Bài toán “Doanh nghiệp gia đình - quyền kiểm soát và sở hữu” đúng là không hề dễ giải. Bởi không nằm ngoài dự đoán, ngay sau khi phần 1 của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công với chủ đề nói trên được phát sóng, rất nhiều quan điểm trái chiều đã được bày tỏ trên trang fanpage của Chương trình.
Chuyện là, ở một công ty gia đình chuyên về dệt may, đã có danh tiếng, khi người sáng lập vì nhiều lý do đã phải trao lại quyền cho em gái và các thành viên thuộc thế hệ sau. Nhưng sau một thời gian, người em gái cũng chuyển giao toàn quyền sở hữu cho các con.
Ông Nguyễn Tri Phương, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn P-Group là người ngồi vị trí CEO trong Chương trình |
Vấn đề là, chỉ có một số con cháu và người thừa kế đã và đang tham gia điều hành và quản lý trực tiếp doanh nghiệp. Một số khác có sở hữu lớn, nhưng chỉ tham gia trong HĐQT, không trực tiếp điều hành. Thậm chí, vì nhiều lý do, các thành viên HĐQT được thừa kế muốn rút khỏi công ty, chuyển nhượng quyền sở hữu cho người khác, hoặc chỉ giữ vai trò đầu tư tài chính.
Khúc mắc bắt đầu nảy sinh khi CEO (cũng là cổ đông lớn nhất) phản đối điều này, vì cho rằng, doanh nghiệp là gia sản của gia đình, nên mọi người phải có trách nhiệm chung tay gánh vác, giữ gìn và phát huy. Việc nhượng quyền sở hữu cho người ngoài sẽ khiến gia đình mất quyền kiểm soát công ty, cấu trúc quản trị gia đình bị phá vỡ và rất có thể sẽ bị thôn tính.
Các cổ đông lại cho rằng, khi các thành viên HĐQT này không còn tâm huyết với công ty, thì cũng không còn mang lại giá trị gì cho công ty nữa. Do đó, nếu họ nhượng quyền, thì các thành viên HĐQT còn lại sẽ tiếp nhận để nắm cổ phần nhiều hơn. Hoặc có thể tìm kiếm thêm các thành viên khác trong đại gia đình hoặc họ hàng có mong muốn phát triển doanh nghiệp để trao quyền.
Người ủng hộ quan điểm của CEO cho rằng, thoái lui và nhượng quyền cho những thành viên bên ngoài khi họ không phải người hiểu doanh nghiệp đồng nghĩa với việc chấp nhận nguy hiểm. “Việc thoái vốn của các cổ đông là người trong gia đình có thể gây ra một bước hụt lớn. Ngoài ra, rất mất thời gian để tìm thành viên bên ngoài có độ tín nhiệm và tin tưởng cao”, bạn Nam Phong nói.
Tuy nhiên, không ít ý kiến lại cho rằng, cổ phần chỉ có giá trị khi còn trong tay những thành viên tâm huyết. Nếu các cổ đông đã muốn rút lui thì hãy nhượng lại cho người có thể giúp công ty phát triển. Thậm chí, khá thẳng thắn, không ít người cho rằng, thành viên trong HĐQT dù là người nhà, nhưng đã không còn thiết tha với công ty thì việc điều hành rất dễ bị ảnh hưởng. Vì thế, nên tôn trọng quyết định rút lui của họ.
“Nên dành ra 3 - 5 năm đào tạo và bồi dưỡng cho con cháu. Trong lúc đó, hãy dùng những người ngoài có thâm niên làm việc lâu năm với công ty và có khả năng quản lý, điều hành, để họ tiếp tục phát triển công ty”, bạn Bảo Nam đề xuất.
Những ý kiến đều khá xác đáng. Vậy đâu mới là lời giải hợp lý trong tình huống này? Hai chuyên gia của Chương trình là ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn Hà và ông Hoàng Đức Hùng, Phó tổng giám đốc phụ trách mảng doanh nghiệp trong nước Công ty PwC Việt Nam sẽ có những tư vấn hữu ích cho bài toán nan giải này.n
Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của Tập đoàn bất động sản Novaland.
Quý doanh nghiệp, doanh nhân có thể xem thông tin chi tiết về chương trình tại fanpage facebook: ww.facebook.com/ceochiakhoathanhcongsme.
Các chương trình lên sóng đều được phát online trên kênh CEOTVNEXT của Youtube.