Cần diễn tập khi có ca bệnh
Yên Bái có 5 ca bệnh Covid-19 thì đều phải chuyển xuống Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị. Lý giải điều này, Giám đốc Sở Y tế Yên Bái Lê Thị Hồng Vân cho hay do đây là lần đầu tiên tỉnh này có ca bệnh Covid-19.
Biến chủng SARS-CoV-2 mới tại Ấn Độ là B.1.617 có tốc độ lây lan mạnh hơn các chủng cũ là mối lo mà các quốc gia cần hết sức cảnh giác |
Bên cạnh đó, theo bà Lê Thị Hồng Vân, đây là ca bệnh từ chuyên gia Ấn Độ - nơi biến chủng B.1.617 hoành hành, có tốc độ lây lan mạnh hơn các chủng cũ, do vậy để tránh rủi ro Yên Bái đã chuyển bệnh nhân bằng xe chuyên dụng xuống Hà Nội điều trị.
Lý giải này của người đứng đầu ngành Y tế Yên Bái thoạt nghe có vẻ khá phù hợp, song lại cho thấy thực tế đáng lo về khả năng ứng phó của các tuyến cơ sở trong ứng phó với dịch trường hợp dịch xảy ra, lây lan và bùng phát.
Lo ngại các tuyến cơ sở lúng túng xử lý là hoàn có cơ sở bởi đợt bùng phát dịch bệnh vừa qua tại Hải Dương cho thấy, thời điểm ban đầu tỉnh này khá luống cuống trong việc phòng dịch tại các khu cách ly khiến dịch bùng phát mạnh tại các cơ sở này.
Minh chứng câu chuyện lây nhiễm chéo từ khu cách ly tại Yên Bái ông Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện công cộng Việt Nam cho hay, việc lây nhiễm ca bệnh từ khu cách ly sẽ rất lớn khi công tác quản lý không được thực hiện tốt.
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định, các cơ sở cách ly cần người có năng lực, trình độ về quản ý cách ly để không có sự lây chéo trong các khu này.
Bản thân mỗi địa phương cũng phải tự tin về năng lực điều trị, nếu cứ có ca bệnh lại chuyển xuống Hà Nội sẽ gây quá tải cho hệ thống.
Thậm chí, theo chuyên gia các địa phương phải diễn tập để khi có ca bệnh, cách ly và đối phó được ngay. Mỗi địa phương phải chủ động, thực hiện "4 tại chỗ". Khi dịch bùng phát, không có cơ sở cách ly, điều trị sẽ rất nguy hiểm.
Tăng nguồn lực cho điều trị
Liên quan tới việc giải trình tự gien gây bệnh cho 4 chuyên gia Ấn Độ, theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn điều trị Covid-19 (Bộ Y tế), các nhà khoa học Việt Nam đang giải trình tự gien để xem chủng này là B1.1.7 hay chủng kép B1.617 nhằm tăng cường phòng vệ, có thông tin đầy đủ cho cán bộ y tế tập trung điều trị.
Têm chủng vắc-xin Covid-19 là cần thiết trong công tác phòng chống dịch bệnh |
Về mức độ nguy hiểm của biến thể mới theo GS. Kính, chủng này có đột biến kép ở đoạn protein S nên lan tràn rất nhanh, tử vong rất cao.
Nếu phát hiện thêm chủng mới, Việt Nam sẽ có 5 chủng virus SARS-CoV-2 lưu hành, bên cạnh chủng đột biến B.1.1.7 của Anh, chủng Nam Phi, chủng D614G ở châu Âu và chủng ở Vũ Hán.
Về việc Ấn Độ đã tiêm vắc-xin cho nhiều người nhưng số ca mắc vẫn ở mức cao, ông Kính lý giải, không có vắc-xin nào có khả năng bảo vệ 100%, tỷ lệ hơn 90% là lý tưởng...
Những vắc-xin này có trung hòa hay ngăn chặn được hết biến thể của virus SARS-CoV-2 hay không là câu hỏi lớn cho ngành vắc-xin để theo dõi.
“Một số nhà nghiên cứu cho rằng, với biến thể nhanh chóng của virus có thể dẫn đến chống lại vắc-xin ban đầu, giống như cúm mỗi năm lại phải bổ sung một vắc-xin ngừa chủng mới”, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn điều trị Covid-19 nêu.
Từ tuyến điều trị, bác sĩ Vũ Minh Điền, Phó giám đốc Trung tâm Phòng, chống dịch và Tiêm chủng vắc-xin, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), khẳng định ngành Y tế Ấn Độ đang bị quá tải về số lượng bệnh nhân, từ đó thiếu thốn vật tư, trang thiết bị phục vụ điều trị.
