỷ đồng, đây là các khoản nhận tiền trước cho thuê đất, hạ tầng khu công nghiệp.
Tính đến thời điểm hiện tại, Nam Tân Uyên vẫn chưa công bố các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh 2024. Mới đây, HĐQT Công ty đã thông qua Nghị quyết gia hạn thời gian tổ chức ĐHĐCĐ thường niên. Thời gian gia hạn chậm nhất đến ngày 30/6/2024 theo quy định của pháp luật.
Lý do được doanh nghiệp đưa ra là để đảm bảo công tác chuẩn bị đầy đủ các nội dung văn bản trình ĐHĐCĐ thường niên theo quy định.
Tuy vậy, trong báo cáo thường niên 2023 được doanh nghiệp công bố mới đây cho biết, trong thời gian tới, công ty vẫn tiếp tục đẩy mạnh phát triển lĩnh vực kinh doanh đầu tư hạ tầng khu công nghiệp với dự án khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng – giai đoạn II, đồng thời mở rộng ngành nghề kinh doanh cho thuê nhà xưởng tại khu công nghiệp này. Đây là nguồn doanh thu bền vững được phát triển và tăng đều hàng năm.
Trong giai đoạn tới, tỉnh Bình Dương định vị mình lên một phân khúc mới trong phát triển công nghiệp đó là phát triển công nghiệp gắn liền với phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Khu công nghiệp sẽ không còn đơn thuần là sản xuất, mà thay vào đó là sự đan xen và hài hòa giữa công nghiệp, đô thị, giáo dục, nghiên cứu.
Hiện nay, Nam Tân Uyên cũng đang nghiên cứu mô hình trên, doanh nghiệp nhìn nhận đó là mô hình tích hợp liên thông các chức năng khu công nghiệp, bệnh viện, trường học, nhà hàng, khách sạn và trung tâm thương mại kết hợp với phát triển đô thị đáng sống để hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Năm 2023, Nam Tân Uyên ghi nhận doanh thu đạt hơn 235 tỷ đồng, giảm 12,31% so với năm 2022, tuy nhiên doanh thu hoạt động tài chính tăng trưởng tới 54,9% lên gần 241 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận sau thuế năm 2023 của công ty đạt gần 300 tỷ đồng, tăng trưởng 17,2%.
Như vậy, với kế hoạch năm 2023 đề ra là lợi nhuận sau thuế hơn 284,45 tỷ đồng, kết thúc năm qua, Nam Tân Uyên đã vượt hơn 5% kế hoạch. Đồng thời, 300 tỷ đồng lợi nhuận 2023 là con số cao thứ hai kể từ khi Nam Tân Uyên lên sàn, chỉ xếp sau năm 2018 đạt 470 tỷ đồng.