Ông đánh giá thế nào về quan hệ hợp tác, nhất là quan hệ thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và Malaysia?
Năm 2013 đánh dấu 40 năm Việt Nam và Malaysia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Với 13 hiệp định hợp tác được ký kết trên nhiều lĩnh vực, mối quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Malaysia đã có nhiều chuyển biến rất tích cực.
| ||
Ông Shazryll Zahiran, Tổng lãnh sự Malaysia tại TP.HCM |
Malaysia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 trong khu vực ASEAN và lớn thứ 9 trên thế giới của Việt Nam.
Tính đến hết tháng 6/2013, Malaysia có 443 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký 10,2 tỷ USD, đứng thứ 8 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Dầu khí, lương thực, bất động sản... là những lĩnh vực thu hút nhiều dự án đầu tư của Malaysia.
Tôi tin tưởng rằng, đầu tư của Malaysia tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.
Theo ông, những yếu tố nào khiến các doanh nghiệp (DN) Malaysia quyết định đầu tư ở Việt Nam?
Việt Nam là nước đang phát triển và có tiềm năng lớn để phát triển công nghiệp. Hơn nữa, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Đó là lý do tại sao các DN Malaysia muốn mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Theo tôi, có 5 yếu tố khiến các DN Malaysia lựa chọn đầu tư ở Việt Nam.
Đó là, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm và có nhiều chính sách tốt nhằm thu hút đầu tư; khoảng cách gần về địa lý giữa 2 nước; sự am hiểu lẫn nhau giữa lãnh đạo, DN 2 nước; mối quan hệ giữa hai nước đã được xây dựng, phát triển tốt đẹp suốt 40 năm qua; sự hòa hợp về văn hóa, con người Việt Nam - Malaysia.
Các lĩnh vực đầu tư của Malaysia khá đa dạng. Trước đây, chúng tôi đầu tư nhiều vào bất động sản, hiện đã tiến tới đầu tư vào sản phẩm công nghệ cao, năng lượng…
Không chỉ có nhà đầu tư Malaysia đến đầu tư tại Việt Nam, mà chúng tôi còn muốn đưa các nhà đầu tư quốc gia khác (đã hợp tác với chúng tôi) đến Việt Nam.
Malaysia hiện là quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu dầu cọ. Hiện mối quan tâm của các nhà đầu tư Malaysia về lĩnh vực này tại Việt Nam ra sao, thưa ông?
Hiện Malaysia là nhà sản xuất và xuất khẩu dầu cọ lớn nhất trên thế giới. Malaysia sở hữu nhiều công nghệ tiến tiến trong lĩnh vực sản xuất dầu cọ.
Chúng tôi đã phát triển được hơn 58.000 sản phẩm dầu cọ hoặc liên quan đến dầu cọ. Vì vậy, các DN sản xuất dầu cọ Malaysia luôn tìm kiếm đối tác có cùng ý tưởng và mong muốn làm ra các sản phẩm về dầu cọ có chất lượng cao để phục vụ cho nhu cầu của con người.
Chúng tôi luôn đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường lớn và tiềm năng trong việc hợp tác phát triển ở lĩnh vực này. Bằng chứng là, năm 2012, Malaysia đã xuất khẩu sang Việt Nam 469.000 tấn dầu cọ, tăng gần 12% so với năm 2011.
Thực ra, cây cọ đã được trồng thử nghiệm tại Việt Nam, nhưng diện tích và số lượng không lớn. Vì thế, các DN Malaysia đang tìm kiếm những đối tác cũng như những điều kiện thích hợp nhất để có thể phát triển loại cây này tại Việt Nam.
Theo ông, DN Malaysia có thể gặp “rào cản” gì khi đầu tư vào Việt Nam?
Khi đầu tư vào một quốc gia khác, thông thường, nhà đầu tư đều chú trọng đến một số vấn đề, như thể chế chính trị, cơ chế kinh tế, quy định về đầu tư... xem có thích hợp với mình hay không.
Bên cạnh đó, quy trình, thủ tục, giấy tờ để được cấp phép đầu tư không quá phức tạp, rắc rối cũng là yếu tố quan trọng trong việc mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài…
Các nhà đầu tư Malaysia luôn coi Việt Nam là nơi có thể khuyến khích được họ đầu tư. Tuy nhiên, điều mà không chỉ riêng DN Malaysia quan tâm là các dự án đầu tư sẽ được hỗ trợ thế nào về tài chính, thuế, hoàn thuế, chính sách bảo vệ nhà đầu tư… để có thể cân nhắc, quyết định đầu tư.
Hồng Sơn