Trong đó, bên cạnh thuốc chống đông, một vũ khí quan trọng của các bác sĩ với những bệnh nhân tổn thương phổi nặng, phải hỗ trợ hô hấp, là oxy cũng đang thiếu hụt nghiêm trọng.
“Thông thường, khoảng 5-10% trường hợp mắc Covid-19 sẽ có biểu hiện viêm phổi nặng cần các biện pháp hỗ trợ hô hấp. Những biện pháp này đều cần oxy. Tuy nhiên, khi nhu cầu vượt quá lượng cung, ngành Y tế sẽ rơi vào tình trạng quá tải, dẫn đến tê liệt hệ thống điều trị”, bác sĩ Điền nói.
Nhìn ra các nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp hay một số quốc gia thuộc châu Âu, dù tiềm lực kinh tế và y tế phát triển, việc dịch Covid-19 bùng phát trong cộng đồng nhưng không kiểm soát tốt, số ca lây nhiễm tăng nhanh, các ca bệnh diễn biến nặng không được chăm sóc y tế đầy đủ dẫn đến viêm phổi gây tiêu tốn rất nhiều nguồn lực cho việc điều trị.
Tại Ấ Độ, nhiều ngày liên tiếp quốc gia Nam Á này ghi nhận số lượng ca nhiễm mới kỷ lục, trên 300.000 người.
Hệ thống điều trị của Việt Nam cần được thiết lập bằng nhiều tầng, lớp, từ cơ sở địa phương đến tuyến tỉnh, Trung ương |
Chú trọng khai báo y tế
Ngày 28/4, đất nước Nam Á có thêm 361.000 người bệnh. Tổng số bệnh nhân Covid-19 từ đầu mùa dịch là 18 triệu người, 200.000 người tử vong.
Ấn Độ từng được coi là câu chuyện thành công trong việc đánh bại đại dịch Covid-19. Nhưng hiện tại, hệ thống y tế suy yếu của đất nước 1,4 tỷ dân đã không trụ vững trước thảm kịch này. Nhiều bệnh viện buộc phải từ chối tiếp nhận người mắc Covid-19 vì hết giường và không có oxy.
Do đó, Phó giám đốc Trung tâm Phòng, chống dịch và Tiêm chủng vắc-xin khẳng định đây là bài học cho Việt Nam. Chúng ta không được phép để dịch lan rộng ra cộng đồng thông qua việc phát hiện sớm ca nghi nhiễm, từ đó khoanh vùng, cách ly kịp thời.
Bên cạnh đó, trong trường hợp dịch không may lan rộng, vị chuyên gia này cho hay chúng ta cần áp dụng các biện pháp mạnh như giãn cách xã hội, xét nghiệm diện rộng, phong tỏa trên diện hẹp với chỉ thị 15, 16 của Chính phủ, từ đó ngăn chặn nguồn lây.
“Thông qua các biện pháp này, chúng ta có thể phân loại trường hợp cần chăm sóc y tế, điều trị tích cực nhằm đảm bảo nguồn lực. Với các trường hợp không có diễn biến xấu, viêm phổi nặng hay suy đa phủ tạng, chúng ta có thể theo dõi tại cơ sở y tế ban đầu với tiêu chí 4 tại chỗ của Bộ Y tế”, bác sĩ Điền nói.
Ngoài ra, theo bác sĩ Điền, hệ thống điều trị của Việt Nam cần được thiết lập bằng nhiều tầng, lớp, từ cơ sở địa phương đến tuyến tỉnh, Trung ương.
Tại Trung ương, Bộ Y tế luôn có hội đồng chuyên môn thường trực có thể hội chẩn trực tuyến, hỗ trợ cho các tuyến cơ sở bất cứ lúc nào.
Ở một góc nhìn khác, theo ông Trần Đắc Phu, việc khai báo y tế cũng rất quan trọng. Bởi khi cần thiết các cơ quan y tế có thể dựa vào các thông tin này để truy vết và tư vấn phòng, chống dịch cho chúng ta.
“Nếu làm được điều đó, dịch xảy ra sẽ như đốm lửa nhỏ. Nếu chúng ta để bùng cháy thành đám lửa thì rất khó quản lý”, chuyên gia lo ngại.
Bên cạnh đó, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cũng cho hay Việt Nam cũng cần truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân và chính quyền địa phương để phát hiện các trường hợp nhập cảnh bất hợp pháp và ca bệnh dương tính. Các địa phương phải kích hoạt trạng thái như tình hình đang có dịch.
Với chủng virus đột biến kép ở Ấn Độ, nếu không kiểm soát tốt, cách ly sau nhập cảnh không nghiêm ngặt, virus hoàn toàn có khả năng xâm nhập.