Doanh nghiệp
Năng lực cạnh tranh 4.0 vào cuộc đua mới
Bảo Duy - 22/10/2018 10:29
Thứ hạng 77/140 (giảm 4 bậc so với năm 2017) của Việt Nam trên Bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) 4.0 được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố ngay trong lúc cuộc tranh luận về yêu cầu quản lý taxi công nghệ như taxi truyền thống tại Việt Nam được đẩy lên cao trào.
TIN LIÊN QUAN

Những lấn cấn còn quá lớn trong tư duy quản lý nhà nước trước những thay đổi mạnh mẽ của các mô hình kinh doanh mới đã lý giải phần nào bước tụt hạng của Việt Nam trong GCI năm nay.

Điều thú vị là, dường như cái tên mới GCI 4.0 hàm ý WEF đang chuyển trọng tâm sang yếu tố công nghệ, sáng tạo khi xem xét thứ hạng năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế

.

Dù có điểm tuyệt đối cải thiện 0,2 điểm so với năm trước, nhưng GCI 4.0 của Việt Nam lại giảm 4 bậc so với năm 2017. Như vậy, có thể hiểu rằng, Việt Nam có cải thiện về năng lực cạnh tranh 4.0, nhưng chậm và thiếu bền vững.

Điều này có thể nhìn thấy khá rõ trong những yếu tố giảm điểm của Việt Nam. Đó là kỹ năng giảm 1,5 điểm (từ 55,8 xuống 54,3 điểm); thể chế giảm 1,2 điểm (từ 50,7 xuống 49,5 điểm). Kết cấu hạ tầng; hiệu quả thị trường hàng hoá, hiệu quả thị trường tài chính giảm 0,6 điểm mỗi trụ cột. Năng lực đổi mới sáng tạo giảm 0,5 điểm. Mức độ năng động trong kinh doanh giảm 0,3 điểm. 

Trụ cột có điểm cải thiện nhiều nhất của Việt Nam là hiệu quả thị trường lao động (từ 52,4 lên 55,6 điểm, tăng 3,2 điểm). Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tăng 1,4 điểm (từ 41,9 lên 43,3 điểm). Quy mô thị trường mở rộng với mức tăng 1,1 điểm (từ 69,8 lên 70,9 điểm). Y tế tăng 0,7 điểm (80,3 lên 81 điểm). Điểm số về Ổn định kinh tế vĩ mô được đánh giá không thay đổi so với năm 2017. 

Kết quả này cho thấy các động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo để bắt kịp xu thế 4.0 của Việt Nam còn yếu và chưa hiệu quả. Trong đó, thủ tục hành chính vẫn là rào cản nặng nề, văn hoá doanh nhân giảm điểm, mức độ trao đổi và đa dạng hoá còn thấp, mức độ thương mại hoá hạn chế.

Trong GCI 4.0 năm 2018, chỉ có Việt Nam, Lào, Campuchia giảm bậc, trong khi các nước ASEAN khác đều tăng bậc, riêng Philippines tăng 12 bậc. Như vậy, có thể nói Việt Nam đang tụt lại đằng sau nhiều nước ASEAN về năng lực cạnh tranh 4.0.

Công nghệ thay đổi mạnh mẽ, phân cực chính trị và sự phục hồi kinh tế mong manh buộc WEF phải thay đổi cách thức đánh giá và xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu. Mặc dù vẫn chú trọng yếu tố thúc đẩy tăng trưởng dài hạn và nâng cao thu nhập của người dân, song các nhân tố ảnh hưởng tới năng suất trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được đưa vào xếp hạng và việc thay đổi cách thức đánh giá đã làm thay đổi cục diện thường thấy của GCI. Điều này cũng dẫn tới những khác biệt mới khi so sánh GCI của năm nay và các năm trước.

GCI 4.0 đánh giá được các nội dung quan trọng như nguồn nhân lực, mức độ sáng tạo, đổi mới, mức độ kháng cự với các cú sốc bên ngoài và sự nhạy bén. Những nội dung này thể hiện qua các yếu tố quan trọng mới khác (như văn hoá doanh nhân, sự phối hợp của nhiều bên liên quan, tư duy phản biện, niềm tin của xã hội,…) bên cạnh những yếu tố truyền thống (như ứng dụng công nghệ thông tin, kết cấu hạ tầng, ổn định kinh tế vĩ mô, quyền tài sản…).

Với cách tiếp cận mới, GCI 4.0 có cách tính điểm mới. Cách tính điểm này nhấn mạnh rằng, năng lực cạnh tranh của mỗi nền kinh tế có thể được cải thiện rất nhanh. Theo đó, động lực quan trọng giúp mỗi nền kinh tế có thể sớm bứt phá là đẩy nhanh quá trình phát triển theo xu thế 4.0.

Tin liên quan
Tin khác