Đại biểu Trần Thị Hiền. Ảnh: QH |
Theo Dự án Luật Đặc xá (sửa đổi), trong vòng 10 năm với 7 lần đặc xá nhân các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước, đã có khoảng 87.000 người được đặc xá, trong đó có khoảng 50.000 người, bằng 57% có việc làm và thu nhập ổn định khi trở lại cộng đồng. Tỷ lệ tái phạm vi phạm pháp luật trong số người được đặc xá là 1,16%.
Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho rằng: “Từ thực tế này, hoàn toàn đồng tình quan điểm sửa đổi luật phải hướng tới nâng cao chất lượng công tác đặc xá, khắc phục tình trạng số lượng người được đặc xá quá lớn, bảo đảm ý nghĩa đặc biệt và giá trị khác biệt cơ bản của đặc xá so với chính sách khoan hồng khác dành cho những người thực sự xứng đáng”.
Góp ý cho Dự thảo Luật Đặc xá, sửa đổi, các đại biểu đều khẳng định sự cần thiết ban hành dự luật này. Việc Chủ tịch Nước quyết định đặc xá có tác động xã hội to lớn, là động lực để người bị kết án phạt tù nỗ lực học tập, rèn luyện, lao động, phấn đấu cải tạo tốt hơn; đồng thời, tạo sự đồng thuận, ủng hộ từ gia đình người bị kết án cũng như mọi tầng lớp nhân dân.
Tuy nhiên, tổng kết thực tiễn trên 10 năm thi hành Luật Đặc xá năm 2007 cho thấy, nhiều quy định của luật không còn phù hợp, cần phải sửa đổi, bổ sung. Vì vậy, việc sửa đổi luật là cần thiết.
Dự thảo luật có phạm vi sửa đổi rộng, sửa đến 18/36 điều, bổ sung 3 điều mới, nhiều nội dung sửa đổi là chính sách lớn, cơ bản của Luật Đặc xá năm 2007
Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho biết, qua phản ánh của cử tri, có ý kiến còn băn khoăn về công tác đặc xá thời gian qua triển khai gấp gáp nên chưa bảo đảm đầy đủ sự tham gia, giám sát của nhân dân, từ đó có thể làm ảnh hưởng nhất định đến chất lượng công tác đặc xá.
Vì vậy, Luật sửa đổi phải khắc phục hạn chế nêu trên, nâng cao chất lượng công tác đặc xá. Đồng thời tránh việc hiểu sai đặc xá ngoài việc thực hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước thì còn có mục đích nhằm giảm tình trạng quá tải ở các cơ sở giam giữ.
Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) cho rằng, Luật Đặc xá nên bỏ quy định về việc đặc xá nhân ngày lễ lớn của đất nước do Bộ luật Hình sự 2015 đã bổ sung chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện tại Điều 66 và Điều 106.
Đại biểu Mẫn đề xuất, chế định này được thực hiện thường xuyên, mỗi năm 3 đợt với nhiều điều kiện áp dụng tương tự chế định đặc xá như: đã chấp hành được ít nhất 1/2 mức phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất 15 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn, đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và án phí, có nhiều tiến bộ và có ý thức cải tạo tốt.
Việc áp dụng song song hai chế định này một cách thường xuyên có thể dẫn tới trùng lặp về chính sách, làm mất ý nghĩa đặc ân, đặc biệt của chính sách đặc xá.