Quốc lộ 5 hiện có mức thu phí thấp nhất trên toàn quốc. Ảnh: Đ.T |
Đắn đo tăng phí
Cho đến thời điểm này, đề xuất tăng mức thu phí sử dụng đường bộ trên Quốc lộ 5 – một trong những nguồn thu hoàn vốn cho Dự án BOT Đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đã nhận được tín hiệu đồng thuận từ Bộ Tài chính và Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT).
Trước đó, vào cuối tháng 6/2015, Vidifi đã có văn bản gửi liên bộ Tài chính và GTVT xin điều chỉnh mức thu phí sử dụng đường bộ trên Quốc lộ 5 theo phương án tài chính điều chỉnh Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cụ thể, mức thu phí đường bộ Quốc lộ 5 sẽ được điều chỉnh dần theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn I (từ đầu tháng 7/2015 đến hết ngày 31/12/2015), mức thu phí tại 2 trạm trên Quốc lộ 5 sẽ bằng 3 lần mức thu tối thiểu theo Thông tư số 159/2013/TT – BTC về việc hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ (riêng mức thu xe nhóm 5 – xe tải có trọng tải từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet thu không quá 180.000 đồng/lượt). Giai đoạn II (từ ngày 1/1/2016) trở đi sẽ áp dụng mức thu tối đa theo khung quy định tại Thông tư số 159/2013/TT - BTC.
Như vậy, đối với các loại ôtô chở người dưới 12 chỗ, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng thuộc nhóm I hiện đang thu 10.000 đồng/lượt sẽ được nâng lên 45.000 đồng/lượt trong giai đoạn I và 52.000 đồng/lượt trong giai đoạn II.
Thừa nhận mức tăng này sẽ ít nhiều gây khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải đường bộ đang hoạt động trên tuyến, nhưng Vidifi cho rằng, đây là việc làm đã được chủ đầu tư tính toán kỹ lưỡng.
Trước đó, trong tờ trình gửi Bộ GTVT vào cuối tháng 6/2015, Vidifi đã đưa ra một phương án “nhẹ hơn”, với mức thu ngang bằng mức thu phí sử dụng đường bộ đang áp dụng tại Quốc lộ 10 (trạm Tân Đệ) và Quốc lộ 18 (trạm Đại Yên)
“Tuy nhiên phương án này lệch khá nhiều so với phương án tài chính điều chỉnh của Dự án đã được thẩm định”, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng giám đốc Vidifi cho biết.
Vẫn theo lãnh đạo Vidifi, việc đề nghị tăng phí lẽ ra cần có thời gian và lộ trình để tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp hiểu rõ và ủng hộ, nhưng vấn đề này đã đặt ra trong phương án tài chính, nếu không điều chỉnh phí, thì đối tác nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng sẽ “hoài nghi” về tính khả thi.
Hư hỏng mặt đường 5 - Vidifi vô can
Cần phải nói thêm rằng, tại Quyết định số 1621/QĐ - TTg ngày 29/11/2007, Thủ tướng Chính phủ cho phép Vidifi được quyền thu phí sử dụng đường bộ tại Quốc lộ 5 đến hết thời gian kinh doanh BOT, bên cạnh một số nguồn thu khác để hoàn vốn cho Dự án.
Theo phương án tài chính mới của Dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận hồi tháng 5 vừa qua, Vidifi được tăng phí theo thời gian như các trạm thu phí khác (hiện mức thu trên Quốc lộ 5 được duy trì 10 năm nay và là mức phí thấp nhất toàn quốc)
Trong khi đó, mức thu phí sử dụng đường bộ tại các tuyến quốc lộ đều đã điều chỉnh tăng theo mức khung quy định tại Thông tư số 159 gấp 2-3 lần so với mức phí Quốc lộ 5 đang thu.
“Nếu Vidifi không được tăng phí đường bộ tại Quốc lộ 5, thì phương án tài chính của cao tốc Hà Nội – Hải Phòng vừa được phê duyệt có thể bị phá sản”, ông Tỉnh nói.
Bên cạnh đó, với mức thu quá thấp hiện nay, chủ đầu tư sẽ gặp khó khăn trong việc dành nguồn kinh phí dành cho việc duy tu tuyến đường trong khoảng 3 năm tới, khi thời điểm phải đại tu toàn tuyến đường đang đến rất gần.
Theo phương án tài chính mới nhất, bắt đầu từ ngày 1/1/2016, Bộ GTVT sẽ chuyển Quốc lộ 5 sang cho Vidifi quản lý, khi đó nhà đầu tư sẽ chịu trách nhiệm sửa chữa, bảo trì tuyến đường này bằng nguồn kinh phí thu được từ các trạm thu phí.
Trước đó, năm 2012, Vidifi đã trích kinh phí từ nguồn thu phí Quốc lộ 5 với gần 400 tỷ đồng để trả nợ 50% vốn vay đầu tư Dự án cải tạo, khôi phục mặt đường Quốc lộ 5, đảm bảo an toàn giao thông và duy trì khả năng khai thác.
Liên quan đến một số đoạn mặt đường Quốc lộ 5 đang bị hằn lún vệt bánh xe, Bộ GTVT khẳng định, đây là trách nhiệm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, mà trực tiếp là Ban quản lý dự án 3 và các nhà thầu thi công Dự án sửa chữa Quốc lộ 5.
“Các nhà thầu sẽ phải thực hiện trách nhiệm bảo hành, nhằm đảm bảo êm thuận cho tuyến đường”, Bộ trưởng Bộ Đinh La Thăng khẳng định.